Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tư duy sai lầm khi muốn biến Đà Lạt thành 'Sài Gòn trên cao nguyên'

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, đồ án quy hoạch đã bỏ qua tính đặc thù về địa hình, văn hóa, lịch sử của Đà Lạt. Hiện đại hóa bằng việc xây nhà cao tầng là tư duy sai lầm.

Những ngày qua, thông tin về việc Đà Lạt công bố bản “Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng” nhận được nhiều phản ứng từ những người yêu vẻ bình yên của thành phố này và gây tranh cãi trong giới chuyên môn nghiên cứu, quy hoạch, kiến trúc đô thị.

Đáng chú ý, theo bản đồ án này, một số công trình chợ cũ Đà Lạt (nay là rạp Hòa Bình), sẽ bị đập bỏ thay vào đó là một công trình hình khối tròn, bọc kính, mái trải thảm cỏ. Ngoài ra, các công trình gắn với sinh hoạt văn hóa, thương mại thành phố trước nay như khách sạn Nice Dream, Thương xá Latulipe cũng sẽ bị tháo dỡ.

Toàn cảnh khu trung tâm Hòa Bình, chợ Đà Lạt nhìn từ trên cao Nhìn từ trên cao, khu trung tâm TP Đà Lạt với các công trình rạp Hòa Bình, chợ Đà Lạt, Dinh tỉnh trưởng bị bao vây bởi nhiều khối nhà đủ hình dáng.

Đà Lạt sẽ thành "Sài Gòn trên cao nguyên"

TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn là một người có nhiều gắn bó với mảnh đất Đà Lạt. Quê ngoại của ông ở TP này và thân sinh của ông - KTS Ngô Viết Thụ là người chỉnh trang, thay đổi mặt tiền chợ Đà Lạt.

Trao đổi với Zing.vn, ông đánh giá, đồ án quy hoạch này đã bỏ qua tính đặc thù về địa hình, văn hóa, lịch sử của Đà Lạt. Việc hiện đại hóa Đà Lạt bằng các xây dựng nhà cao tầng khắp nơi, ông cho rằng là một tư duy sai lầm về mặt chiến lược.

quy hoach khu Hoa Binh, anh 1
Khu Hòa Bình tương lai có thể sẽ bị xóa sổ. Ảnh: Hoài Thanh.

"Không gian khu Hòa Bình cần được chỉnh trang để trả lại không gian xanh, thay vì cao tầng hóa. Việc cao tầng hóa tại đây chỉ nghĩ đến số mét vuông đạt được, nhưng sẽ gây hại cho cảnh quan tổng thể và tạo áp lực lớn lên hạ tầng, gây thiệt hại cho đời sống người dân trong khu vực", ông Sơn nói.

Việc hiện đại hóa Đà Lạt bằng các xây dựng nhà cao tầng khắp nơi là một tư duy sai lầm về mặt chiến lược

KTS Ngô Viết Nam Sơn

Kiến trúc sư Nam Sơn cho rằng bản quy hoạch khu Hòa Bình hiện nay thể hiện tư duy bó hẹp của nhà đầu tư, không thể hiện được tầm nhìn chiến lược, mang tính tổng quan cho toàn khu trung tâm một thành phố nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế. Với đồ án này, các nhà quy hoạch đang muốn biến Đà Lạt thành "Sài Gòn trên cao nguyên" trong khi Đà Lạt không có cùng địa kiện và giá trị thiên nhiên như thế để áp đặt.

"Sao chép mô hình đô thị của Sài Gòn mang lên cao nguyên thì không thể chấp nhận. Chúng ta không cần thêm một Sài Gòn trên cao nguyên", ông Sơn nêu quan điểm.

Là một người sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt, KTS Chế Quang Thọ cho rằng đồ án quy hoạch đã đánh mất một phần di sản của Đà Lạt bởi có thể nói, khu Hòa Bình hiện hữu là như cột mốc lich sử đánh dấu thời kỳ người Việt làm chủ. Xu thế hiện đại hóa không có nghĩa là sao chép. Mỗi vùng miền, mỗi đô thị có những đặc trưng riêng về khí hậu, địa hình, dân số, trầm tích về lịch sử, văn hóa.

"Việc xóa sổ khu Hòa Bình, Dinh tỉnh trưởng, quảng trường, hầm để xe ở trục đường Nguyễn Thị Minh Khai đã xóa đi những dấu vết đặc trưng đó; đồng thời biến Đà Lạt thành một đô thị mất bản sắc, na ná những đô thị khác khắp nơi để mang danh là hiện đại hóa", ông Thọ chia sẻ.

