Từ Del Piero tới Beckham: Bóng đá thời toàn cầu hóa
Việc các lão tướng Beckham đến PSG hay Del Piero cập bến Sydney FC đều được xem là vì mục đích kiếm tiền và quảng bá thương hiệu hơn là vì tình yêu với đội bóng.
David Beckham. |
Khi David Beckham đợi để vào sân thay Javier Pastore trong màn ra mắt trong màu áo PSG trước kình địch Marseille, đứng cạnh anh là một tiền vệ trung tâm, Clement Chantome.
Chantome cũng sắp vào sân. Beckham thay cho Pastore, còn Chamtome thay Marco Verratti, khi HLV Carlo Ancelotti chuyển từ hệ thống 4-4-2 đã được ông sử dụng suốt từ khi tới Paris, sang đội hình 4-5-1 chặt chẽ hơn và xa lạ hơn. Lý do của điều đó là vì Ancelotti cảm thấy phải bảo vệ Beckham, một tiền vệ đã 37 tuổi, trong màn ra mắt của anh.
Kế hoạch đã thành công. Beckham có vài đường chuyền sắc sảo và đưa bóng cho Jeremy Menez để giúp kiến tạo bàn thứ hai của PSG, do Zlatan Ibrahimovic ghi. Nhưng cho tất cả những háo hức mà Beckham tạo ra cũng như ồn ào trên báo chí mà anh mang theo, PSG đã phải hy sinh hệ thống và một tập thể trước đó chơi rất chắc chắn và ổn định.
PSG có hẳn phương án bảo vệ Beckham. |
Ezequiel Lavezzi, cầu thủ giỏi nhất của đội chủ nhà trước khi Beckham vào sân, gần như hoàn toàn mất hút khi PSG phải thay đổi chiến thuật để có chỗ cho siêu sao quảng bá người Anh. Chantome một lần nữa lại ra sân cùng Matuidi bên cạnh Beckham trong trận đá chính đầu tiên của anh cho đội bóng thủ đô, lại là trước Marseille, ở Cúp quốc gia Pháp. Thật kỳ lạ khi thay đổi hệ thống chiến thuật vì một cầu thủ 37 tuổi, ngay cả khi đó là một người chơi bóng giỏi như Beckham.
Về mặt bóng đá, hợp đồng với Beckham là hoàn toàn vô nghĩa với PSG. Nó chỉ có ý nghĩa về mặt thương hiệu khi cánh báo chí nhanh chóng xúm lấy đội bóng thủ đô Paris, một thành công về mặt chiến lược kinh doanh và quảng cáo của các ông chủ Qatar, nhưng là một thất bại về bóng đá.
Vấn đề ở chỗ những chữ ký như Beckham ở PSG đang ngày càng trở thành một xu hướng thời thượng trong thế giới bóng đá hiện đại. Hợp đồng trước đó của Beckham, chuyển từ Real Madrid sang Los Angeles Galaxy, cũng có mục đích tương tự. Didier Drogba và đồng đội cũ ở Chelsea là Nicolas Anelka gia nhập Thân Hoa Thượng Hải với cùng động cơ. Samuel Eto’o lên tít bìa khi anh trở thành cầu thủ được trả lương cao nhất thế giới lúc rời Inter Milan tới Anzhi Makhachkala, một nhân tố chủ chốt trong kế hoạch của tỉ phú Suleiman Kerimov làm sống lại thành phố điêu tàn vì chiến tranh Makhachkala.
Alessandro del Piero. |
Tuy nhiên, không phải hợp đồng làm thương hiệu nào cũng có nghĩa là không đóng góp về bóng đá. Eto’o, Hulk và Zlatan Ibrahimovic có giá trị thương hiệu lớn, nhưng cũng đồng thời là sự bổ sung cần thiết cho đội bóng của họ. Giống như Beckham, Wesley Sneijder gây khó cho HLV mới của anh, Fatih Terim, ở Galatasaray. Nhưng trong khi Beckham còn có thể được sử dụng về mặt chiến thuật, Sneijder đang trở thành mẫu cầu thủ lỗi thời. Rất tài năng, nhưng Sneijder hiếm khi chịu đảm nhiệm việc phòng ngự, khiến anh chỉ phù hợp với đội hình 4-2-3-1 mà Galatasaray không sử dụng. Sneijder, do đó, giống nhiều hơn với một tuyên bố từ Galatasaray về tham vọng trở thành một thế lực đích thực ở châu Âu, thay vì là đóng góp về chiến thuật.
Xu hướng mua cầu thủ để tạo tiếng tăm không mới. Pele tuyên bố giải nghệ, rồi trở lại để đá ở giải vô địch Mỹ, giúp bóng đá phổ biến hơn ở đây. Alessandro Del Piero tới Sydney FC một phần để giới thiệu giải vô địch Australia A-League. Các đội bóng Anh trong nhiều năm đã đưa về những cầu thủ Đông Á từ Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Trung Quốc.
Nhưng giới hạn là ở đâu? Nếu Ancelotti hay Terim là những người phụ trách chính sách chuyển nhượng, họ có lẽ sẽ không đưa về Beckham và Sneijder. Nếu bóng đá là ưu tiên hàng đầu về 11 người trên sân, đại diện cho một màu áo, một cộng đồng, thì sự toàn cầu hóa đang có nguy cơ lấy mất đi điều gì đó lãng mạn và đáng yêu từ các sân bóng. Nhiều người sẽ muốn thấy một Ronaldo, một Beckham hay một Sneijder khoác áo CLB của mình, nhưng không phải chỉ là để quảng cáo.
Theo Bongdaplus