ThS. Phạm Thị Minh Thúy, giảng viên ngành Tài chính Đại học RMIT
- Thạc sĩ Kinh doanh Đại học Công nghệ Sydney (Australia)
- 13 năm kinh nghiệm giảng dạy lĩnh vực tài chính
- Từng làm việc tại một trong bốn công ty kiểm toán lớn nhất thế giới tại Việt Nam
Tự chủ tài chính để tận hưởng cuộc sống an nhàn, không công việc là mong muốn của nhiều người. Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng đạt được. Ngăn trở có thể đến từ việc thu nhập khiêm tốn, nhiều nợ nần, hoặc đơn giản là bức tranh tài chính cá nhân còn mơ hồ.
Tự do tùy theo nhu cầu mỗi người
Giai đoạn không phải ai cũng trải qua
Thông thường, tài chính cá nhân có thể được chia làm 4 giai đoạn: Chưa có năng lực tài chính, đầy đủ năng lực tài chính, độc lập tài chính và tự do tài chính.
Trong khi hầu hết chúng ta đều trải qua giai đoạn 1,2 và nhiều người đến giai đoạn 3, không phải ai cũng trải nghiệm giai đoạn cuối cùng - tự do tài chính. Đây là lúc bạn có ngân sách để chi trả mọi nhu cầu trong cuộc sống, dù đi làm hoặc không.
Điều khiến tự do tài chính khác với độc lập tài chính là ở giai đoạn này, thu nhập hoàn toàn đến từ các nguồn thụ động như tiền cho thuê bất động sản, lãi sinh ra từ các khoản đầu tư dài hạn (cổ phiếu, trái phiếu).
Nghĩa là bạn có thể chọn tiếp tục làm việc, hoặc nghỉ hưu sớm để theo đuổi hướng đi khác mà không còn ràng buộc về tài chính.
Vấn đề phụ thuộc vào mức sống, không chỉ số dư tài khoản
Khái niệm tự do tài chính của mỗi người mỗi khác. Điều quan trọng cần xác định là bạn cần bao nhiêu để trang trải cho cuộc sống, nhu cầu của mình.
Trên thực tế, không ít người tự do từ rất sớm dù không có quá nhiều tiền. Đồng thời, một số người có rất nhiều tiền nhưng vẫn chưa được tự do. Vấn đề nằm ở lối sống và cách tiêu dùng.
Giả sử, nếu bạn có thói quen hưởng thụ các sản phẩm, dịch vụ cao cấp như ăn uống, nghỉ dưỡng tại khách sạn 5 sao, thì bạn cần khoản thu nhập lớn để đáp ứng. Từ đó cơ hội được độc lập tài chính cũng khó hơn.
Chi nhiều đồng nghĩa với việc bạn phải kiếm được nhiều. Một là bạn có thu nhập cao ngất ngưởng khi còn đi làm, hai là bạn rất may mắn thành công trong lĩnh vực đầu tư, khiến tài sản nhanh chóng được nhân lên.
Thời điểm đạt tự chủ về tiền có một phần quyết định từ bạn. Thay vì chỉ chăm chăm vào số tiền tích lũy, yếu tố lối sống cũng nên được quan tâm và điều chỉnh phù hợp.
Các bước tiến tới cuộc sống không phụ thuộc lương
Như đã đề cập, không có công thức chung cho đích đến "không làm mà vẫn có tiền". Dù vậy, trong kinh nghiệm của mình, tôi có thể giới thiệu bạn một số cách nhiều người đã áp dụng và thành công với tiền:
Hãy biết đủ
Để dành thời gian cho những việc có ý nghĩa với bạn mà không lo công việc giờ hành chính níu chân, hãy tập giảm các nhu cầu không thiết yếu ngay từ khi còn trẻ. Đừng tiêu xài phóng tay, cũng đừng biến nó thành thói quen khó bỏ.
Việc tiết chế nhu cầu sẽ phần nào giúp bạn nhẹ gánh chi phí hàng tháng khi còn làm việc. Ngoài ra, bạn có thể có tiền dư để đầu tư. Khi không còn chi tiêu nhiều, bạn sẽ không còn phải chạy theo thu nhập. Đến thời điểm phù hợp, bạn có thể chủ động quyết định nghỉ hưu sớm với mức thu nhập thụ động vừa phải.
Học quản lý chi tiêu
Đây là lời khuyên muôn thuở nhưng luôn đúng. Các bạn trẻ rất may mắn vì còn nhiều thời gian thử và học. Vì vậy, hãy chuẩn bị sớm và có lộ trình rõ ràng nếu không muốn dựa vào thu nhập từ lương hưu, hoặc phải làm thêm kiếm tiền ở tuổi già.
Kiểm soát sao cho mỗi tháng đều có một khoản tiết kiệm. Đó là bước thứ nhất của quản lý chi tiêu hiệu quả.
Tập đầu tư từ tiền nhàn rỗi
Thứ hai, khoản tiền tiết kiệm hàng tháng trên nên được dùng để đầu tư sinh lời, thay vì để không và mất giá trị.
Trong trường hợp sợ rủi ro, bạn có thể tìm hiểu và lựa chọn kênh đầu tư an toàn như gửi ngân hàng để lấy lãi suất. Nếu mỗi tháng bạn gửi một khoản tiền nhất định vào tài khoản tiết kiệm ở ngân hàng, thì theo thời gian, khoản tiền đó sẽ nhân lên theo công thức của lãi suất gộp.
Chỉ cần bạn đều đặn duy trì, số tiền sau 10-15 năm có thể sẽ khiến bạn ngạc nhiên. Tùy vào mức tiết kiệm hàng tháng, một số người thậm chí đủ tiền để mua 1-2 căn hộ cho thuê, dù phần vốn ban đầu không nhiều.
Trong trường hợp bạn thích đầu tư mạo hiểm, cổ phiếu, thị trường phái sinh,... là lựa chọn không tồi. Và thực tế thì đây là con đường khả thi hơn để đưa bạn nhanh đến tự do tài chính.
Cẩn trọng trong đầu tư, hạn chế nợ
Thứ ba, khi đã đầu tư, hãy bắt đầu bằng sự dè dặt với khoản vốn nhỏ. Tốt nhất là chỉ sử dụng một phần vốn mà bạn có, không dùng tất cả ngân sách, không vay mượn.
Mục đích của giai đoạn đầu chủ yếu là để học hỏi, hãy khoan nghĩ tới chuyện kiếm tiền.
Bên cạnh đó, bạn cần tâm niệm đầu tư có thể lãi hoặc lỗ tùy vào nhiều điều kiện. Đôi khi, các điều kiện này nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Đừng chủ quan ngay cả khi bạn may mắn có lợi nhuận từ những khoản đầu tư đầu tiên, cũng đừng chán nản với những khoản thất bại.
Quá trình đầu tư có lúc thăng lúc trầm. Những bài học được rút ra sẽ đi theo bạn, giúp bạn có cơ hội thành công hơn trong tương lai và tạo tiền đề để bạn tiến tới tự do tài chính.