Không nên xâm phạm vào khu di sản

Nhà văn Orhan Pamuk từng viết "Với những ai nhìn thành phố từ bên ngoài, thành phố này dường như cũng giống như thành phố khác, nhưng ký ức chung của một thành phố là linh hồn của nó và những phế tích là bằng chứng hùng hồn nhất”. Do đó, theo các chuyên gia kiến trúc, dù có hiện đại hóa thì cũng cần giữ lại cái "linh hồn" của thành phố sương.

quy hoach khu Hoa Binh, anh 5
Theo đồ án quy hoạch mới, trung tâm Hòa Bình có diện tích 30 ha, thuộc phường 1, TP Đà Lạt; phạm vi từ đường Trần Quốc Toản, Bùi Thị Xuân, Lý Tự Trọng, hẻm nhà thờ Tin Lành, Nguyễn Văn Trỗi, đến đầu đường Ba Tháng Hai, Nguyễn Chí Thanh, đường dẫn xuống Lê Đại Hành qua vòng xoay đài phun nước (Nguyễn Văn Cừ, Lê Đại Hành, Trần Quốc Toản). Ảnh chụp lại: Lê Quân.

Thể hiện trên bản quy hoạch, chợ Đà Lạt sẽ được giữ lại, kết nối với Quảng trường trung tâm và mở phố đi bộ, trung tâm thương mại. Ngoài ra sẽ có các hầm phục vụ dịch vụ thương mại và bãi đậu xe.

Khu trung tâm Hòa Bình là khu phức hợp đa chức năng với các loại hình dịch vụ và giải trí phục vụ người dân địa phương và du khách. Khu vực đồi Dinh là khu thương mại, dịch vụ cao cấp. Khu vực ven hồ Xuân Hương là khu vực công trình dịch vụ - du lịch, khách sạn, công trình công cộng giáp hồ Xuân Hương.

Đà Lạt vẫn cần các trung tâm thương mại và dịch vụ tiện ích, nhưng việc làm nó ngay tại trung tâm Hòa Bình là một sai lầm đối với cả lịch sử và tương lai

KTS Chế Quang Thọ

Ông dẫn chứng trên thế giới, các đô thị luôn có sự phân định bảo tồn khu trung tâm lịch sử và phát triển khu trung tâm mới. "Một đô thị có nhiều cách đạt được các mục tiêu kinh tế mà không nhất thiết phải đánh đổi với việc mất đi nhiều giá trị vốn quý và nền tảng", ông nói.

KTS Chế Quang Thọ chỉ ra xu thế hiện đại là tất yếu, nhưng không có nghĩa là xóa sạch những gì của tiền nhân để lại. "Đà Lạt vẫn cần các trung tâm thương mại và dịch vụ tiện ích, nhưng việc làm nó ngay tại trung tâm Hòa Bình là một sai lầm đối với cả lịch sử và tương lai", ông nhấn mạnh.

Đối mặt với nhiều vấn nạn

KTS. Ngô Viết Nam Sơn cho rằng nhà đầu tư thường chỉ muốn xây nhà cao tầng vào những khu vực đô thị hiện hữu vì ở đó họ hưởng lợi hạ tầng. Ông đánh giá nếu xây dựng khu phức hợp thương mại cao tầng như dự án thì chỉ trong vài năm tới, trung tâm Hòa Bình sẽ kẹt cứng.

"Những dịp lễ Tết, tình trạng kẹt xe trầm trọng ở Đà Lạt đến mức báo động. Đó là minh chứng cho thấy nếu việc cao tầng hóa khu Hòa Bình và lân cận với các phố thương mại phức hợp được tiến hành, thì chắc chắn khu vực này sẽ còn kẹt xe gấp nhiều lần trong tương lai", vị KTS nói.

quy hoach khu Hoa Binh, anh 6
Rồi du khách sẽ bỏ Đà Lạt khi nơi đây biến thành khu phức hợp thương mại? Ảnh: Hoàng Việt.

"Vệc xây các trung tâm thương mại, dịch vụ cũng như nhà cao tầng tại các vị trí nói trên tạo ra một hậu quả khôn lường trong tương lai vể vấn đề giao thông, môi trường... mà chính quyền cần hỏi quyết khi các chủ đầu tư tiến hành khai thác các công trình này, và người dân Đà Lạt sẽ là những người đầu tiên gánh chịu hậu quả nặng nề này", KTS. Quang Thọ nhận định.

Các chuyên gia kiến trúc cho rằng nếu đô thị hóa Đà Lạt thì du khách sẽ dần rời bỏ TP này nếu mất đi những giá trị bình yên, giản dị vốn gìn giữ bao nhiêu năm nay.

Hiện trạng khu trung tâm Hòa Bình sắp bị phá bỏ của Đà Lạt

Khu trung tâm Hòa Bình (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) đang đô thị hóa nhanh chóng. Vẻ đẹp thơ mộng vốn có trong tâm tưởng nhiều người dần mất đi.

Phá bỏ rạp Hòa Bình, Dinh tỉnh trưởng để xây khu trung tâm Đà Lạt

Theo quy hoạch mới, trung tâm Hòa Bình (Đà Lạt) sẽ có diện tích 30 ha và chia thành 5 phân khu. Để thực hiện quy hoạch này, rạp Hòa Bình cùng Dinh tỉnh trưởng sẽ được tháo dỡ.





Hoài Thanh

Bạn có thể quan tâm