Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân trong một chuyến công du. Ảnh: TTXVN. |
Mở đầu bài viết trên tờ Thai PBS World, tác giả Kavi Chongkittavorn cho biết Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ trở thành nhà lãnh đạo APEC đầu tiên đến Bangkok. Ngoài ra, Thái Lan cũng tổ chức lễ đón chính thức Chủ tịch nước vào ngày 16/11, ngay trước thềm Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (AELM) vào ngày 18/11.
Tác giả Chongkittavorn khẳng định chuyến thăm của Chủ tịch nước đánh dấu cột mốc mới trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Thái Lan. Hiện tại, hai nước đã nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược tăng cường, nâng cấp từ mối quan hệ đối tác chiến lược thiết lập năm 2013.
Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayut Chan-o-cha, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao sẽ thăm chính thức Vương quốc Thái Lan và tham dự Hội nghị các Nhà Lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). APEC lần thứ 29 được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan trong các ngày 16-19/11, theo thông cáo Bộ Ngoại giao.
Chuyến thăm được mong đợi
Theo tác giả Kavi Chongkittavorn, do môi trường an ninh khu vực và toàn cầu thay đổi nhanh chóng, Thái Lan và Việt Nam đang tìm kiếm cách tiếp cận và cách thức mới. Điều này là nhằm tăng cường hợp tác - hữu nghị cả trong khuôn khổ Mekong và ASEAN để đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực.
Tác giả bài viết khẳng định chuyến thăm của Chủ tịch nước rất được mong đợi.
Trong thời kỳ đại dịch Covid-19, Thái Lan và Việt Nam vẫn duy trì các cơ chế song phương thông qua thảo luận và tham vấn trực tuyến, bao gồm Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương, Nhóm tham vấn chính trị, Nhóm công tác chung về hợp tác chính trị và an ninh, cùng Ủy ban hỗn hợp thương mại.
Trong chuyến thăm 3 ngày tới Thái Lan, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao, trong đó có các lãnh đạo địa phương cùng các doanh nhân. Chủ tịch nước cũng sẽ tham dự APLM. Việt Nam bày tỏ ủng hộ kế hoạch thúc đẩy phát triển bền vững và nền kinh tế xanh của Thái Lan theo mô hình kinh tế sinh học - tuần hoàn - xanh.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi còn là thủ tướng và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha hồi năm 2019. Ảnh: VGP. |
Tác giả Kavi Chongkittavorn nhận định Việt Nam cũng là động lực phát triển chính cho khu vực tiểu vùng sông Mekong, đặc biệt trong bối cảnh Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS) đang hồi sinh. Trong suốt thời gian qua, Việt Nam đóng vai trò quan trọng khi nêu bật khó khăn liên quan tới khu vực sông Mekong, bao gồm quản lý nước, bảo tồn đa dạng sinh học, di cư và nguồn cá, cùng nhiều vấn đề khác.
Trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam tăng cường quan hệ giữa khối và các đối tác đối thoại của ASEAN để hỗ trợ cho tiểu vùng sông Mekong.
Ông Chongkittavorn dẫn ví dụ về mối quan hệ với Mỹ. Mỹ đã tăng cường can dự vào tiểu vùng và chuyển đổi Sáng kiến Hạ lưu sông Mekong thành Quan hệ đối tác Mekong - Mỹ. Washington biến kế hoạch phát triển sông Mekong thành phần quan trọng trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của nước này.
Hướng tới mục tiêu 25 tỷ USD
Bài báo cũng nêu bật thành tựu hợp tác thương mại song phương giữa Thái Lan và Việt Nam.
Trong những năm qua, Thái Lan đã tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong tất cả lĩnh vực thương mại, bao gồm bất động sản, hóa dầu, năng lượng thay thế, kinh doanh bán lẻ và chế biến thực phẩm.
Theo Bangkok Post đưa tin hồi tháng 4, sau cuộc hội đàm giữa các bộ trưởng, Thái Lan và Việt Nam đặt mục tiêu tăng giá trị thương mại song phương lên 25 tỷ USD vào năm 2025.
Các sản phẩm xuất khẩu quan trọng của Thái Lan bao gồm ôtô và phụ tùng ôtô, nhựa resin, dầu tinh chế, hóa chất, điều hòa không khí và linh kiện. Những sản phẩm nhập khẩu chính từ Việt Nam là thiết bị điện, dầu thô, máy móc và linh kiện điện, thép và sản phẩm thép, hóa chất.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Thái Lan và thứ 2 trong ASEAN. Năm 2021, kim ngạch song phương lên tới 19,4 tỷ USD, tăng 17,3% so với năm trước.
Trong khi đó, đầu tư của Thái Lan vào Việt Nam hiện đứng thứ 8, với tổng số 644 dự án trị giá hơn 13 tỷ USD. Trong số các thành viên ASEAN, Thái Lan đứng thứ hai, chỉ sau Singapore.
Về hợp tác an ninh, lực lượng hải quân của hai nước tiến hành giám sát chung bờ biển 2 lần/năm. Các quan chức quốc phòng cấp cao cũng thường xuyên tổ chức hội đàm song phương.
Tuần lễ cấp cao APEC 2022 diễn ra tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Reuters. |
Ông Chongkittavorn đánh giá lĩnh vực hứa hẹn nhất trong quan hệ Việt - Thái là du lịch, khi các điểm đến của Thái Lan có sức hút lớn với người Việt Nam. Trong nửa đầu năm nay, Thái Lan đón tiếp ít nhất 70.000 du khách Việt Nam.
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam và Thái Lan thiết lập 288 chuyến bay mỗi tuần, với khả năng chở gần 4.839 hành khách/ngày, tương đương 50.970 người/ tuần.
Thaiger đưa tin hồi tháng 4, Thái Lan đẩy mạnh các gói du lịch nhằm thu hút một triệu du khách từ Đông Nam Á, trong đó 11.000 chuyến du lịch trọn gói với khách du lịch một mình và gia đình từ Việt Nam, 3.000 chuyến du lịch với cặp đôi trẻ và thế hệ millennials từ Singapore. Đối với Malaysia và Campuchia, Thái Lan đặt mục tiêu đạt 1.000 chuyến du lịch trọn gói cho mỗi nước.
Thái Lan và Việt Nam có 14 cặp thành phố kết nghĩa tại 10 tỉnh. Con số này chỉ đứng sau Trung Quốc với 42 cặp. Hiện có 1.500 người Thái Lan sống ở Hà Nội, hơn 500 người ở TP.HCM và 1.000 người sống ở các thành phố lân cận. Khoảng trên 1.200 người Việt Nam - chủ yếu là sinh viên và doanh nhân - đang sinh sống ở Thái Lan.
Tác giả Chongkittavorn cho rằng hai nước vẫn còn dư địa để hợp tác sâu sắc hơn nữa, đó là giảm thiểu đánh bắt bất hợp pháp. Tuy nhiên, ông cũng nhận định lĩnh vực này đã có bước tiến trong những năm qua, nhờ 2 bên thành lập ủy ban chung giám sát và điều tiết các đội tàu đánh cá.