Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TT Trump yếu thế trước các đối thủ 2020 đang dần lộ diện

Tổng thống Trump đã luôn khiến chính trường Mỹ bị cuốn theo sự khó lường của mình nhưng ông dường như đã yếu thế và các đối thủ tranh cử năm 2020 đang tận dụng điều đó.

Những đối thủ chính trị của Tổng thống Trump không phải dạng vừa.

Theo CNN, tổng thống Mỹ từng rất giỏi nhìn ra điểm yếu của đối phương. Nhờ vậy, ông đánh bại tất cả trong cuộc chạy đua sơ bộ nhiều ứng viên nhất trong lịch sử đảng Cộng hòa trước kỳ bầu cử tổng thống Mỹ 2016.

Nhưng bây giờ, ông Trump, với tỷ lệ ủng hộ chưa tới 40%, đang dần để lộ những điểm yếu mà các đối thủ luôn sẵn sàng tận dụng, giữa lúc ván cờ chính trị với đảng Dân chủ ngày càng gay gắt và cuộc chạy đua 2020 đang tăng tốc.

Nhà Trắng “đang ngày càng bị bao vây”

Ứng cử viên tranh cử tổng thống của Đảng Dân chủ Kamala Harris, thượng nghị sĩ bang California, đã tập trung vào nhân cách của ông Trump chỉ một ngày sau khi công khai tranh cử, trong một buổi tọa đàm ở bang Iowa do CNN tổ chức ngày 28/1.

“Điều quan trọng là ai muốn trở thành lãnh đạo sẽ phải ăn nói như một lãnh đạo”, bà Harris nói, ám chỉ tổng thống Trump dù không nhắc đích danh.

“Điều đó có nghĩa là phát ngôn một cách trung thực, nói lên sự thật. Là nói ra những điều thể hiện sự quan tâm tới người khác chứ không phải chỉ riêng mình. Ở đây, rõ ràng chúng ta thấy sự tương phản lớn”, bà nói, ngầm chỉ trích tổng thống.

Washington là nơi mà điểm yếu nhỏ nhất đều được chú ý. Đồng thời, ngày càng có nhiều thông tin rõ rệt cho thấy cuộc điều tra Nga sắp kết thúc, như cáo trạng dành cho cố vấn thân cận Roger Stone của Trump. Nhà Trắng “đang ngày càng bị bao vây”, như bình luận của CNN.

Ngày 29/1, lẽ ra ông phải đứng trước Quốc hội phát biểu Thông điệp Liên bang – dịp ưa thích mỗi năm để tổng thống khẳng định đường lối của mình trước khán giả truyền hình đông đảo.

Nhưng tuần trước, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi rút lại lời mời ông Trump tới phát biểu, trong một nước cờ chính trị táo bạo.

Cuối cùng, ông cũng có cơ hội đọc diễn văn vào tuần sau. Nhưng việc nhượng bộ để chấm dứt tình trạng đóng cửa chính phủ đã làm giảm đi uy quyền của ông khi đối diện với Quốc hội.

Trump yeu the tranh cu tong thong 2020 anh 1
Các nhân viên chính phủ phải tạm nghỉ biểu tình phản đối đóng cửa chính phủ ngoài tòa nhà Quốc hội ngày 23/1. Nhiều công chức phải làm việc không lương để đảm bảo các hoạt động quan trọng. Ảnh: AP.

Thế cờ không còn trong tay Trump

Sự yếu thế là cảm giác mà ông Trump có lẽ còn lạ lẫm.

Ngay từ khi bắt đầu tranh cử, ông luôn dẫn đầu, buộc các đối thủ phải phản ứng trước những bước đi đột ngột khiến các nguyên tắc truyền thống trên chính trường trở nên lỗi thời.

Thậm chí cả khi cương vị tổng thống của ông đi từ khủng hoảng này đến khủng hoảng khác, và ông không chiếm được tỷ lệ ủng hộ đa số, Trump đa phần vẫn luôn làm chủ được dòng thời sự - với những bước đi khó lường như hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và những dòng tweet khiến nước Mỹ và cả thế giới đứng ngồi không yên.

Giới quan sát giờ đây sẽ theo dõi sát sao để xem sau thất bại bầu cử giữa kỳ và đợt đóng cửa chính phủ dài nhất trong lịch sử, liệu ông Trump có thể lật ngược thế cờ, một điều bắt buộc các tổng thống thành công phải làm được.

Tất nhiên còn quá sớm để cho rằng ông Trump đã thua cuộc, nhưng tổng thống Mỹ sẽ cần cố gắng nhiều.

Dẫu sao, ông cũng đã phải hứng chịu sự phản đối của bộ phận cử tri bảo thủ sau khi nhượng bộ để chấm dứt đóng cửa chính phủ, mà không thể buộc bà Pelosi cấp ngân sách xây tường biên giới. Và ông đã khiến phe Dân chủ trở nên mạnh mẽ hơn.

Điều này buộc ông phải giành lại kiểm soát các diễn biến chính trị từ các đối thủ vốn đang thành công trong việc ngăn cản ông. Chức tổng thống của ông phụ thuộc vào điều đó.

Trump yeu the tranh cu tong thong 2020 anh 2
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi ký thỏa thuận mở cửa chính phủ ngày 25/1. Ảnh: AP.

