Học chuyên Toán nhưng Nguyễn Phúc Lâm có niềm đam mê đặc biệt với môn Sinh học. Năm 2021 và 2022, Lâm liên tục đoạt giải nhất trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn Sinh. Vừa qua, nam sinh chính thức trở thành thành viên đội tuyển Olympic quốc tế môn Sinh học năm 2022 với điểm số 28,9/30.
"Năm 2021, em tham dự kỳ thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế nhưng không đậu. Thời điểm đó, em là học sinh lớp 11, chưa học nhiều kiến thức và không có kinh nghiệm thi cử. Sau này, lên lớp 12, em có thời gian để nghiên cứu, học được nhiều kiến thức môn Sinh học hơn. Kết quả này là sự 'phục thù' thành công của em ở kỳ thi này", Lâm nói.
Nguyễn Phúc Lâm là thành viên đội tuyển Olympic quốc tế môn Sinh học năm 2022. |
Tự học
Đối với Phúc Lâm, Sinh học là môn sử dụng kiến thức của nhiều môn Khoa học tự nhiên khác như Toán, Vật lý, Hóa học. Khó khăn của Sinh học là lượng kiến thức cần ghi nhớ và học sinh phải biết liên hệ thực tế.
Thời gian đầu học lớp 10, Phúc Lâm suy nghĩ sẽ tham gia đội tuyển học sinh giỏi môn Toán của trường. Tuy nhiên, sau đó, Lâm cảm thấy năng lực của bản thân không phù hợp với môn học này. Nam sinh hứng thú hơn với các tiết Sinh học. Phúc Lâm định hướng học khối B00 (Toán, Hóa học, Sinh học) để xét tuyển vào đại học và lựa chọn thử sức ở đội tuyển học sinh giỏi môn Sinh của trường.
"Tham gia học đội tuyển, em được tìm hiểu kỹ càng, đào sâu lý thuyết ở các chuyên đề khác nhau của môn Sinh học. Lượng bài tập và thực hành cũng nhiều hơn so với quá trình học trên lớp", Lâm nói.
Phúc Lâm cho biết em đạt được thành tích như vậy nhờ thầy, cô giáo tạo điều kiện để nghiên cứu, tìm hiểu. Bên cạnh đó, nam sinh nhấn mạnh đến vai trò tự học và đam mê của bản thân.
Mỗi ngày, Lâm tự học 10 tiếng. Nam sinh lập thời gian biểu kỹ càng. Buổi sáng, em tự học từ 7h đến 11h, buổi chiều từ 14h đến 17h và buổi tối từ 19h30 đến 22h30. Trong thời gian học, nam sinh nghiên cứu các kiến thức khác nhau và làm bài tập thực hành. Phúc Lâm luôn kiềm chế việc sử dụng điện thoại trong thời gian tự học để tránh mất tập trung.
"Để tự học hiệu quả, em nghĩ các bạn cần lên thời gian biểu hợp lý, tập trung cao độ, đặt bản thân vào khuôn khổ, không sử dụng điện thoại vào mục đích khác ngoài việc học", Lâm nói.
Năm 2021, Lâm đoạt giải nhất kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn Sinh. Đến năm 2022, khi tham dự kỳ thi này một lần nữa, Lâm cho biết bản thân khá áp lực vì sợ thành tích thấp hơn năm ngoái. Tuy nhiên, nam sinh đã biến áp lực thành động lực để cố gắng đạt thành tích cao hơn, không muốn dừng chân ở kết quả như năm lớp 11.
Phúc Lâm mong muốn trở thành bác sĩ trong tương lai. |
Sống tự lập từ năm lớp 10
Lo sợ việc học đội tuyển sẽ tốn nhiều thời gian và có thể dẫn đến tình trạng học "lệch", Phúc Lâm tranh thủ lúc chưa đến gần thời gian thi cử để học các môn khác.
Ba năm học chuyên sâu về môn Sinh, Lâm chưa bao giờ nghĩ bản thân hiểu rõ môn học này. Nam sinh nhận thấy cần phải khám phá nhiều hơn và Sinh học còn nhiều điều mới mẻ.
Năm lớp 10, Phúc Lâm bắt đầu ở nội trú tại ký túc xá của trường. Xa gia đình, Lâm tập sống tự lập. Mỗi khi cảm thấy áp lực, mệt mỏi trong việc học hoặc nhớ nhà, Lâm gọi điện thoại về gia đình để chia sẻ với bố mẹ. Khi có thời gian rảnh, nam sinh tham gia các hoạt động thể thao ở trường.
"Em học chuyên Toán nhưng không chỉ chăm chăm vào việc học. Em luôn phân bố thời gian hợp lý để vừa học vừa tham gia được các hoạt động ngoại khóa. Lúc sắp bước vào kỳ thi, em học nhiều hơn", Lâm nói.
Nam sinh ước mơ sẽ trở thành bác sĩ. Với thành tích đạt được, Lâm mong muốn bản thân có cơ hội du học ở nước ngoài để tiếp tục nghiên cứu, phát triển bản thân, sau đó, trở về nước làm việc.
Thầy Lữ Văn Tập, giáo viên hướng dẫn đội tuyển học sinh giỏi môn Sinh, trường THPT chuyên Quang Trung (tỉnh Bình Phước), nhận xét Lâm là học sinh có tư duy, khả năng chịu khó, tự học, tự tìm hiểu kiến thức tốt. Theo thầy Tập, Lâm xác định rõ mục tiêu, đam mê nên luôn chịu khó tìm tòi để phát triển bản thân.
"Lâm đam mê và định hướng trở thành bác sĩ nên quyết tâm tìm hiểu bằng được. Ngoài lý thuyết trong nước, tôi còn cung cấp, hướng dẫn Lâm nghiên cứu tài liệu nước ngoài. Sau mỗi lúc học, gặp vấn đề khó hiểu, thầy trò thảo luận với nhau để tìm hiểu rõ kiến thức", thầy Tập nói.
Nam giáo viên cho rằng muốn học sinh phát huy khả năng, giáo viên cần phải truyền đam mê, tạo điều kiện để các em khám phá kiến thức đến tận cùng. Học sinh có đam mê đủ lớn sẽ dễ dàng đạt được thành công dưới sự hỗ trợ của giáo viên.