Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TS Vũ Đình Ánh: '2 kịch bản kinh tế Việt Nam 2015'

“Kinh tế 2015 có thể theo 2 kịch bản cơ bản căn cứ vào khả năng kiềm chế lạm phát với kịch bản tươi sáng là nếu lạm phát trong năm 2015 được kiềm chế xuống dưới 5% và ngược lại".

 

Dòng tiền “phòng thủ”?

Theo TS. Vũ Đình Ánh, trong kịch bản 1, với giả định lạm phát dưới 5%, nghĩa là tương tự như năm 2014 còn dư địa để giảm lãi suất. Theo đó, dòng chảy tài chính cơ bản sẽ không khác nhiều so với năm 2014. 

Lãi suất tiền gửi tiếp tục giảm xuống với khả năng trần lãi suất có thể giảm thêm 150 điểm, từ mức 5,5%/năm hiện nay.

“Tuy nhiên huy động vẫn ổn định, do cơ hội kinh doanh hay cơ hội sử dụng đồng vốn có hiệu quả cao hơn sẽ không tăng nhiều. Nhờ vậy nguồn vốn tín dụng sẵn sàng dành cho doanh nghiệp vẫn sẽ dồi dào và có thể rẻ hơn”, ông Ánh dự báo. 

Ông Vũ Đình Ánh cho rằng, một phần đáng kể dòng tiền tiếp tục chảy vào kênh trái phiếu Chính phủ, để tài trợ cho thâm hụt ngân sách nhà nước và nhu cầu đầu tư. Quy mô trái phiếu có thể còn cao hơn so với năm 2014, khi chính các Tổ chức tín dụng cũng coi đây là kênh quan trọng để giải tỏa bớt nguồn vốn huy động dôi dư. 

“Nếu lạm phát thấp, tỷ giá ổn định, và Ngân hàng nhà nước tiếp tục chính sách quản lý thị trường vàng như hiện nay, thì sự hấp dẫn của thị trường vàng và ngoại tệ sẽ tiếp tục suy giảm”, vị chuyên gia này phân tích.

Ngược lại, thị trường bất động sản sẽ thu hút nguồn vốn đáng kể trong năm 2015, khi mà xu thế giá thực và nhu cầu thực đang và sẽ áp đảo thị trường. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Thị trường chứng khoán dự kiến tiếp tục thu hút nguồn vốn lớn của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, nhất là khi tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được đẩy mạnh. 

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán năm 2015 chắc chắn sẽ biến động nhiều hơn so với năm 2014. Đặc biệt nếu rơi vào kịch bản 2, với lạm phát trên 5%, vì không còn kiểm soát lạm phát tốt do nhiều nguyên nhân, trong đó rất có thể xuất phát từ mất cân đối vĩ mô. 

Theo đó lãi suất không những không giảm như mong muốn mà còn có khả năng tăng lên, thì dòng tiền lại quay về xu hướng “phòng thủ”, giống như những năm 2008 và 2011 vừa qua.

“Luồng tiền lớn sẽ đổ vào hệ thống tài chính nếu lãi suất huy động đủ hấp dẫn, còn nếu lãi suất huy động không hấp dẫn chắc chắn luồng tiền sẽ đổ vào thị trường vàng và ngoại tệ”, TS. Ánh nhận định.

Cũng theo TS. Vũ Đình Ánh, thị trường bất động sản cũng được lợi trong kịch bản 2 này, do bất động sản đang và sẽ trở thành ứng cử viên tốt cho vai trò “hầm trú ẩn”, đối phó với nguy cơ lạm phát cao quay trở lại.

Phải nới lỏng chính sách tiền tệ

Ngoài ra, TS. Vũ Đình Ánh còn cho biết, trong bối cảnh hiện tại, muốn đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2015 cao hơn so với năm 2014, với tiền đề lạm phát đã và sẽ được kiềm chế tốt hơn, thì chắc chắn vẫn phải nới lỏng chính sách tiền tệ. 

Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh.
Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh.

Cụ thể, một mặt cung tiền cho nền kinh tế được đảm bảo với tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán trên dưới 12%, đồng thời duy trì tính thanh khoản cho hệ thống các tổ chức tín dụng trong quá trình tiếp tục cơ cấu lại. 

Mặt khác, tổng tín dụng cho nền kinh tế sẽ được đẩy ra mạnh mẽ hơn, thông qua tháo gỡ bớt các rào cản tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, đi đôi với tích cực xử lý nợ xấu, 

Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi cũng như cho vay cả bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ sẽ được điều chỉnh theo diễn biến lạm phát, với xu thế chủ đạo là kéo giảm lãi suất cho vay xuống đến mức thấp nhất có thể. 

Đồng thời phải thu hẹp bớt khoảng cách chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay, giữa lãi suất nội tệ và ngoại tệ, cùng với tiếp tục nỗ lực duy trì sự ổn định của tỷ giá hối đoái. 

“Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước chắc chắn được lợi khi nới lỏng chính sách tiền tệ, vì so với chính sách tài khóa thì chính sách tiền tệ định hướng tới khu vực kinh tế ngoài nhà nước hơn hẳn. 

Doanh nghiệp ngoài nhà nước sẽ được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng dễ dàng hơn với lãi suất cho vay thấp hơn, đồng thời áp lực cạnh tranh dành vốn tín dụng với khu vực kinh tế nhà nước nhất định sẽ giảm tuy mức độ có thể không nhiều”, TS. Ánh kết luận. 

http://bizlive.vn/kinh-te-dau-tu/ts-vu-dinh-anh-2-kich-ban-kinh-te-viet-nam-2015-703678.html

Theo Nguyễn Thảo/Diễn đàn Đầu tư

Bạn có thể quan tâm