TP.HCM phải tính toán phương án mở cửa, sẵn sàng tinh thần sống chung với Covid-19. Đó là quan điểm được các chuyên gia y tế, kinh tế thống nhất tại buổi gặp gỡ, lắng nghe góp ý về kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế của TP.HCM diễn ra sáng 17/9.
Nhiều chuyên gia có quan điểm rằng các tiêu chí kiểm soát dịch của Bộ Y tế (Quyết định 3979) chưa phù hợp với tình hình mới tại TP.HCM. Việc xét nghiệm diện rộng không đạt được hiệu quả, thành phố cần tính toán xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm trong tình hình mới.
Đề xuất Trung ương gỡ "vòng kim cô" về kiểm soát dịch
Nêu ý kiến tại cuộc họp, TS Trần Du Lịch cho rằng nếu tiếp tục trận chiến này bằng con đường cũ thì tất cả nguồn lực không chịu nổi. Nói về các tiêu chí kiểm soát dịch của Bộ Y tế, ông cho rằng đây là "vòng kim cô" với thành phố. Nếu trong quá trình mở cửa, xảy ra bất kỳ vấn đề gì và số ca nhiễm tăng thì thành phố lại phải đóng cửa.
Chống dịch như chống giặc, khi kẻ thù đã thay đổi cách tấn công mà ta vẫn dùng cách cũ thì không ổn.
TS Trần Du Lịch
"Ta chống dịch như chống giặc, khi kẻ thù đã thay đổi cách tấn công mà ta vẫn dùng cách cũ thì không ổn", ông so sánh.
Chuyên gia cho rằng với nguồn lực hữu hạn thì phải sử dụng sao cho tạo lợi ích lớn nhất. Ông dẫn chứng nếu xét nghiệm 1.000 người mà chỉ tìm được một F0 thì không hiệu quả về kinh tế.
"Nếu dựa trên vòng kim cô (tiêu chí của Bộ Y tế - PV) để đánh giá mức mở cửa của thành phố này, về kinh tế, nếu bắt các đơn vị mở cửa rồi lại đóng thì chỉ có từ chết đến chết", ông thẳng thắn chỉ ra vấn đề.
Từ thực tế đó, chuyên gia cho rằng nên kiến nghị Trung ương gỡ cho thành phố "vòng kim cô" về kiểm soát dịch. Thay vào đó, thành phố cần dựa vào hệ thống điều trị, giảm tỷ lệ tử vong và củng cố y tế cơ sở.
TS Trần Du Lịch cho rằng Bộ Y tế nên có tiêu chí phù hợp hơn với TP.HCM. Ảnh: Thu Hằng. |
Bên cạnh đó, TS Trần Du Lịch nhấn mạnh một trong những kết quả của thành phố thời gian qua là độ phủ vaccine rất tốt. Ông dẫn chứng Việt Nam có 40% dân đô thị, còn lại là nông thôn.
Trong bối cảnh nguồn vaccine hữu hạn, Trung ương nên ưu tiên tiêm vaccine cho người dân tại đô thị để rút ngắn thời gian phủ 2 mũi vaccine. Cách làm này cũng hạn chế nguy cơ lây nhiễm từ người dân ở đô thị cho vùng nông thôn.
Có quan điểm tương tự, TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng cần phải thay đổi quy định của Bộ Y tế trong tiêu chí kiểm soát dịch bởi nếu không, thành phố không thể mở cửa được. Nếu mở được thì sau một thời gian ngắn sẽ phải đóng ngay lập tức.
"Mở ra rồi lại đóng lại như vậy là cách dễ nhất để giết doanh nghiệp", TS Tự Anh chỉ ra vấn đề.
Xét nghiệm diện rộng không hiệu quả
Nhận định về tình hình tại TP.HCM, GS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng dịch có giảm nhưng chưa an toàn theo bộ tiêu chí kiểm soát dịch của Bộ Y tế. Chuyên gia này nhận định cần cân nhắc, thảo luận với Bộ Y tế để có biện pháp phù hợp hơn với TP.HCM.
