Sáng 4/1, tại Hà Nội diễn ra lễ phát động cuộc thi viết truyện ngắn trên tạp chí Văn nghệ Quân đội. Đây là một cuộc thi có truyền thống, đã tìm ra gương mặt văn chương mới, và có sức viết bền bỉ trên văn đàn.
Nhà văn Đỗ Tiến Thụy - Trưởng ban Văn xuôi, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, trong tư cách thành viên ban tổ chức, đồng thời là một người theo sát tình hình văn xuôi, có những trao đổi về cuộc thi văn chương uy tín, cũng như thể loại truyện ngắn hiện nay.
Nhà văn Đỗ Tiến Thụy - người theo sát tình hình văn xuôi hiện nay. |
- Anh có thể cho biết về lịch sử cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ Quân đội?
- Nhất thời tôi không nhớ chính xác, nhưng cuộc thi đã qua hơn 10 lần tổ chức; ngay những năm sau giải phóng đã bắt đầu có. Cuộc thi của Văn nghệ Quân đội đã gây ấn tượng, tạo chú ý trong văn giới. Đặc biệt, những năm sau Đổi mới trở đi, cuộc thi đã tìm ra các tên tuổi như Phạm Thị Minh Thư, Nguyễn Thu Huệ, Y Ban, Đỗ Bích Thúy, gần đây là Kim Hòa…
Cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ Quân đội không cố định, nhưng thường diễn ra hai năm một lần. Có một điều đáng mừng là sau cuộc thi, các tác giả đạt giải thường có một thương hiệu.
Về phía những người tổ chức giải thưởng, có một tâm lý lo sợ sau cuộc thi, tác giả và tác phẩm mình lựa chọn tôn vinh không trụ được với thời gian. Nhưng đáng mừng là các tác giả đạt giải truyện ngắn Văn nghệ Quân đội sau đó vẫn đi đường dài với văn chương.
- Tuyển chọn truyện ngắn đăng trên tạp chí là công việc mà tạp chí Văn nghệ Quân đội vẫn làm hàng tháng. Vậy không biết với mục đích, lý do gì khiến tạp chí tổ chức cuộc thi này?
- Động lực để tham gia sáng tác của một nhà văn cũng giống như các cầu thủ; nếu đá theo một chế độ bình thường thì công lực của họ chưa bung ra hết. Cuộc thi thật ra là để kích thích tác giả đốt cháy hết năng lượng, ý tưởng của mình.
Cuộc thi được tổ chức để tạo sân chơi để các tác giả cọ sát, thi thố, nhìn ngó nhau. Tác giả viết để in lai cảo, có thể là viết được, in được, nhưng chỉ dừng ở mức người đọc đọc rồi quên ngay. Nhưng khi thi, họ dồn hết tâm huyết, trăn trở để cho ra tác phẩm có chất lượng cao hơn.
Đó là về phía người viết. Còn phía người làm giải như chúng tôi, yêu cầu cuộc thi là phải chọn được "hoa khôi". Nên chúng tôi sẽ làm những động thái như trao đổi, kích thích, tạo điều kiện để tác giả cháy hết mình.
Ngay trong chuyên môn biên tập, các biên tập viên cũng làm hết mình. Trong cuộc thi, nếu có một câu chuyện đẹp, bình thường có thể in vào tạp chí được rồi, nhưng nếu ở tầm cuộc thi thì chưa được giải. Trường hợp đó, chúng tôi sẽ trao đổi lại với người viết, có những tác giả chúng tôi trao đổi đến 7 lượt, 10 lượt, làm sao để bùng lên được cái hay của tác phẩm.
Từ sự "vật vã", sửa chữa của người việt, họ sẽ làm tác phẩm bừng lên. Lý do khiến Văn nghệ Quân đội tổ chức cuộc thi là ở đó, chúng tôi luôn muốn nâng cao chất lượng truyện ngắn.
- Ở cuộc thi lần trước, ban tổ chức đã trao cho những chùm tác phẩm. Vậy cuộc thi hướng tới tôn vinh tác phẩm, hay tôn vinh tác giả?
- Những tác giả được giải cuộc thi Văn nghệ Quân đội luôn đứng vững, không mất hút như những cuộc thi khác; bởi ban tổ chức có sự thống nhất, gần như là luật bất thành văn rằng, chúng tôi trao giải cho một quá trình, chứ không trao giải cho một giai đoạn cụ thể.
Như nhà văn Nguyễn Văn Thọ có nói, anh theo đuổi bền bỉ hai kỳ cuộc thi vẫn chưa được giải, và vẫn tiếp tục tham gia lần thứ ba. Trong số các tác phẩm gửi về, các biên tập viên đã nhìn ra nội lực của từng tác giả, từ đó trao đổi, để tác phẩm đi dần lên dần lên. Trong giới hạn cuộc thi, một chùm tác phẩm sẽ phần nào cho thấy độ bền của cây bút. Nên những người đạt giải cuộc thi, sau đó không bị chìm là như thế.
Hai tập truyện ngắn của Nguyễn Thị Kim Hòa và Đinh Phương. Hai tác giả đều đạt giải truyện ngắn Văn nghệ Quân đội năm 2014, là những gương mặt triển vọng hiện nay. |
- Tức là ban tổ chức không chỉ làm nhiệm vụ của ban giám khảo, mà cùng với tác giả đi lên, làm nên tác phẩm hay?
