Flappy Bird đã tạo nên sự phấn khích và hy vọng cho những nhà sản xuất game Việt. |
Sự hấp dẫn của ngành game
Với thế giới, game được xem là loại hình nghệ thuật thứ tám, bởi nó hội tụ hầu như mọi yếu tố giải trí của các loại hình nghệ thuật khác như văn học, âm nhạc, hội họa, điện ảnh và kết hợp với cả khoa học. Ngành game là một trong những ngành thúc đẩy sức sáng tạo lớn nhất và thực sự là một ngành công nghệ cao trong lĩnh vực CNTT.
Về tổng giá trị, ngành game toàn cầu vượt xa điện ảnh. Và người ta dự đoán, quy mô của ngành game toàn cầu năm 2017 sẽ vào khoảng 100 tỷ đô.
Sự hấp dẫn của nó còn thể hiện ở giá trị lao động của nhân lực ngành game, khi mà một studio game ở Mỹ với vài trăm người đã làm ra những tựa game có doanh thu lớn hơn 1 tỷ USD, cao hơn bất cứ bộ phim nào, và bằng doanh thu của một tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam.
Supercell, một studio game có 85 người ở Phần Lan, doanh thu năm 2013 của họ cũng đạt hơn 1 tỷ USD, bằng 1/3 doanh số xuất khẩu gạo của đất nước chúng ta.
Các doanh nghiệp Việt Nam, tất nhiên cũng không thể không để ý đến sự hấp dẫn khó cưỡng của ngành game. Thế nhưng, để đến được thành công, con đường không trải toàn hoa hồng.
Sự nghiệt ngã của ngành sản xuất game Việt
Thực tế, ngành sản xuất game Việt Nam manh nha hình thành một cách chính quy từ những năm 2008, khi mà ngành công nghiệp giải trí game cất cánh với sự bùng nổ của game online. VNG phất ngọn cờ tiên phong với dự án Thuận Thiên Kiếm, VTC đầu tư quyết liệt mở studio, FPT cũng mạnh dạn đầu tư hơn 1 triệu đô cho tham vọng game nội địa. Bên cạnh những ông lớn số một ngành game, một studio độc lập khác là Emobi Games với dự án 7554 cũng làm nức lòng cộng đồng game thủ nước nhà. Đây là giai đoạn Việt Nam bắt đầu xuất hiện nhiều hơn những người làm game, khác hẳn với trước đó, vốn chỉ tồn tại một vài dự án mang tính dò đường như game “Thời loạn”…
7554 từng được đánh giá cao về khai thác nội dung lịch sử về chiến thắng Điện Biên Phủ. |
Sự háo hức và phấn khích ngày đó của giới làm game Việt, có khi còn mạnh hơn cả những ngày qua. Bất kể mục tiêu thực sự là thương mại hay đam mê, thì đó cũng là lúc mà việc sản xuất game ở Việt Nam được đầu tư bài bản nhất. VTC thuê hẳn người Hàn Quốc, FPT thuê chuyên gia người Mỹ, VNG không tiếc tiền chiêu mộ nhân tài, Emobi Games đầu tư vào những engine hay thiết bị tiên tiến nhất. Tất cả đều khát khao đặt một dấu ấn lên nền công nghiệp game nội địa.
Nhưng rồi tất cả đã sớm nhận ra, ngành sản xuất game nghiệt ngã và thách thức lớn hơn họ nghĩ. Nhân lực mỏng, tri thức thiếu thốn, kinh nghiệm vụn vặt, các sản phẩm ngoại thì ồ ạt nhập vào. Chưa kể đến một thái độ “ác cảm” của dư luận và truyền thông.
Lần lượt các dự án game nội địa rơi vào bế tắc, theo cách này hay cách khác. Dù cho vẫn có những dư âm tốt để lại.
Thực tế, trước Flappy Bird, VNG đã mang game Việt Nam xuất khẩu thế giới qua Nhật và Trung Quốc. Thực tế, trước Đông, Emobi Games mới là những người làm game Việt Nam đầu tiên được các báo lớn thế giới như Time, WSJ , AFP… hay Kotaku nói đến.
Nhưng chừng đó là không đủ. Chỉ 4 năm sau sự hào hứng đó, lần lượt các studio lớn đã tan rã. VTC và FPT đã đều giải tán studio, VNG co cụm với các dự án game mobile, chỉ còn duy nhất Emobi Games vẫn tiếp tục duy trì giấc mơ game Việt với Sát Thát Truyền Kỳ.
