Tiếp nối thành công của ATM gạo và ATM sách miễn phí, TS Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Thái Hà Books - khởi xướng dự án Sharing Rice Together (bắt đầu từ ngày 14/5, dự kiến kéo dài đến 22/6).
Người đứng đầu Thái Hà Books có những chia sẻ về kế hoạch kêu gọi, ủng hộ gạo cho bà con đang sống giữa tâm dịch Covid-19 trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, ông khẳng định những gì mình có và đang làm được là nhờ sách đem lại.
TS Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Thái Hà Books. Ảnh: NVCC. |
Góp gạo để ấm bụng, no lòng người vùng dịch
- Ý tưởng và quyết tâm khởi động dự án "Sharing Rice Together" đến với ông như thế nào?
- Đầu tháng 5, tình hình dịch bệnh ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới bị ảnh hưởng rất nặng. Cụ thể, đại dịch đang diễn biến phức tạp tại Bắc Ninh, Bắc Giang; trên thế giới thì có Ấn Độ, rồi Campuchia, Lào… Cảm nhận được khó khăn đó, ý tưởng nối tiếp chương trình tặng gạo ra đời.
Tôi lấy tên Sharing Rice Together tức là muốn cùng nhau chia sẻ hạt gạo yêu thương, mà chia sẻ yêu thương xuất phát từ tấm lòng và sự tử tế.
- Lý do nào khiến ông kéo dài thời gian của dự án này thêm một tháng nữa (tức đến 22/6)?
- Lúc đầu tôi bỏ ra 10 tấn gạo của mình và Thái Hà Books, định bụng tặng một điểm ở Ấn Độ. Điểm đầu tiên nghĩ đến là Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya) - nơi Đức Phật đắc đạo.
Sau một tuần, tôi mở được năm điểm tại Ấn Độ và bốn điểm ở các nước Nepal, Sri Lanka, Myanmar, Campuchia. Hàng chục tấn gạo và nhu yếu phẩm đã đến với bạn bè các nước láng giềng.
Tôi tìm đến hai đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ và Campuchia (cũng là hai anh bạn tôi, là anh Phạm Sanh Châu và anh Vũ Quang Minh nhờ kết nối và giúp đỡ).
Sau khi kết nối với các đầu cầu, tôi nhận ra Covid-19 đang hoành hành rất dữ dội, nhiều nơi bị phong toả. Những nước này tôi đều đặt chân đến nhiều lần, họ bình thường đã khổ, Covid-19 thế này lấy gì mà ăn. Và vậy là tôi quyết định kéo dài thêm một tháng nữa để có thêm nhiều hoản cảnh khó khăn bị “đứt bữa” được ấm bụng, no lòng.
TS Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Thái Hà Books - được mệnh danh là "Tiến sĩ văn hóa đọc". Ảnh: FBNV. |
- Đến nay "Sharing Rice Together" đã đạt được kết quả cụ thể như thế nào? Ông có dự định mở rộng thêm các địa điểm để làm thiện nguyện trong thời gian tới không?
- Như vậy là đã có 9 điểm. Từ Bồ Đề Đạo Tràng đến kinh thành Xá Vệ (Shravasti), từ bang Tripura đến bang Maharashtra và Dharamsala, từ Nepal đến Myanmar, từ Sri Lanka đến Campuchia.
Sáng 24/5, khi biết tin đoàn lãnh đạo Bộ Y tế đi Bắc Ninh và Bắc Giang để thăm và ủng hộ cũng như kêu gọi cả nước hỗ trợ cho hai tỉnh, tôi quyết định cho xe chở 10 tấn gạo đến để chia sẻ những hạt gạo yêu thương từ những tấm lòng thơm thảo của dự án Sharing Rice Together.
Nói thật rằng tâm của mọi người rất lớn, trái tim rất rộng mở. Không thể biết trước sẽ mở thêm bao nhiêu điểm nữa. Giống như năm ngoái, kế hoạch chỉ mở một ATM gạo miễn phí tại Hà Nội mà kết quả là vài chục máy.
Người đứng đầu Thái Hà Books (áo cam) tại một điểm ATM gạo miễn phí "bằng chân". Ảnh: FBNV. |
"Sách là ‘thức ăn’ cho não"
- Hành động tặng sách cho 200 tấm lòng hảo tâm mà ông kêu gọi được trong thời gian làm dự án "Sharing Rice Together" hướng tới mục tiêu gì?
