11/8 cũng là thời điểm hầu hết các nội dung kỳ vọng tranh chấp huy chương của đoàn thể thao Việt Nam đã khép lại. Chúng ta hiện đang chia sẻ vị trí thứ 17 trên bảng tổng sắp cùng 3 quốc gia khác là Brazil, Colombia và Slovenia.
Theo cựu Trưởng đoàn TTVN Nguyễn Hồng Minh, về cơ bản, bức tranh toàn cảnh của chúng ta tại Olympic Rio được vẽ nên bởi phong độ chói sáng của Hoàng Xuân Vinh, sự tiếc nuối không hề nhỏ dành cho Thạch Kim Tuấn, và ở một chừng mực nào đó, không nên coi thành tích của Ánh Viên là thất bại.
Thành công của Xuân Vinh sẽ giúp đoàn Việt Nam cải thiện đáng kể thành tích chung cuộc tại Olympic Rio 2016. Ảnh: Getty Images |
“Tôi không biết phải dùng từ ngữ nào để diễn tả niềm vui, niềm tự hào về kỳ tích của Hoàng Xuân Vinh. Cả nước phải cảm ơn anh ấy. Một VĐV giành HCV, HCB ở cùng một kỳ Olympic trên thế giới không nhiều, riêng với điều kiện của Việt Nam thì đó phải gọi là kỳ diệu” – ông Minh dường như vẫn chưa hết phấn khích với xạ thủ Quân đội.
Cũng như hàng triệu người Việt Nam khác, cha đẻ của mục tiêu “tấn công vào Olympic” đã hồi hộp đến đứng tim trước màn hình tivi, và có một chút thẫn thờ khi Xuân Vinh để tuột HCV thứ 2 trong gang tấc. Nhưng ông không coi đấy là một bước lùi của Xuân Vinh.
Ông phân tích: “Nếu đặt giả thiết Xuân Vinh chưa lấy được HCV ở nội dung trước đó, thì riêng tấm HCB này cũng đã là chiến tướng lập công đầu rồi. Tất nhiên, cả nước tiếc, bản thân anh Vinh cũng tiếc vì cơ hội HCV trong tầm tay, nhưng chúng ta đều phải công nhận là VĐV Jin Jong-oh xuất sắc và ổn định hơn Vinh trong những loạt bắn cuối”.
Cũng theo ông Minh, việc Xuân Vinh vượt qua vòng loại dù khởi đầu không tốt và duy trì vị trí ổn định ở chung kết trước các xạ thủ hàng đầu thế giới đã thể hiện bản lĩnh đáng khâm phục của anh. “Nhờ sự xuất thần của Xuân Vinh mà đoàn TTVN đã được cứu khỏi một kỳ Olympic có nguy cơ lớn trắng tay” – ông Minh thừa nhận.
Không phải Xuân Vinh, mà VĐV cử tạ Thạch Kim Tuấn mới là người gánh trọng trách huy chương lớn nhất và khả thi nhất của TTVN tại Rio. Tuy nhiên, đô cử này đã thất bại đáng tiếc, trong một ngày mà những người trong cuộc gọi là “kinh hoàng”.
“Tôi đánh giá thất bại của cử tạ là thất bại về chiến thuật, về tính toán” – ông Hồng Minh phân tích – “Tôi ngạc nhiên khi ở lần cử đẩy đầu tiên, Tuấn đã chọn mức 130 kg, trong khi các đối thủ mạnh hơn chỉ chọn 128 kg. Chính lần đẩy đầu tiên thất bại đã ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của Tuấn. Nhìn Tuấn thi đấu qua tivi, tôi không thấy được sự tập trung, sự hưng phấn mà chỉ toát lên vẻ căng thẳng, lo lắng”.
Ông Minh lý giải, có thể BHL đã chọn giải pháp cho Tuấn đấu thẳng với Long Qingquan và Om Yun Chol để tranh chấp huy chương từ bạc trở lên. Đó phải chăng là "hiệu ứng" từ tấm HCV của Xuân Vinh ngày hôm trước? Tiếc là chiến thuật mạo hiểm này quá sức với Tuấn, nhất là trong điều kiện anh tái phát chấn thương.
Thạch Kim Tuấn thất bại vì chấn thương và BHL cũng có trách nhiệm khi chọn sai đấu pháp. |
Trong khi đó, nếu xác định dồn sức tranh huy chương đồng thì khả năng này nằm trong tầm tay của Tuấn. VĐV người Thái đoạt HCĐ chỉ có tổng cử 289 kg, còn Tuấn trong tập luyện thường xuyên đạt 292, thi đấu từng đạt 296 và đã có lúc, anh ngầm đặt chỉ tiêu tiệm cận 300 kg để hướng đến Olympic Rio.
Cũng tự nhận thất bại, nhưng màn trình diễn của Ánh Viên lại khiến ông Hồng Minh không cảm thấy có điều gì trăn trở. Ông cho rằng Ánh Viên đã tiến bộ ở nội dung 400 m hỗn hợp, và đó là tín hiệu tích cực để chuẩn bị cho ASIAD.
“Mục tiêu của Ánh Viên không phải là đua tranh ở Olympic”, ông Minh khẳng định đó là điều tất cả ngành thể thao cùng xác định trước khi đến Rio. “Như vậy thì chúng ta cần kiên nhẫn, Ánh Viên cũng còn quỹ thời gian để cải thiện thành tích trong tương lai”.
Nhà vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh đã nhận được gần 6 tỷ đồng tiền thưởng cho 2 tấm huy chương vàng và bạc tại Rio 2016. Con số này chắc chắn chưa dừng lại bởi vẫn có nhiều Mạnh Thường quân muốn tài trợ cho Xuân Vinh sau khi anh trở về nước (dự kiến 21h30 tối 14/8 tại sân bay Nội Bài).