Rõ ràng, các studio game Việt đã nhận được bài học đắt giá, đam mê và quyết tâm thôi là chưa đủ để dấn thân vào ngành này. So với các nước khác trên thế giới và xung quanh, trình độ làm game của người Việt vẫn còn quá non.
Ai sẽ viết tiếp giấc mơ game Việt?
Sự phát triển thần tốc của điện thoại thông minh đã mang đến một làn sóng phát triển game mobile. Ở VN, sau các studio đình đám là các studio nhỏ khác tập trung vào mảng mobile game. Họ cũng đã kiên trì theo đuổi con đường này từ những năm 2009-2010. Đâu đó đã có một vài studio game tạo dựng được dấu ấn với một vài tựa game có hàng triệu downloads như Color Box hay mới đây là Pine.
Tuy nhiên, nếu nói những dự án này đã mang về doanh thu hay lợi nhuận khổng lồ thì có lẽ hơi khiên cưỡng. Thực tế, các doanh nghiệp này cũng mới chỉ dừng lại ở việc có một nguồn thu tương đối ổn định để duy trì doanh nghiệp, chứ chưa thực sự cất cánh. Nếu so với doanh thu của các công ty phát hành game ở VN, doanh số của ngành sản xuất vẫn còn quá bé, chưa nói là so với thế giới.
Vì vậy, hầu hết các studio game Việt Nam vẫn chỉ đang loay hoay để tìm một con đường dẫn đến thành công.
Thành công của Flappy Bird có một khác biệt quan trọng mà những người ngoài ngành không nhận ra, thành công này là một thành công của sản phẩm theo lối phát triển cá nhân độc lập, vốn khác hẳn với các studio làm game. Các studio không thể tạo ra một sản phẩm theo cách của Đông.
Chính vì lẽ đó, không thể nhân rộng thành công của mô hình Flappy Bird, mà ngược lại, cần nhiều hơn nữa những studio quy mô từ nhỏ đến lớn, tham gia thực sự sâu vào ngành sản xuất game, lúc đó chúng ta mới mong tạo dựng được sự bền vững của ngành công nghiệp này.
Làm một game như Flappy Bird, khác hẳn với những dự án game trực tuyến lớn, hay những sản phẩm tương tự như 7554. Nếu muốn giảm bớt ảnh hưởng của game Trung Quốc, nếu muốn chuyển tải văn hóa, lịch sử vào game, những người như Đông sẽ không thể cáng đáng nổi. Nhiệm vụ đó, cần hàng trăm, hàng nghìn người thực hiện.
Chúng ta ca ngợi Đông, nhưng dường như lại cười nhạo và chẳng chút tiếc rẻ công sức và tiền bạc của những studio đã nỗ lực thay đổi ngành game Việt.
Giờ đây , khi các doanh nghiệp lớn nhất đều đã cạn kiệt niềm tin. Studio game độc lập duy nhất còn lại là Emobi Games đôi lúc được các game thủ gọi là thành trì cuối cùng của game Việt cũng lung lay, nếu họ cũng tan rã, giấc mơ game Việt sẽ không còn nơi nương tựa.
Chờ đợi hay hành động?
Thực tế, câu chuyện của Flappy Bird hay 7554 đã chứng minh, không phải người Việt Nam không thể làm được game. Thậm chí, 7554 dù bị chê ở Mỹ, vẫn được thừa nhận là đã đạt trình độ thế giới về kỹ thuật và đồ họa. Các game do các studio game Việt cũng đã có hàng triệu người dùng. Điều đó chứng tỏ, người Việt có thể, và hoàn toàn có thể tiến xa hơn với ngành sản xuất game. Tuy nhiên, nếu không có những hành động cụ thể, có thể, phải rất lâu nữa, những gì chúng ta mong mỏi mới thành hiện thực.
Chừng nào dư luận còn đánh đồng game với nội dung bạo lực, dâm ô đồi trụy, chừng nào các chính sách vẫn tiếp tục thiên về siết chặt thay vì cổ vũ, thì sự đầu tư vào ngành game sẽ tiếp tục bế tắc.
Chừng nào vẫn còn những áp lực rằng game phải tuyệt đối trung thành với lịch sử, hay những thái độ nâng cao quan điểm tương tự, thì các nhà làm game càng ngại để tiếp cận với lịch sử.
Chừng nào chúng ta vẫn ngộ nhận rằng chỉ cần các game đơn giản như Flappy Bird là đủ tạo ra một ngành game, thì khoảng cách của chúng ta với thế giới sẽ càng xa.
Ngành game Việt cần nhiều hơn những hành động cụ thể, hơn là những cơn sốt dư luận đơn thuần.