"Đây không còn là giai đoạn truy vết, cô lập, tách F0 ra khỏi cộng đồng. Cần trả lời câu hỏi tìm F0 để làm gì? Nếu để xanh hóa thì khi tìm ra F0 phải chuyển đi chỗ khác để giữ vùng xanh. Nhưng nếu cứ xét nghiệm lại mỗi 3 ngày thì không thể bóc tách hết F0 ra khỏi cộng đồng", GS Trần Diệp Tuấn đặt vấn đề.
Đây không còn là giai đoạn truy vết, cô lập, tách F0 ra khỏi cộng đồng. Cần trả lời câu hỏi tìm F0 để làm gì?
GS Trần Diệp Tuấn
Ông cho rằng giai đoạn tới, thành phố chỉ nên xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm các ca nghi ngờ mắc Covid-19 (có triệu chứng) và có nguy cơ cao.
Chuyên gia nhận định từ nay đến 30/9, TP.HCM cần chuẩn bị cho việc nới lỏng giãn cách với hai cách tiếp cận chủ lực. Đó là vaccine và can thiệp sớm khi phát hiện F0. Ông cho rằng không cần làm xét nghiệm diện rộng mà nên để nguồn lực này cho tiêm vaccine.
TS Lê Trường Giang, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhận định nếu nhìn vào số F0 phát hiện mỗi ngày ở TP.HCM thì thấy rằng thành phố chưa kiểm soát được dịch. Nhưng nếu nhìn vào số ca bệnh nặng, nhập viện mỗi ngày và số ca tử vong thì thấy liên tục giảm dù vẫn ở mức cao. Đến hôm nay, số ca tử vong chỉ bằng 50% so với ngày đạt đỉnh.
GS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Đại học Y dược TP.HCM. Ảnh: Thu Hằng. |
Chuyên gia cho rằng số lượng ca F0 không còn quan trọng trong tình hình sống chung với Covid-19 nhưng vẫn phải kiểm soát dịch. Vấn đề là hạn chế số ca nhiễm nặng, không để vượt ngưỡng đáp ứng của ngành y tế.
Ông chỉ ra rằng tình hình hiện nay không giống trước kia bởi TP.HCM có 2 "vũ khí lợi hại" để kiểm soát dịch là vaccine và thuốc. Ông kiến nghị thông điệp bây giờ phải là "Thuốc + Vaccine + 5K".
Về xét nghiệm, TS Lê Trường Giang cho rằng đây không phải vũ khí mà là công cụ chống dịch. Chỉ khi sử dụng đúng mục đích, công cụ này mới phát huy hiệu quả, đáng để bỏ tiền.
Theo ông, xét nghiệm phục vụ 2 mục đích. Thứ nhất là tìm ra F0 để chăm sóc, chữa trị cho bệnh khỏi chuyển nặng, tử vong. Như vậy, việc xét nghiệm nên tập trung vào nhóm nguy cơ (người già, bệnh lý nền) và có triệu chứng để điều trị kịp thời.
Thứ hai là hồi phục sinh hoạt xã hội và kinh tế. Thành phố mở cửa phải an toàn nên cần xét nghiệm đối tượng làm việc trong các lĩnh vực thiết yếu của xã hội, ví dụ cán bộ y tế, công nhân...
Chuyên gia nhận định thành phố hiện chưa kiểm soát được dịch theo tiêu chí của Bộ Y tế nhưng theo tiêu chí an toàn cho TP.HCM và phục hồi hoạt động thì "bắt đầu đủ điều kiện".
"Thành phố vừa mở cửa từ từ, vừa tăng cường, củng cố sức mạnh thì hoàn toàn có thể mở cửa cho kinh tế phục hồi trở lại", ông nói.