Truyền thống 'bỏ rơi' trẻ em trong rừng của người Hà Lan
Thứ sáu, 26/7/2019 05:50 (GMT+7)
05:50 26/7/2019
Trước khi trẻ em bước vào tuổi thành niên, người Hà Lan có truyền thống đưa con em vào rừng và "bỏ rơi" chúng ở đó, để chúng tự tìm đường về nhà, như một cách để trở nên tự lập.
Sau 22h, chiếc ôtô dừng bánh ở bìa rừng và bỏ lại ba đứa trẻ: một cậu bé 12 tuổi và 15 tuổi, cùng một cô bé 12 tuổi. Chúng chỉ có một mình cùng với máy định vị GPS để tìm đường đi. Sau đó, ba đứa trẻ lao vào rừng rậm. Tuy nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng đây lại là truyền thống "bỏ rơi" trẻ em ở Hà Lan, và hầu như đứa trẻ nào cũng trải qua thử thách này trước khi đến tuổi thành niên, theo New York Times.
Một vài tình huống của thử thách còn được mô phỏng theo các bài tập quân sự. Người lớn có thể sẽ đi theo và theo dõi những đứa trẻ, nhưng không giúp đỡ chúng. Ngược lại, để khiến thử thách khó khăn hơn, ban tổ chức thậm chí còn bịt mắt trẻ em trước khi "bỏ rơi" chúng giữa rừng, hay thậm chí tạo âm thanh giả các loài thú dữ để đe dọa.
Tại Hà Lan, trẻ em được giáo dục để trở nên tự lập, không phụ thuộc quá nhiều vào người lớn. Cha mẹ để con cái tự giải quyết vấn đề của mình. Những đứa trẻ bị bỏ rơi thường lang thang trong rừng đến 2-3h sáng, mệt, đói và mất phương hướng. Người Hà Lan tin rằng vượt qua những thử thách như vậy có thể giúp trẻ em sinh tồn được trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Những đứa trẻ bị bỏ lại bắt đầu tiến vào khu rừng gần Utrecht, với mùi nón thông dâng lên trong không khí. Mặt đất đầy rêu và bầu trời gần như đen kịt vì đêm trăng khuyết. Thi thoảng có tiếng ôtô lao vút qua rồi bầu không khí lại trở nên im bặt.
Đó là đêm đầu tiên Stijn Jongewaard, cậu bé 11 tuổi có sở thích chơi game, bị bỏ lại trong rừng. Mẹ của cậu, bà Tamara, cho rằng đã đến lúc cho con trai trưởng thành hơn và việc để cậu lại trong rừng là nhằm mục đích đó. "Stijin 11 tuổi rồi. Sắp đến lúc chúng tôi không thể dạy dỗ nó nữa. Thằng bé sắp bước vào tuổi thiếu niên, và sau đó phải học cách tự đưa ra quyết định cho mình", bà Tamara nói.
Sau khi đi được nửa giờ, cả nhóm rời đường lớn và đi vào rừng, rồi bất chợt dừng lại. Đám trẻ quay người về phía sau. Cách đó một khoảng không xa, có thứ gì đó to lớn nhảy vọt lên, xô đẩy đám lá khiến chúng giật mình. Đó là một con nai.
Nhiều trường hợp không may cũng xảy ra khi trải nghiệm truyền thống này. Năm 2012, truyền thông Đức đưa tin 5 cậu bé Hà Lan bị bỏ rơi ở Đức đã phải gọi cảnh sát địa phương giúp đỡ vì bị mắc kẹt giữa phiến đá và ống thông gió. Vào năm 2017, các thành viên ban tổ chức ở Bỉ bỏ 25 đứa trẻ lại trong rừng, sau đó uống bia và ngủ thiếp đi, khiến những đứa trẻ lang thang đi lạc quá thời gian quy định. Cuối cùng, chúng đến bấm chuông cửa nhà dân và nhờ đưa về địa điểm tập trung.
Tuy nhiên, các tờ báo Hà Lan coi đó là cách nói quá của người Đức, đồng thời cho rằng "trải nghiệm bị bỏ rơi là phần thú vị nhất của chuyến đi cắm trại". Người Hà Lan coi truyền thống này là điều rất bình thường và cảm thấy ngạc nhiên khi được hỏi về nó, bởi họ cho rằng truyền thống này cũng phổ biến ở các quốc gia khác.
Pia de Jong, tiểu thuyết gia sống tại New Jersey, Mỹ, cho rằng truyền thống này phản ánh triết lý nuôi dạy con rất đặc biệt của người Hà Lan. "Bạn để con lại cho chúng bước vào thế giới. Tất nhiên, bạn đảm bảo rằng chúng không bị đe dọa tính mạng, nhưng ngoài điều đó ra, bọn trẻ phải tự tìm đường đi", bà nói.
Tuy nhiên, bà de Jong, 58 tuổi, cũng nghi ngờ về tính thú vị của trải nghiệm này. "Hãy tưởng tượng rằng bạn đang lạc lối và không biết phải đi đâu. Có thể phải mất đến 10 giờ, có thể là cả đêm, bạn không biết mất bao lâu để tìm được đường. Trời đã khuya và bọn trẻ bắt đầu sợ hãi. Tôi không nghĩ rằng đó thực sự là trải nghiệm đẹp đẽ với chúng", bà nói.
Trong năm 2011 và 2014, nhiều trường hợp trẻ em trải nghiệm truyền thống này đã thiệt mạng vì tai nạn giao thông khi đi bộ dọc đường. Kể từ đó, ban tổ chức đặt ra nhiều quy định hơn để đảm bảo an toàn. Nhóm trẻ em khi bị bỏ rơi có mang theo điện thoại trong trường hợp khẩn cấp và phải mặc áo phản quang. Đồng thời, chúng cũng được phát danh sách các chỉ dẫn cụ thể, chủ yếu để đảm bảo an toàn giao thông.
Ít nhất 8 người tại Bangladesh bị những đám đông cuồng nộ đánh chết liên quan đến làn sóng tin đồn thất thiệt trẻ em bị bắt cóc và hiến tế để xây siêu dự án cầu vượt sông Padma.
Việc Mỹ rút khỏi WHO sẽ khiến tổ chức này mất nguồn tài trợ lớn nhất, từ đó ảnh hưởng đến khả năng ứng phó với các cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng như đại dịch COVID-19.