Sau khoảng 3 tuần làm việc tại nhà, Tùng Giang (27 tuổi), nhân viên vận hành game tại Hà Nội, cảm thấy rất cô đơn, dù đã dành thời gian rảnh để làm bánh, tập thể dục, đọc sách…
Vốn dĩ, anh có nuôi một cún cưng, nhưng đã gửi sang nhà một người bạn là nữ bác sĩ tuyến đầu chống dịch để bầu bạn cho đỡ buồn.
Do đó, đầu tháng 8, chàng trai quyết định mua 10 quả trứng vịt lộn, dành một nửa để ấp.
Tùng Giang sử dụng giấy báo để ấp trứng theo hướng dẫn trên Internet. Anh không ngờ cả 5 quả đều nở thành công.
“Tôi nghe tiếng ‘chíp chíp’ trong nhà mà còn không biết từ đâu. Đùng một cái, tôi thành ‘bố’ của 5 vịt con”, anh kể lại.
Tùng Giang ấp vịt để bầu bạn trong những tháng ngày Hà Nội giãn cách. |
Tùng Giang cho biết nuôi một lúc 5 vịt con trong diện tích căn hộ chật hẹp không phải điều dễ dàng. Ban đầu, anh chỉ định nuôi khoảng 1 tuần đầu, rồi gửi cho gia đình người quen chăm sóc, song vỡ kế hoạch do lệnh giãn cách kéo dài. Anh đành tiếp tục nuôi nấng bầy vịt.
“Tôi đặt tên cho các bé vịt lần lượt là Om sấu, Nấu măng, Rang sả, Nướng và Luộc. Nhưng khoảng một tuần sau, tôi không thể phân biệt được nữa vì chúng càng lớn, càng giống nhau”, anh chia sẻ.
Tương tự Tùng Giang, trong thời điểm giãn cách xã hội kéo dài nhiều tháng, nhiều người chọn vịt làm thú cưng để bầu bạn cho vui cửa, vui nhà. Chứng kiến quá trình từ lúc ấp trứng đến khi vịt nở thành con đem lại nhiều cảm xúc cho họ.
Bớt cô đơn
Giữa tháng 8, Tất Thành (22 tuổi, Hà Nội), nhân viên sản xuất chương trình truyền hình ở quận Tân Bình (TP.HCM), cũng quyết định mua trứng vịt lộn về ấp cho khuây khỏa. Tuy nhiên, anh phải nỗ lực 3 lần mới đón được một chú vịt chào đời.
“Tôi rất yêu thích các loài động vật và từng nuôi chó, mèo, thỏ... Thời gian này, một phần muốn có một vật nuôi chạy lon ton quanh nhà cho vui, cộng thêm nỗi cô đơn nhớ nhà, tôi chọn một con vịt để bầu bạn”, anh nói.
Tất Thành cho biết anh nghĩ rằng quả trứng thứ 3 sẽ chung số phận với 2 lần thử đầu tiên do không đủ nhiệt để ấp, song lại thành công bất ngờ. Anh đặt tên cho người bạn mới là Lou.
Đối với Tất Thành, chú vịt Lou là một người bạn "rất tình cảm". |
Quá trình nuôi vịt đem lại cho chàng trai 22 tuổi nhiều cảm xúc và niềm vui trong những ngày thành phố thực hiện giãn cách.
Tất Thành cho biết Lou hay chạy lon ton theo chân anh và bạn cùng phòng, bất kể họ đang làm việc hay đứng nấu cơm. Anh cũng dần hiểu từng loại tiếng kêu của Lou, phân biệt được lúc nào chú vịt đang đói hoặc cần người bên cạnh.
“Đối với tôi, Lou rất tình cảm. Nhiều khi vịt con còn dựa vào tay tôi ngủ, khiến tôi không nỡ di chuyển, phải dùng tay còn lại để làm việc. Ngoài ra, nhân dịp 8 ngày tuổi, Lou đã biết tự bò lên mỗi khi tôi xòe bàn tay ra”, anh hào hứng kể thêm.
Tuy nhiên, cũng có những người chào đón thành viên mới một cách bất ngờ, không có chủ đích như Phương Trang (21 tuổi), ngụ tại quận Đống Đa, Hà Nội.
Sáng 9/9, cô và em gái phát hiện một con vịt chào đời từ chỗ trứng mẹ mua cách đó 2 tuần. Khi chứng kiến vịt con gõ vỏ chui ra, cô bất ngờ và cũng rất bối rối.
