Hồi bố tôi còn sống và mẹ tôi bây giờ cũng thế, nếu lâu lâu không thấy tôi xuất hiện trên truyền hình là gọi điện hỏi: "Dạo này mày bị kỷ luật hay sao mà không thấy trên tivi?"
Với truyền hình, tôi có rất nhiều chuyện để nói. Nhưng trước khi nói đến chương trình truyền hình tôi hợp tác đầu tiên, hay các chương trình truyền hình tôi đã và đang hợp tác, tôi muốn nói về quãng thời gian trước đó, về động lực thôi thúc tôi xuất hiện trên báo chí nói chung.
Tôi là người dạy về kinh doanh nên rất hiểu vai trò đặc biệt quan trọng của marketing. Thực tế, marketing có 3 chiến lược: đi trước sản phẩm, đi song song với sản phẩm và đi sau sản phẩm (tức là sản phẩm tốt rồi mới “bắc loa” lên đi giới thiệu, bán).
Sách Cảm xúc là kẻ thù số một của thành công tái bản, có bổ sung một số nội dung mới, sẽ phát hành ngày 12/12. |
Tôi là người ưa sự tròn trịa, nên thường chọn phương án tạo sản phẩm trước cho các chiến lược marketing do tôi phụ trách hay cố vấn. Thời điểm tự tin với kiến thức của mình rồi, thực tế là đã giúp ích được cho rất nhiều người rồi, tôi mới nghĩ tại sao không mở rộng, nâng cao mức độ cống hiến của mình hơn nữa, bằng cách xuất hiện trên các phương tiện truyền thông nói chung?
Marketing “ăn nhau” ở nguyên liệu marketing. Mà nguyên liệu marketing là kiến thức thì tôi có rồi. Tôi không những có nguyên liệu marketing, mà còn có nguyên liệu marketing tốt nữa, nên coi như tôi đã sở hữu một “điểm nổi” tự nhiên.
Nhưng thực tình, tôi chưa kịp dùng một “chiêu” marketing nào cho bản thân thì báo chí đã tìm đến, có lẽ nhờ Facebook và các kênh truyền miệng mà họ biết đến tôi.
Tờ báo đầu tiên tiếp cận tôi là Pháp Luật TP.HCM, tôi thực sự rất cảm ơn họ cho đến tận bây giờ. Đó là khoảng năm 2007. Tiếp theo đó là nhiều báo khác, trong đó có báo Thanh Niên, báo Tuổi Trẻ. Các bài viết về tôi liên tục được đăng trên các tờ báo này.
Độc giả ủng hộ, yêu mến tôi nhiều nhưng người “ném đá” tôi cũng không ít. Về việc bị “ném đá”, thời điểm đó, tôi đã nghĩ không sao cả, những người thừa nhận tôi, họ vẫn thừa nhận. Những người “ném đá” tôi, họ vẫn cứ “ném đá”.
Thế rồi, HTV (Đài truyền hình TP. HCM) tìm đến tôi, vì họ thấy kiến thức của tôi phù hợp. Tôi xuất hiện trong chương trình Chứng khoán của đài này, khoảng năm 2008 - 2009.
Tham gia chương trình truyền hình có cái thú vị là được dịp thể hiện khả năng thu phục người khác bằng ngôn ngữ cử chỉ. Tôi giao tiếp trực tiếp với khán giả truyền hình thật chân thành. Viết trên báo in, báo mạng rất khó đưa được những ưu điểm này của tôi. Những cống hiến của tôi qua truyền hình cứ thế tăng lên.
Đến năm 2014, tôi mới bắt đầu hợp tác với VTV (Đài Truyền hình Việt Nam). Khán giả VTV biết đến tôi nhiều nhất có lẽ là qua chương trình CEO - Chìa khóa thành công (một chương trình chính ngạch) nhưng thực ra, trước đó, tôi đã tham gia một số chương trình trên VTV như Café sáng, Bản tin Tài chính (giờ là Bản tin Tài chính Kinh doanh)...
TS Lê Thẩm Dương trong chương trình "Quyền lực ghế nóng". |
Không chỉ dừng lại ở việc tham gia các chương trình chính ngạch, tôi nhảy sang một số chương trình mang tính “showbiz”. Không chỉ có Quyền lực ghế nóng đâu, còn nhiều chương trình lắm...
Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi với VTV là có thời điểm trước khi VTV1 phát các bài phát biểu của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước là tôi đã được người nhà đài yêu cầu chuẩn bị ngồi xem tivi để sau đó phát biểu, bình luận ngay. Tôi nhớ có lần, đang giảng bài ở Hưng Yên, được “lệnh” của nhà đài là phải xin phép các bạn học viên đi… xem tivi.
Tôi cũng từng nhiều lần trả lời phỏng vấn Reuters. Mình nói thật, nói trên tinh thần yêu nước thì có vấn đề gì đâu. Hồi đó, phóng viên của Reuters ở Việt Nam là ông Khánh, tháng nào cũng hỏi tôi về lạm phát.
Từ trước đến nay, tôi chỉ chú tâm vào cống hiến, còn làm thương hiệu thì không. Tôi hiểu ý nghĩa của marketing nhưng lại không chú trọng vào làm marketing cho mình.
Chiến lược của tôi là chiến lược sản phẩm. Sản phẩm tốt thì “ong” sẽ bu lại thôi. Sản phẩm không tốt thì chiến lược marketing trời biển gì cũng sẽ chết và chết sớm hơn, làm cho thương hiệu thành thương hiệu âm.
Cảm xúc là kẻ thù số một của thành công phiên bản đặc biệt 2018 gồm những bài nói chuyện và bài viết nổi tiếng của TS Lê Thẩm Dương có tác động lớn đến giới trẻ trong thời gian vừa qua liên quan đến việc hướng nghiệp, chọn nghề nghiệp, học tập, nghiên cứu, lao động, chọn vợ/chồng, thái độ sống tích cực...
Sách được chia thành 6 phần: Chào bạn, Tân Sinh Viên; Thất nghiệp là tín hiệu tuyệt vời; Cái gì không mua được bằng tiền?; Chọn vợ/chồng theo hàm số hay biến số?; Hàm số của tình yêu hạnh phúc; Bài học cuộc sống - TS Lê Thẩm Dương khuyên đọc.
TS Lê Thẩm Dương giảng dạy tại Học viện Ngân hàng Hà Nội từ năm 1982, sau đó chuyển vào Đại học Ngân hàng TP HCM. Hiện ông là Trưởng khoa Tài chính, ĐH Ngân hàng TP HCM.
Ông cũng là giảng viên chính chương trình cấp chứng chỉ hành nghề của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, giảng viên thỉnh giảng của nhiều tập đoàn, dại học, chương trình đào tạo.
Ông là khách mời thường xuyên của nhiều diễn đàn cấp quốc gia và khu vực, nhiều chương trình truyền hình uy tín… TS Lê Thẩm Dương nổi tiếng trên mạng với những bài giảng “gây bão”.