Cuốn Tiến sĩ Lê Thẩm Dương - Người truyền cảm hứng do báo Sinh viên Việt Nam - Hoa Học Trò phát hành từ ngày 1/6. Sách tập hợp những bài phỏng vấn TS Lê Thẩm Dương của nhà báo Nguyễn Tuấn Anh về nhiều chủ đề khác nhau, cùng những bài viết của bạn đọc - những người được TS Lê Thẩm Dương truyền cảm hứng.
Được sự đồng ý của tác giả sách, đơn vị phát hành, Zing.vn trích đăng một phần nội dung sách. Phần trích đăng đưới đây là cuộc trò chuyện giữa nhà báo Nguyễn Tuấn Anh và TS Lê Thẩm Dương.
Sách Người truyền cảm hứng. |
- Thưa TS Lê Thẩm Dương, ông có thể kể một vài kỉ niệm khi cuốn sách "Cảm xúc là kẻ thù số một của thành công" của ông được xuất bản?
- Cảm xúc xét về bản chất là sự rung cảm của con người về một hiện tượng nào đó. Nếu hiện tượng đó thỏa mãn bản thân mình sẽ sinh ra cảm xúc tích cực, tức là thích. Còn nếu hiện tượng không thỏa mãn mình, sẽ sinh ra cảm xúc tiêu cực, là ghét.
Có thể nói cho tới năm 40 tuổi, tôi mới hiểu được tiêu đề của cuốn sách. Cảm xúc là nhân tố đầu tiên của thành công và cũng là nhân tố đầu tiên của thất bại.
Trong thực tế tôi đã trải nghiệm rất nhiều, từ tình bạn, tình yêu cho đến công việc và tôi chiêm nghiệm được rằng đúng là có nhiều thất bại do chính cảm xúc của mình tạo ra. Tôi mong muốn được chia sẻ với mọi người điều này nên cuốn sách này đã ra đời.
- Theo ông, tại sao cuốn sách "Cảm xúc là kẻ thù số một của thành công" của ông lại được nhiều bạn đọc yêu mến đến thế?
- Thông thường khi thứ nào đó chạm được đến trái tim sẽ làm nó lan tỏa nhiều hơn. Điều này có thể được giải thích rằng cuốn sách đã chạm được vào trái tim bạn đọc và thuyết phục được họ nên đã đem lại hiệu ứng khiến đông đảo bạn đọc quan tâm. Cuốn sách đã giúp mọi người dễ dàng ứng dụng trong thực tiễn.
- Khi nào ông định ra cuốn sách tiếp theo?
- Thật ra tôi đã có ý định ra cuốn sách tiếp theo lắm vì tôi mong muốn có thể tổng kết những chia sẻ của mình cho các bạn trẻ. Tôi quan niệm rằng con người chỉ được phép sai lầm chứ đừng sai phạm. Khi tôi đã sai phạm nhiều rồi nên không muốn người khác phải trả một cái giá quá lớn như tôi.
Tôi dự định sẽ ra cuốn tiếp theo vào năm sau. Khi sách phát hành, tôi sẽ lắng nghe ý kiến của bạn đọc rồi sửa lại. Mỗi năm tôi sẽ cố gắng ra một cuốn sách.
- Mới đây có một nhân vật đăng trên mạng rằng ở Việt Nam anh ta chỉ nể có 3 người: TS Lê Thẩm Dương; Ca sĩ, nhạc sĩ Sơn Tùng M-TP và người mẫu Ngọc Trinh vì đây là 3 người làm được những điều mà không ai làm được giống như thế. Ý kiến này sau đó đã gây ra nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
- Tôi thấy những nhân vật được kể trên, bao gồm cả Donald Trump nữa, đều có tác dụng gây tranh cãi nên giữa họ có thừa số chung đó, còn lại mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Tuy nhiên, sự tranh cãi này tạo ra mâu thuẫn về quan điểm và cách nhìn nhận.
Đây chính là động lực của sự phát triển. Nhắc về hai nhân vật kia, tôi thấy Sơn Tùng M-TP có nhiều đóng góp, Ngọc Trinh xét ở một khía cạnh nào đó cũng phải làm cho người ta suy nghĩ. Trái hay thuận tôi chưa bàn tới, nhưng mọi người phải sắp xếp lại suy nghĩ của mình từ những nhân vật trên để hoàn chỉnh bản thân mình.
TS Lê Thẩm Dương cho rằng anh chạy xe ôm, chị bán bún là đồng bào nhà mình, nếu thích nghi với họ là điều nên tự hào. |
- Ông nghĩ sao khi có người kết luận: TS Lê Thẩm Dương chỉ hợp với khán giả là xe ôm và những người hay ngồi uống bia hơi vỉa hè?
- Theo tôi được biết, báo Công an thành phố Hồ Chí Minh từng có số lượng phát hành nhiều nhất trong số các báo ở Việt Nam. Tại sao lại như vậy? Vì tờ báo đó gần gũi với anh chạy xe ôm và chị bán bún bò, đồng thời nó cũng “thu phục” được tầng lớp dân văn phòng có trình độ cao.
Anh chạy xe ôm với chị bán bún bò là đồng bào nhà mình, họ có lỗi gì nhỉ? Nếu có một người có tác dụng với đại đa số quần chúng như vậy thì quá tốt chứ? Cho nên nếu tôi thích nghi được với những đối tượng khán giả như vậy thì tôi tự hào vô cùng.
- Nhiều khán giả khi xem clip của ông đã không đồng tình về cách ông xưng hô “mày-tao” với sinh viên. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
- Về mặt sư phạm và mô phạm tôi ý thức được điều này lắm. Tuy nhiên, khi đứng trên bục giảng tôi không bao giờ xưng hô với sinh viên như thế, chỉ khi tôi đến gần và giao tiếp với sinh viên và tôi muốn xóa bỏ ranh giới cũng như khoảng cách với sinh viên nên mới dùng cách xưng hô đó.
Khi ấy, tôi nghĩ mình không chỉ còn là người thầy, mà còn là người cha, người anh, thậm chí là đồng nghiệp nên tôi nghĩ mình đủ thẩm quyền để trao đổi với văn hóa gần gũi. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn sử dụng thủ pháp sư phạm để tạo ấn tượng.
Tôi đã suy nghĩ rất kĩ về cách xưng hô này và tôi sẽ không rút kinh nghiệm. Tôi sẽ chỉ coi đây là một ý kiến để trao đổi thôi. Có thể mọi người cho rằng tôi không có thiện chí tiếp thu nhưng tôi biết rõ điều này vì đây là một thủ pháp mà tôi đã được học rất cẩn thận và nó được tôi sử dụng phù hợp tùy chỗ, tùy lúc, tùy nơi.