“Donald Trump là một tổng thống sai lầm của nước Mỹ”, bà Obama tuyên bố trong bài phát biểu trực tuyến tối 17/8. “Ông ấy có thừa thời gian để chứng minh bản thân làm được việc, song ông ấy không hiểu chuyện. Ông ấy không đáp ứng được giai đoạn này”.
“Ông ấy đơn giản không phải là những gì chúng ta cần”.
Cựu đệ nhất phu nhân tiếp tục bài diễn văn bằng chính lời của ông Trump khi ông được hỏi về số bệnh nhân Covid-19 tử vong: “Chuyện là như thế đấy”.
Cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama gây chú ý với loạt chỉ trích nhắm vào Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: NBC News. |
Nhìn chung, cựu đệ nhất phu nhân không bình luận sâu về đại dịch. Song bài phát biểu nhấn mạnh việc ông Trump không đủ khả năng xử lý cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng, từ đó xoáy vào vị tổng thống trên nhiều phương diện.
Nhiều hãng truyền thông nhận xét diễn văn của bà Obama có sức thu hút vượt trội trong kỳ đại hội năm nay. Michelle Obama là một trong những người phụ nữ được ngưỡng mộ nhất nước Mỹ. Bà rời vị trí đệ nhất phu nhân với tỉ lệ yêu thích lên đến 69%.
Tổng thống Trump tức giận phản pháo
Khi đối đầu với một nhân vật “hút” công chúng như bà Obama, phần lớn chính trị gia sẽ làm ngơ và để dòng chảy tin tức nhấn chìm những điều bất lợi. Song cách tiếp cận này chưa bao giờ phù hợp với phong cách của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ngay sáng 18/8, ông Trump phản pháo trên Twitter: “Ai đó làm ơn giải thích với @MichelleObama rằng Donald J. Trump sẽ không ở đây, trong Nhà Trắng đẹp đẽ này, nếu không vì thành quả của chồng bà, Barrack Obama”.
Phản ứng của ông Trump không phải là lời biện hộ hiệu quả trước những luận điểm sắc bén của bà Michelle Obama. Ảnh: NBC News. |
Ông tiếp tục lời biện hộ: “Chính quyền này đã xây dựng nền kinh tế vĩ đại nhất trong lịch sử và tạm dừng phát triển để cứu hàng triệu mạng sống. Tôi đang tiếp tục hồi sinh một nền kinh tế còn vĩ đại hơn trước, tạo thêm công ăn việc làm và duy trì chỉ số NASDAQ ở mức cao kỷ lục. Vẫn còn nhiều điều nữa. Hãy chờ xem”.
Ông Trump cũng không quên trả đũa người tiền nhiệm: “Chính quyền của Obama và Biden đã phản ứng yếu ớt và thảm hại khi phải đối mặt với dịch cúm H1N1. Hãy xem kết quả thăm dò, thật tồi tệ”.
Cũng theo Tổng thống Trump, điểm khác biệt duy nhất là chính quyền của ông Obama không bị các “hãng tin vịt” vùi dập.
“Đó là chính quyền tồi tệ nhất trong lịch sử, thậm chí còn bị bắt quả tang khi THEO DÕI CHIẾN DỊCH TRANH CỬ CỦA TÔI. Hành động này đã trở thành vụ bê bối chính trị lớn nhất trong lịch sử đất nước. Nó được gọi là phản quốc, và hơn thế nữa”, ông viết.
“Cảm ơn những lời tốt đẹp của bà, Michelle”, bài đăng kết luận.
Mổ xẻ lời phản pháo của ông Trump
Tuy nhiên, Washington Post cho rằng phần lớn thông tin của ông Trump không đúng với sự thật. Ví dụ, nền kinh tế Mỹ trong 4 năm vừa qua phát triển mạnh mẽ nhưng không phải là “vĩ đại nhất trong lịch sử” nước Mỹ.
Ở một mức độ nào đó, cử tri thật sự muốn bỏ phiếu cho ông Trump sau khi chính quyền Obama hết nhiệm kỳ. Song xu hướng này không bắt nguồn từ quyết sách của ông Obama mà bắt nguồn từ những giá trị do ông đại diện.
Một điểm bỏ phiếu tại Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Cụ thể, một bộ phận người Mỹ da trắng lo ngại tổng thống người da màu sẽ dẫn dắt đất nước theo hướng bất lợi cho họ. Theo một cuộc thăm dò của ABC News hồi tháng 3/2016, nhiều người Mỹ ủng hộ ông Trump vì đề cao văn hóa da trắng thay vì câu chuyện kinh tế.
Nhìn chung, cách ông Trump xử lý đại dịch Covid-19 không thể so sánh với cách ông Obama đối đầu với cúm H1N1 vào năm 2009. Theo một cuộc thăm dò của Gallup hồi tháng 2, phần lớn người Mỹ đặt nhiều niềm tin vào khả năng chống dịch của chính quyền ông Obama.
Washington Post cũng cho rằng các cáo buộc tham nhũng nhắm vào liên minh Obama và Biden là không đúng sự thật. Ngay cả khi chính quyền Obama thật sự theo dõi chiến dịch tranh cử của ông Trump, việc này cũng không phải là hành động “phản quốc”.
Năm 2016, khi ông Obama vẫn giữ chức tổng thống, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã tiến hành nhiều cuộc điều tra phản gián về một số cá nhân có liên quan đến ông Trump.
Quyết định này không hề vô lý khi giám đốc chiến dịch tranh cử của Trump, Paul Manafort, đang có liên hệ chặt chẽ với Nga. Hai cố vấn cấp cao khác là Michael Flynn và Carter Page cũng lần lượt đến Nga vào năm 2015 và 2016.
Chiến dịch điều tra nhằm xác minh các cá nhân trên có hành động theo lệnh của Nga hay không. Song Tổng thống Mỹ cùng nhiều đồng minh lại lan truyền thông tin rằng FBI “theo dõi chiến dịch tranh cử” của ông.
Nhìn chung, phản ứng của ông Trump không phải là lời biện hộ hiệu quả trước những luận điểm sắc bén của cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama. Nhiều ý kiến cho rằng ông Trump lại dùng “chiêu trò” cũ để đối phó với làn sóng chỉ trích: đưa ra thông tin gây hiểu lầm và đánh lạc hướng dư luận khỏi vấn đề chính. Washington Post đánh giá trong diễn biến này, bà Michelle Obama đã thắng thế so với ông Trump và "tỷ số" là 1-0.