Theo danh sách công bố ngày 1/10 về các vị trí mới được tổng thống bổ nhiệm, bà Esther Margaux Uson được bổ nhiệm làm phó quản lý truyền thông tại Cục Phúc lợi Lao động Nước ngoài ngày 23/9.
Đây là cơ quan chịu trách nhiệm hỗ trợ gần 2 triệu người Philippines ở nước ngoài. Nhóm người này gửi về lượng kiều hối lên tới 28,1 tỷ USD, chiếm gần 10% GDP của nước này, theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Philippines năm 2017.
Tuy nhiên, Uson, 37 tuổi, được biết đến nhiều hơn với tên Mocha Uson, bị dư luận gọi là “nữ hoàng tin giả” vì thường xuyên đăng tin giả trên Facebook. Là một vũ công, người mẫu, người huấn luyện tình dục (người đưa ra lời khuyên và hướng dẫn cho khách hàng cách cải thiện đời sống tình dục và yêu đương), cô là cái tên nổi bật trong chiến dịch tranh cử của ông Duterte đầu năm nay.
Esther Margaux Uson là một nhân vật gây tranh cãi vừa được Tổng thống Duterte bổ nhiệm. Ảnh: AFP. |
Những người chỉ trích cho rằng việc bổ nhiệm cô đi ngược lại một điều khoản trong Hiến pháp Philippines, theo đó cấm bổ nhiệm một ứng viên vừa tranh cử thất bại trong vòng dưới một năm vào vị trí trong chính phủ. Uson chạy đua vào quốc hội vào tháng 5 nhưng thất bại.
Người phát ngôn của tổng thống lại cho rằng điều khoản đó không áp dụng trong trường hợp này. Dù vậy, nhóm hoạt động chống gian lận bầu cử Kontra Daya chỉ trích việc bổ nhiệm này đã tận dụng “lỗ hổng pháp lý” để che giấu “chủ nghĩa thân hữu”.
Uson gây tranh cãi khi lên Facebook kêu gọi lập ra cơ quan riêng biệt để giải quyết các lo ngại của lao động nước ngoài, nhưng nhiều ý kiến cho rằng một cơ quan như vậy sẽ tốn hết ngân sách của Cục Phúc lợi Lao động Nước ngoài.
Những người phê phán còn nói cô lợi dụng số lượng người theo dõi lên đến hàng triệu trên mạng xã hội để bịa đặt sự thật, và lăng mạ, quấy rối những người phê bình Tổng thống Duterte, theo South China Morning Post.
Đây là lần thứ ba ông Duterte ưu đãi Uson. Từ khi lên làm tổng thống, ông đã đưa cô vào Ủy ban Kiểm duyệt và Phân loại Phim và Truyền hình, vị trí mà cô từ chức chỉ sau vài tháng do khác biệt với các ủy viên khác.
Sau đó, ông bổ nhiệm Uson vào Văn phòng Hoạt động Truyền thông Tổng thống, nơi cô dính nhiều bê bối và bị dư luận “ném đá”, bao gồm việc nhắc đến “điều 263” của hiến pháp vốn chỉ có 18 điều.
“Duterte đang đặt đồng tiền xương máu của người lao động nước ngoài trong tay một quan chức chính phủ từng có nhiều vụ lãng phí tiền thuế người dân và phát tán tin giả”, tổ chức hoạt động vì lao động nước ngoài Migrante International cho biết ngày 2/10.
Tổ chức Migrante cũng chỉ trích chuyến đi tới Kuwait của Uson năm ngoái. Trong đó, cô đặt mục tiêu “giải cứu” một số công nhân Philippines khỏi chủ bóc lột, quay phim chuyến đi, để rồi làm bùng nổ một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước. Migrante nói hành động của Uson gây hại nhiều hơn là có ích, và là “chiêu trò truyền thông”.
Theo South China Morning Post, khi lên nắm quyền, Tổng thống Duterte hứa sẽ bổ nhiệm “những người tài năng nhất”, nhưng nhiều quan chức dưới quyền ông đã dính líu đến tham nhũng, bê bối và đã buộc phải từ chức.