Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Từ 'I Care a Lot' tới cuộc đời Britney Spears: Một cú tát đau

Từ phim tài liệu “Framing Britney Spears” tới tác phẩm hư cấu giật gân “I Care a Lot”, quan hệ giám hộ hợp pháp tại Mỹ hiện lên trên màn ảnh với nhiều tiêu cực.

Theo Hiệp hội giám hộ quốc gia Mỹ (NGA), quan hệ giám hộ được định nghĩa là: “Quy trình hợp pháp, được áp dụng khi một người không còn khả năng đưa ra, hoặc truyền đạt an toàn và chính xác những quyết định về bản thân/tài sản của bản thân hay trở nên dễ bị lừa đảo/ảnh hưởng quá mức.

Bởi việc áp dụng quyền giám hộ hợp pháp có thể tước bỏ của cá nhân những quyền nhân thân nhất định, nó chỉ được xem xét sau khi các phương pháp thay thế không phát huy hiệu quả hoặc bất khả thi”.

phim I Care a Lot toi cuoc doi Britney Spears anh 1

Câu chuyện kiện cáo xoay quanh quyền giám hộ được chỉ định của Britney Spears hé lộ một phần mặt trái của quan hệ này. Ảnh: NYT.

Mục đích của việc giám hộ là đảm bảo những người mất/không có năng lực tự chăm sóc bản thân nhận được sự hỗ trợ phù hợp và kịp thời. Tuy nhiên, người được giám hộ cũng dễ trở thành miếng mồi ngon cho hành vi chiếm đoạt tài sản.

Kẻ cướp ngày được luật pháp bảo vệ trên phim ảnh

Trong bộ phim hài, giật gân I Care a Lot của đạo diễn J Blakeson, Rosamund Pike vào vai Marla Grayson, một phụ nữ sống bằng nghề giám hộ hợp pháp. Công việc hàng ngày của cô là đảm bảo những ông già bà cả nằm dưới sự trông nom của mình được sống hạnh phúc những ngày tháng cuối đời.

Sự thực, Grayson là kẻ lừa đảo thành thần. Với tư cách người giám hộ hợp pháp, ả cấu kết với bác sĩ lão khoa, lừa đưa những người già neo đơn, với khối tài sản dưỡng già kếch xù, vào viện dưỡng lão (nơi ả nắm sở hữu tỷ lệ không nhỏ cổ phần).

phim I Care a Lot toi cuoc doi Britney Spears anh 2

Vai Marla Grayson của Rosamund Pike là kẻ lừa đảo núp bóng người giám hộ hợp pháp. Ảnh: Netflix.

Tại đây, các ông bà bị ép sử dụng quá liều thuốc chữa tâm thần phân liệt, cũng như ngắt toàn bộ liên lạc với người thân bên ngoài. Nhờ vậy, Grayson được rảnh tay xử lý khối tài sản của họ. Ả bán nhà, rút tiền tiết kiệm của nạn nhân khỏi các ngân hàng. Khối lợi nhuận ấy sẽ âm thầm và hợp pháp, chảy vào túi ả.

Trong 20 phút đầu I Care a Lot, khán giả đã được chiêm ngưỡng một bức chân dung - có thể chỉ là con sâu làm rầu nồi canh, nhưng cũng có thể là bộ mặt thật - của một người giám hộ được tòa án chỉ định. Tham lam, xảo quyệt, trơ trẽn… chừng ấy tính từ vẫn là chưa đủ để mô tả Marla Grayson.

Quyền giám hộ hợp pháp hay cách làm lợi trên người yếu thế?

Tháng 5/2016, tạp chí Forbes đăng bài viết Guardianship in the U.S: Protection or Exploitation? (Giám hộ hợp pháp tại Mỹ: Sự bảo vệ hay lợi dụng?) của Next Avenue. Đây là bài đầu tiên trong chuỗi ba tác phẩm báo chí đi sâu tìm hiểu, phân tích và chỉ ra những mặt trái của quan hệ giám hộ hợp pháp tại xứ cờ hoa.