- Thực ra tặng sách là thói quen của tôi từ ngày xửa ngày xưa, xưa đến mức không nhớ là từ khi nào. Ngay khi ở Nga học hay làm việc ở FPT tôi đã luôn mua rất nhiều sách để tặng. Sách Thái Hà Books thì tặng rất nhiều bằng cách tế nhị là giảm giá 50-80%, cốt để mọi người có sách và đọc sách rồi ứng dụng.
Tôi chỉ đơn giản tặng 200 cuốn cho quý vị, bạn bè, học trò tham gia dự án Sharing Rice Together như một lời tri ân. Mỗi cuốn sách đều được tôi ghi lời đề tặng và ký trực tiếp, ghi rõ họ tên lên đó. Đó là một món quà kỷ niệm từ đáy lòng.
- Ông nhận được gợi ý tặng sách cho các khu cách ly trong nước. Theo ông, gợi ý này có khả thi không? Nếu có, ông dự định thực thi nó ra sao?
- Đây cũng là một thách thức bởi liệu những người bị cách ly có đọc hay không? Nói thật rằng thói quen đọc sách của người Việt chưa cao. Nhiều người thích và có thói quen lướt web, vào mạng xã hội giải trí hơn là đọc sách.
Hiện nay mới có rất ít khu cách ly, chủ yếu là Bắc Ninh và Bắc Giang và người cách ly chủ yếu là công nhân. Chúng tôi đang nghiên cứu, đã đưa thông tin lên mạng nhưng số người ủng hộ tặng sách vẫn đơn lẻ và ít quá.
Tặng gạo và tặng thức ăn chỉ no cái bụng, giải quyết bài toán nhất thời còn sách là “thức ăn” cho não và giải quyết được bài toán lâu dài. Tôi cùng các cộng sự đang nghiên cứu, nếu được ủng hộ sẽ tạm xuất ngay cả nghìn cuốn sách từ kho Thái Hà Books. Việc này dễ vì không phải đi mua như gạo và thực phẩm.
- Ông được mệnh danh là “tiến sĩ văn hóa đọc”, luôn coi sách là tri kỷ. Sách có ảnh hưởng ra sao tới quá trình thiện nguyện của ông?
- Tôi có ngày hôm nay là nhờ sách. Tất cả những gì có đến lúc này từ tiền bạc, học vấn, chức vụ, uy tín, mối quan hệ, sự tin cậy, tình yêu thương… đều nhờ sách. Sách là người thầy, nhà tư vấn, ân nhân của tôi. Tôi có trả cả đời cũng không hết công ơn của "ông thầy" sách.
Được mệnh danh là gì cũng không quan trọng bằng giá trị từ mỗi cuốn sách mang lại cho bạn đọc. Đích cuối cùng của việc đọc là để có cuộc sống hạnh phúc, bình an. Đích của tôi là tạo ra một xã hội tử tế, ai cũng tử tế với nhau. Những email, nhắn tin, tương tác trên mạng xã hội mỗi ngày nhận được khiến tôi thấy rõ bạn đọc đang thay đổi, đang dịch chuyển.
Đọc sách xong mọi người bảo vệ môi trường tốt hơn, yêu thiên nhiên và con người hơn, cảm thông và sẻ chia hơn. Thú thực, có triển khai ba loại ATM này mới biết lòng người Việt ta bao la và dễ thương kỳ lạ. Đây là động lực để đi tiếp và thêm nhiều ATM khác.
Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng, sách là người thầy, người bạn tri kỷ. Ảnh: NVCC. |
- Ông muốn nhắn nhủ gì đến bà con vùng dịch, những người đang thực hiện lệnh giãn cách xã hội trong việc tìm đến sách để giải tỏa căng thẳng?
- Dịch bệnh là cơ hội ngồi lại để suy ngẫm. Khi giãn cách lại có một cơ hội tuyệt vời để tự học, và cách tự học tốt nhất là đọc sách.
Tôi muốn khuyên mọi người đọc sách bảo vệ và chăm sóc sức khỏe như Nhân tố enzym, Phương pháp ăn uống cải thiện lưu thông máu, Ai là thầy thuốc tốt nhất của bạn, Những phương pháp phục hồi sức khoẻ theo tự nhiên, hay bộ sách Sống xanh để an lành…
Rồi những cuốn sách chăm sóc tâm như Muốn an được an, Gieo trồng hạnh phúc, Lớp học hạnh phúc, bộ sách Nuôi dưỡng tâm hồn cho con hay bộ Phật pháp ứng dụng... là những đầu sách phù hợp để đọc trong mùa dịch này.