Các đối thủ dần lộ diện

Trong 2 năm trở lại đây, ông Trump luôn là nhân vật chính trong show truyền hình thực tế đã hoàn toàn thay thế những gì là truyền thống ở Washington. Nhưng giờ đây ông phải chia sẻ đất diễn với các đối thủ.

Bà Pelosi đã đợi đủ lâu trước khi gửi lại lời mời ông Trump phát biểu Thông điệp Liên bang trước Quốc hội (được ấn định lại vào ngày 5/2), nhằm khẳng định quyền lực của Quốc hội đối với chức tổng thống.

Trump cũng sẽ phải nhường sự chú ý cho các đối thủ chạy đua vào Nhà trắng năm 2020.

Bà Harris thu hút đám đông lớn người ủng hộ ở bang quê nhà California vào cuối tuần vừa rồi, thể hiện vị thế và sự tự tin của bà khi lập luận rằng ông Trump chính là sự đối lập với tất cả những gì tốt đẹp đại diện cho nước Mỹ.

Thượng nghị sĩ bang New York Kirsten Gillibrand cũng công kích ông Trump vì giọng điệu phân biệt chủng tộc.

Khả năng ông Trump sẽ thất bại trong kỳ bầu cử tới cũng được những người ngoài đảng Dân chủ chú ý. Ông trùm cà phê Howard Schultz cũng nghĩ tỷ phú địa ốc yếu thế đến mức mình cũng có thể đánh bại được với tư cách ứng cử viên độc lập, điều trước nay vẫn là rất khó.

“Tôi nghĩ hầu hết mọi người đã chán ngấy Tổng thống Trump và tweet của ông”, Schultz nói với chương trình “60 Phút” của CBS News.

Tất cả cho thấy có lẽ ông Trump cần quay lại chiến thuật ưa thích của mình – lên đường vận động ở từng bang trước đám đông người ủng hộ, nơi ưa thích để ông “phản pháo” mọi chỉ trích và dẫn dụ các đối thủ phải phản ứng một cách nhỏ mọn, điều mà rõ ràng ông không có đối thủ.

Trump yeu the tranh cu tong thong 2020 anh 3
Thượng nghị sĩ bang California Kamala Harris đã công bố tranh cử tổng thống năm 2020. Ảnh: Getty Images.

Nhưng tổng thống Mỹ còn mất ngủ không chỉ vì bầu cử 2020.

Quyền Bộ trưởng Tư pháp Matt Whitaker vừa gợi lên nhiều mong đợi về kết quả của cuộc điều tra Mueller khi nói nó “đã gần như kết thúc”.

Và Michael Cohen, từng là luật sư cá nhân của ông Trump, đã đồng ý làm chứng kín trước Ủy ban Tình báo của Hạ viện vào tuần tới. Một buổi làm chứng công khai mà ông Cohen hủy bỏ tuần trước vì lo ngại an toàn của gia đình mình có thể vẫn sẽ diễn ra.

Những hé lộ mới về quan hệ cá nhân cũng như kinh doanh của ông Trump trước khi lên làm tổng thống sẽ lại tạo những cơn lốc xoáy chính trị mới bủa vây lấy Nhà Trắng.

Lấy lại hình ảnh mạnh mẽ

Vào ngày 29/1, có lẽ ông Trump nhận thấy buộc phải thể hiện sức mạnh, nhất là trong bối cảnh Washington đang nhìn lại hậu quả của 35 ngày đóng cửa chính phủ đã khiến khả năng xây tường biên giới của ông Trump ngày càng xa vời.

Do vậy, chính quyền của ông đã cử Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, và Cố vấn Kinh tế Larry Kudlow đến cuộc họp báo tại Nhà Trắng.

Bolton và Mnuchin công bố những động thái quyết liệt nhắm vào phe Tổng thống Maduro của Venezuela, và ông Mnuchin cũng nói bóng gió đến những đột phá trong đàm phán tránh chiến tranh thương mại với Trung Quốc.

Kudlow cũng cố tạo hình ảnh mạnh mẽ cho Nhà Trắng, phản bác lại các đánh giá cho thấy đợt đóng cửa chính phủ đã làm tổn hại nền kinh tế, vốn vẫn là lá bài thuyết phục nhất để ông Trump tái tranh cử.

Và trước những đồn đoán nói bản báo cáo cuối cùng của công tố viên đặc biệt Robert Mueller có thể sẽ là dấu chấm hết cho ông Trump, thư ký báo chí Sarah Sanders đã bác bỏ và nói tổng thống chẳng gặp mối đe dọa nào.

“Không có gì, tôi nghĩ những điều đó chẳng đúng”, Sanders nói với CNN trong buổi họp báo đầu tiên sau 41 ngày.

Phe Dân chủ sợ TT Trump tái đắc cử nếu cựu CEO Starbucks chạy đua 2020

Đảng viên Dân chủ nói sẽ ngăn chặn Howard Schultz nếu ông tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020 vì lo sợ việc này sẽ giúp Tổng thống Donald Trump tái đắc cử dễ dàng.

Chấp nhận mở cửa chính phủ, ông Trump lộ điểm yếu

Lần đóng cửa chính phủ dài lâu nhất lịch sử Mỹ khép lại với thất bại chính trị của TT Trump, khi ông không có được kinh phí cho bức tường biên giới và sự ủng hộ cũng sụt giảm.

Trọng Thuấn

(theo CNN)

Bạn có thể quan tâm