“Đến lúc đó, tôi mới luống cuống nghĩ xem cần cho vịt ăn gì, sinh hoạt thế nào, đảm bảo môi trường sống ra sao. Quan trọng hơn hết, tôi cần làm gì để cún và mèo cưng trong nhà không bắt nạt vịt con”, sinh viên năm cuối cho biết.
Ngoài cún và mèo cưng, gia đình Phương Trang nhận nuôi thêm chú vịt này làm thành viên mới trong nhà. |
Gia đình cô quyết định giữ lại và chăm sóc chú vịt con. Sau khi học hỏi kinh nghiệm nuôi vịt trên mạng xã hội, mẹ tận dụng hộp xốp dùng để ủ sữa chua làm ổ lót giấy, còn bố cắm thêm một bóng đèn bên cạnh để sưởi ấm cho thú cưng mới.
“Vì mọi chuyện xảy ra ngẫu nhiên, gia đình tôi không chuẩn bị hay sắm sửa chu đáo, cũng chưa nghĩ đến việc đặt tên cho vịt. Cả nhà cố gắng nuôi đến đâu hay đến đó. Cá nhân tôi khá lo lắng, chỉ sợ chăm không tốt, vịt chẳng may qua đời thì thương xót lắm”, cô chia sẻ với Zing.
Bầu bạn với con cái
Trong khi đó, Nguyễn Hằng, nhiếp ảnh gia gia đình ở quận Hoàng Mai (Hà Nội), muốn ấp nở trứng vịt để bầu bạn với con trai 4 tuổi ở thời điểm giãn cách.
Bánh Gấu trở thành người bạn thân thiết của cậu bé 4 tuổi. |
Người mẹ 31 tuổi cho biết mỗi sáng ngủ dậy, con trai cô, vốn là một người khá nhút nhát với các loài động vật, đều ra ngó nghiêng xem trứng nở chưa.
Cậu bé cũng thường đặt câu hỏi mang tính khám phá, chẳng hạn “Trong quả trứng có lòng vàng và lòng trắng thì bạn vịt màu gì?”, “Bạn vịt lớn trong quả trứng rồi dùng mỏ đập vỏ chui ra à?”...
“Đến khi vịt chào đời, con trai tôi rất vui mừng và đặt tên cho thú cưng mới là ‘Bánh Gấu’ - món ăn vặt yêu thích nhất của con”, cô kể lại.
Chia sẻ với Zing, Nguyễn Hằng cho biết con trai cô dành phần lớn thời gian trong ngày để chơi với Bánh Gấu, chẳng hạn cho vịt ăn, đi bơi, thậm chí là mang lên giường ngủ cùng. Gia đình cô cũng vui mừng chào đón thành viên mới này.
Vì muốn tìm bạn cho con trai 2 tuổi, Quỳnh Trang (31 tuổi), sống ở quận Tân Phú (TP.HCM), cùng chồng lên kế hoạch ấp trứng vịt cho vui nhà, vui cửa sau 3 tháng thực hiện giãn cách.
Trong số chục trứng mua về, cô để dành 2 quả để ủ trong khăn xô và thùng xốp. Cô tham khảo, tìm hiểu rất kỹ về thời gian ấp nở trứng, cũng như kỹ thuật chăm sóc vịt lúc mới nở và cách lựa chọn thực phẩm phù hợp cho loài động vật này trên các trang web về chăn nuôi.
Từ ngày có Chao chơi cùng, con trai của Quỳnh Trang không còn thích xem tivi nữa. |
Khi vịt bắt đầu mổ vỏ chui ra ngoài, Quỳnh Trang cho biết con trai cô, một người yêu động vật, rất hào hứng, thỉnh thoảng lại chạy đến mở thùng xốp ngóng trông. Cả nhà quyết định đặt tên cho thành viên mới là Chao.
Quỳnh Trang cho biết kể từ ngày có người bạn mới, con trai không còn đòi xem tivi. Thay vào đó, cậu bé cùng mẹ chuẩn bị đồ ăn cho Chao và chơi nhiều trò thú vị với chú vịt này như đuổi bắt, tắm nắng ngoài hiên…
“Từ khi có Chao, gia đình nhỏ của tôi nhộn nhịp hẳn, có thêm tiếng cười và niềm vui. Chúng tôi coi bạn vịt này như một thành viên trong gia đình. Giờ đây, cả nhà gần như không cần để chuông báo thức vì đã có Chao kêu hộ”, cô cười, nói.