Bài báo bắt đầu bằng câu chuyện của bà Ginger Franklin. Năm 2008, bà Franklin bị thương nặng, ngỡ không qua khỏi và được tòa chỉ định người giám hộ hợp pháp. Người giám hộ đưa bà vào viện điều dưỡng dành cho bệnh nhân tâm thần nặng. Rồi bà Franklin may mắn hồi phục hoàn toàn.

Xuất viện, bà trở thành người không nhà cửa, không tài sản. Bất động sản của bà Franklin đã bị người giám hộ rao bán, trên danh nghĩa để chi trả các chi phí sinh hoạt cho bà. Ở tuổi đáng lý đã được nghỉ ngơi, bà Franklin phải làm việc vất vả để kiếm sống qua ngày và trú thân trong một chốn tồi tàn.

phim I Care a Lot toi cuoc doi Britney Spears anh 3

Quan hệ giám hộ đôi khi hủy hoại cuộc đời người được giám hộ thay vì giúp đỡ họ. Ảnh: Netflix.

Theo Arizona Republic, một cụ bà người Mỹ tên Marie Long về hưu với số tiền tích góp lên tới 1,3 triệu USD bị đột quỵ năm 2005 và được chỉ định người giám hộ. Tới năm 2009, bà phá sản. Số tiền tích góp của bà, cùng toàn bộ bất động sản đã bốc hơi dưới bàn tay của người giám hộ hợp pháp.

Bà Franklin hay Long chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp trắng tay ở tuổi xế chiều vì người giám hộ hợp pháp. Tình trạng cho thấy mặt trái của quan hệ này là người cao tuổi bị tước mất quyền tự do đưa ra các quyết định về bản thân hay tài sản. Quyền này sẽ rơi vào tay người giám hộ.

Hồi 2013, một phụ nữ Mỹ tên Patience Bristol từng bị kết án tù giam sau hành vi lợi dụng người gặp hoàn cảnh khó khăn. Bristol đã bòn rút tiền từ tài khoản ngân hàng của bốn người được mình giám hộ để trả nợ cờ bạc cũng như tiêu xài cá nhân. Theo Las Vegas Review Journal, Bristol đã lấy cắp 495.000 USD từ tài khoản của một trong bốn nạn nhân của mình.

Patience Bristol chính là phiên bản đời thực của Marla Crayson của I Care a Lot. Cuộc sống thoải mái, hạnh phúc của Grayson cùng bạn gái trên phim tỷ lệ thuận với số ông già, bà lão đã bị họ lập mưu đẩy vào trại dưỡng lão. Thứ Marla Grayson cướp đi của họ không chỉ là khối tài sản kếch xù. Đó còn là quyền được sống, được làm chủ cuộc đời mình.

Báo cáo năm 2010 của văn phòng kiểm toán chính phủ Mỹ (GAO) ghi nhận hàng trăm đơn tố cáo các hành vi bạo hành, bỏ mặc và chiếm đoạt tài sản gây ra bởi người giám hộ trên 45 bang của nước Mỹ cũng như thủ đô Washington trong giai đoạn từ 1990 tới 2010. Khối tài sản mà người giám hộ ăn cắp từ các khách hàng trong giai đoạn này vào khoảng 5,4 triệu USD.

Hành trình nhọc nhằn để tìm lại tự do

Từ năm 2008, Britney Spears đã sống dưới sự giám hộ của cha là ông Jamie Spears. Cha nữ ca sĩ có quyền kiểm soát toàn bộ tài sản, công việc cũng như sinh hoạt đời thường của cô.

“Chi tiêu vụn vặt nhất của Britney, như mua cốc cà phê hay trả phí nghe bài hát trên trang trực tuyến, đều được ghi chép tỉ mỉ trong các tài liệu trình trước tòa. Đây là một phần trong kế hoạch bảo vệ khối tài sản khổng lồ nữ ca sĩ kiếm được nhưng không có quyền sở hữu tối cao”, nội dung một bài báo được đăng trên tạp chí Times viết.

phim I Care a Lot toi cuoc doi Britney Spears anh 4

Sau bao năm, thế giới nợ Britney Spears một lời xin lỗi khi gián tiếp dồn cô vào tình thế phải nhận cha làm người giám hộ hợp pháp. Ảnh: Getty Images.