- Một trong những văn hóa của Văn nghệ Quân đội là trung thực trong việc định danh một tác giả. Trong cuộc thi, vai trò của các biên tập viên là rất quan trọng, có những tác phẩm đưa lên, người đọc trầm trồ, nhưng đằng sau ấy, còn là công sức của biên tập viên nữa. Công sức của chúng tôi, vẫn gọi vui là “hồ”, thứ hồ để xây nên tác phẩm hay phục vụ bạn đọc.
Còn khi trao giải, chúng tôi luôn trọng nội lực một tác giả. Cái đó mới làm nên sức bền của một cây bút qua thời gian.
- Là người tiếp nhận tác phẩm truyện ngắn hàng ngày, anh nhận xét gì về tình hình truyện ngắn hiện nay?
- Truyện ngắn ngày nay có một thực tế, không biết mừng hay vui, đó là xu hướng truyện ngắn càng ngày càng thu ngắn lại. Xu hướng cơ học ấy có thể nhìn thấy rõ. Trước đây truyện ngắn trên Văn nghệ Quân đội thường 5 nghìn chữ, và viết theo lối truyền thống rất lớp lang, có bề dày, nặng miêu tả.
Nhưng những truyện ngắn gần đây đang thu gọn về dung lượng chữ. Tôi nghĩ có mấy lý do, thông tin hiện nay trên mạng quá nhiều, lại rất dễ tìm. Do đó, các nhà văn đã bỏ phần miêu tả, dông dài của văn học cổ điển. Họ trọng ý tưởng, thủ pháp nhiều hơn. Truyện ngắn khoảng10 năm gần đây càng ngày càng ngắn lại.
Với tác giả đã quen văn xuôi theo lối trường thiên trước đây, giờ dung lượng co ngắn lại, thì bắt đầu có sự thất vọng. Còn độc giả mới thì rất hào hứng với kiểu viết này: lối viết nhanh, mạnh về ý tưởng, gây thủ pháp bất ngờ, chứ không phải văn chương theo quan niệm ngày xưa nữa.
Hiện trạng này đặt ra bài toán cho ban biên tập phải giải quyết sao cho hài hòa. Vì trong lực lượng cộng tác viên vẫn có một lớp viết theo lối cũ, một lớp viết theo lối mới. Chính vì vậy, trong thể lệ cuộc thi, chúng tôi có nói “rất trân trọng truyền thống, nhưng luôn khuyến khích cái mới”.
- Theo anh, truyện ngắn có vai trò thế nào trong đời sống văn chương hôm nay?
- Truyện ngắn là thể loại cơ động, dễ đi đến công chúng hơn. Đầu tư thời gian, tâm sức cho nó không quá sức; tác giả trẻ cũng viết được, tác giả lừng danh cũng viết được.
Truyện ngắn thì ai cũng có thể đọc được. Nó có tính phổ cập cao. Tôi không có ý so sánh truyện ngắn và tiểu thuyết, bởi mỗi thứ có một đặc trưng riêng. Nhưng hiện nay, truyện ngắn vẫn là thể loại mang tính xung kích, nó bám sát vào xã hội nhanh nhất, và đến với độc giả nhanh nhất.
- Cuộc thi viết truyện ngắn Văn nghệ Quân đội vừa phát động, anh kỳ vọng gì vào mùa giải mới?
- Cuộc thi phụ thuộc vào nhiều yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Nhưng tôi tin, với một lớp tác giả trẻ, 8X, 9X xuất hiện, báo hiệu những tín hiệu khả quan, tư duy nghệ thuật mới, việc chọn ra một tác giả để trao giải không khó.
Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình, trong việc chọn lựa để các tác phẩm trao giải có được hiệu ứng trong đời sống xã hội.
Cuộc thi truyện ngắn 2018-2019 trên Văn nghệ Quân đội không hạn chế đề tài, không giới hạn số chữ, chấp nhận mọi khuynh hướng sáng tác, trân trọng phong cách truyền thống đồng thời khuyến khích những tìm tòi, cách tân với nhãn quan văn học và tư duy nghệ thuật mới mẻ.
Cuộc thi nhận tác phẩm tham dự từ tháng 1/2018 tới tháng 11/2019. Lễ trao giải vào dịp 22/12/2019.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương - Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội: "Đặt tên cuộc thi là Lửa Mới, Ban tổ chức chúng tôi phần nào muốn cùng các tác giả viết truyện ngắn khơi lên ngọn lửa xúc cảm, phấn khích mới, cùng những góc tiếp cận, những suy ngẫm trên bình diện mới, để từ đó có thể viết ra những tác phẩm đủ sức sưởi ấm và lay động tâm hồn người đọc… Chúng tôi chờ đợi và mong nhận được sự ủng hộ, sự tham gia của tất cả mọi người".
Nhà văn Bảo Ninh: "Từ ngày thành lập đến bây giờ, Văn nghệ Quân đội vẫn giữ được sự lôi cuốn người viết. Trước đây có Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Minh Châu, sau này có Chu Lai, Trọng Oánh, thời bình có Nguyễn Huy Thiệp, Bình Phương… Hầu hết các nhà văn xuất sắc đều có tác phẩm qua tạp chí văn chương này.
Các kỳ thi của Văn nghệ Quân đội đều xuất hiện những tác giả mới. Như cuộc thi năm 2014 đưa ra cho văn đàn những tác giả mới, viết hay, như Đinh Phương, Kim Hòa. Cái hay của giải thưởng này là họ chọn rất đúng các nhà văn để trao giải, chứ không chỉ chọn tôn vinh một tác phẩm tốt."