Trong Framing Britney Spears, Adam Streisand, một luật sư tại Los Angeles chuyên về thỏa thuận giám hộ, đã kể lại cuộc gặp gỡ Britney Spears ngay sau khi nữ ca sĩ đi khám tâm thần không tự nguyện năm 2008.

Trong cuộc gặp, Spears chấp nhận sự giám hộ với một điều kiện: người giám hộ không phải cha mình. Tuy nhiên, tình trạng tinh thần bất ổn của nữ ca sĩ khi ấy, cùng với việc truyền thông đương thời bôi vẽ chân dung cô với đủ thứ thói hư tật xấu, đã khiến nguyện vọng của Britney Spears bị bỏ qua.

Britney Spears từng đệ đơn yêu cầu gạch tên cha mình khỏi vị trí người giám hộ hợp pháp của con gái. Cuộc chiến pháp lý dài lâu, tiêu tốn nhiều tiền của đã góp phần khiến khối tài sản của cô vơi đi nhanh chóng trong những năm vừa qua. Đáng tiếc, nó lại không dẫn nàng công chúa nhạc pop tới một kết cục có hậu.

Tòa án đã bác bỏ đề nghị của Britney Spears, đồng nghĩa cô vẫn phải sống dưới vòng kìm kẹp của cha. Tuy nhiên, nỗ lực vẫn mang lại thắng lợi, khi vai trò người giám hộ khối tài sản của cô lúc này đã được chia đều giữa ông Jamie Spears và công ty Bessemer Trust.

Quay lại câu chuyện của bà Ginger Franklin. Với số tiền còn lại, bà vừa chắt bóp để trả tiền thuê nhà lẫn mời luật sư. Ginger Franklin quyết tâm khởi kiện đòi quyền tự do. Vụ kiện nhận được sự quan tâm sát sao của giới truyền thông.

Năm 2010, tòa xử Franklin thắng kiện. Bà được giải phóng khỏi ràng buộc pháp lý với người giám hộ, và bắt đầu một giai đoạn tự do mới trong cuộc đời. Bước đi tiếp theo của Franklin là ổn định cuộc sống, và đệ đơn kiện người giám hộ cũ của mình.

Về căn bản, việc giám hộ ra đời với mục đích tốt. Nhưng khi áp dụng trong hoàn cảnh thực tế khác nhau lại phát sinh không ít vấn đề. Trong một số trường hợp, nó biến quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi giữa người giám hộ và người được giám hộ trở thành sự ép buộc, cưỡng chế, thậm chí chiếm đoạn tài sản.

Vấn đề tiêu cực đã tồn tại trong nhiều năm, và không dễ dàng giải quyết trong một sớm một chiều. Sự can thiệp hời hợt, chậm trễ của cơ quan chức năng nhằm bảo vệ quyền lợi của người được giám hộ, tạo kẽ hở cho kẻ ác tâm lộng hành, đã trở thành chất liệu sáng tác cho điện ảnh và truyền hình.

Vì sao khối tài sản của Britney Spears thấp đáng kinh ngạc?

Tài sản của nữ hoàng nhạc pop một thời Britney Spears ở mức thấp đáng kinh ngạc so với những đồng nghiệp cùng thời như JLo, Jessica Simpson.

Ai đã khiến Britney Spears sụp đổ?

Sau những biến cố xảy ra trong quá khứ, Britney Spears hiện tại được công chúng cảm thông và ủng hộ thoát khỏi quyền giám hộ từ cha ruột.

‘I Care a Lot’ - khi kẻ cắp gặp bà già

Với Rosamund Pike trong vai chính, bộ phim hài đen của đạo diễn người Anh J Blakeson pha trộn nhiều thể loại để kể lại một phi vụ lừa đảo xảy ra trong ngành y tế nước Mỹ.

'Si dien' cua B Ray hinh anh

'Sĩ diện' của B Ray

0

Chia sẻ với Tri thức - Znews, B Ray nói việc học trò trở thành quán quân Rap Việt là niềm kiêu hãnh, "sĩ diện" của chính anh, và nam rapper sẽ tự hào đến hết cuộc đời.

Anh Phan

Bạn có thể quan tâm