Truyền hình thực tế (Reality television) xuất hiện ở Việt Nam từ thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, nhưng chỉ thực sự bùng nổ trên sóng VTV từ năm 2012 và kéo dài trong khoảng 5 năm.
Chiếm phần lớn là chương trình truyền hình thực tế (THTT) về âm nhạc, mua bản quyền từ nước ngoài. Với format sôi động, mới lạ, các chương trình này đã thổi một luồng sinh khí mới trong bối cảnh những game show, cuộc thi âm nhạc truyền thống do VTV tổ chức như Trò chơi âm nhạc, Sao mai, Sao mai điểm hẹn không còn sức hút.
Chỉ trong vài năm, THTT ca nhạc phát triển "như nấm mọc sau mưa" với hàng loạt chương trình được tổ chức nhiều mùa như Thần tượng Việt Nam, Thần tượng Việt Nam nhí, Giọng hát Việt, Giọng hát Việt nhí, Cặp đôi hoàn hảo, Gương mặt thân quen, Gương mặt thân quen nhí, Sing My Song,...
Hương Tràm nổi lên như một hiện tượng của Giọng hát Việt mùa đầu tiên. |
Đặc trưng của THTT là do công ty truyền thông, doanh nghiệp sản xuất kết hợp phát sóng với VTV. Dù VTV không trực tiếp sản xuất, các show thực tế vẫn mang lại cho nhà đài lợi nhuận không nhỏ, vừa giúp giải bài toán về khung giờ vàng cuối tuần, vừa mang lại lợi nhuận từ tiền quảng cáo.
Với thị trường âm nhạc, THTT phát hiện ra nhiều gương mặt sáng giá và đa dạng như Uyên Linh, Văn Mai Hương, Hương Tràm, Bùi Anh Tuấn, Đức Phúc, Vũ Cát Tường, Phương Mỹ Chi, Hoài Lâm... Đồng thời, đây cũng là một môi trường được nhiều nghệ sĩ lựa chọn để khẳng định vị trí hoặc "hâm nóng tên tuổi".
Thế nhưng, sau 5 năm bùng nổ, thông qua các chỉ số về rating, giá quảng cáo, hiệu ứng truyền thông, không khó để nhận ra THTT ca nhạc của năm 2018 đã thực sự bão hòa. Vẫn chiếm ưu thế trên sóng giờ vàng cuối tuần VTV, nhưng game show và THTT về âm nhạc dường như đang "chết dần".
Rating, giá quảng cáo THTT ca nhạc giảm mạnh
Theo như báo cáo thống kế của Vietnam-Tam (Hệ thống đo lường định lượng khán giả), rating của game show, truyền hình thực tế về ca nhạc đã giảm mạnh từ 6 tháng đầu năm 2017.
Và từ đó đến nay, trên sóng VTV cũng không có cuộc thi nào thực sự gây bão như Giọng hát Việt 2012, Giọng hát Việt nhí 2013, Gương mặt thân quen 2014 hay Sing My Song 2016.
Năm 2018, sóng giờ vàng VTV3 dịp cuối tuần vẫn gần như dành mọi ưu đãi cho các chương trình về âm nhạc. Trong đó, có 5 cái tên được quan tâm là Sing My Song, Giọng hát Việt, The Debut, Gương mặt thân quen và mới đây là Giọng hát Việt nhí.
Giá quảng cáo Gương mặt thân quen giảm mạnh trong những năm gần đây. Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
Đáng bàn luận là giá quảng cáo của cả bốn chương trình đều giảm, thậm chí giảm mạnh so với những năm trước. Theo báo giá của Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền hình thuộc VTV, giá quảng cáo trong thời gian phát sóng Gương mặt thân quen 2014 từng đạt đỉnh là 370 triệu đồng dành cho một block quảng cáo thời lượng 30 giây.
Nhưng đến năm 2018, Gương mặt thân quen có mức giá quảng cáo thấp chưa từng có. Với 30 giây quảng cáo trong thời gian phát sóng chương trình, các doanh nghiệp nhãn hàng có nhu cầu chỉ phải trả tròn 200 triệu, giảm tới 170 triệu/30s chỉ sau bốn năm. Mức giảm bị đánh giá là "từ đỉnh xuống đáy".
Gương mặt thân quen là dẫn chứng điển hình nhất cho sự giảm nhiệt của truyền hình thực tế. Nhưng bi kịch là không của riêng chương trình này, nhiều show thực tế khác về âm nhạc cũng giảm rating và kéo theo giảm giá quảng cáo vào năm 2018.
Đêm chung kết Giọng hát Việt mùa thứ 5 có mức giá quảng cáo là 220 triệu/30s, cao hơn The Debut và Gương mặt thân quen 2018. Nhưng so với đêm chung kết của Giọng hát Việt 2013 (năm Thảo My đăng quang), mức giá năm nay đã giảm 20 triệu/30s. Mức giảm này thực tế không quá lớn, nhưng cũng cho thấy Giọng hát Việt đã một phần giảm sức hút.
Báo giá quảng cáo Giọng hát Việt nhí 2018 là 200 triệu cho 30 giây trong thời gian phát sóng chương trình. |
Một trường hợp khác cũng đáng lưu tâm là giá quảng cáo của Giọng hát Việt nhí. Quảng cáo trong 30 giây phát sóng của Giọng hát Việt nhí 2018 được VTV chào bán với giá 200 triệu.
Con số này thấp hơn nhiều so với giá quảng cáo Giọng hát Việt nhí 2013, khi đêm Chung kết với cuộc đua tài của Phương Mỹ Chi và Quang Anh từng có giá quảng cáo lên tới 280 triệu/30s.
Tương tự như Giọng hát Việt là chương trình Sing My Song (Bài hát hay nhất). Giá quảng cáo trong Sing My Song năm 2018 là 200 triệu/30s, trong khi ở mùa đầu tiên tổ chức, mức giá của chương trình là 250 triệu/30s, tức giảm 50 triệu/30s ở mùa thứ 2.
Đóng góp nhạt nhòa cho thị trường âm nhạc?
Giá quảng cáo vẫn được xem là yếu tố phản ánh chân thực nhất về rating cũng như sức nóng của game show trên sóng VTV. Nhưng tất nhiên, sự đắt giá của một chương trình THTT không chỉ thể hiện ở những số tiền quảng cáo do nhà đài chào bán hay lợi nhuận mà đơn vị sản xuất thu được từ các hợp đồng tài trợ, đồng hành của nhãn hàng.
Sức nóng của một chương trình THTT về âm nhạc còn được thể hiện qua sự quan tâm của truyền thông, hiệu ứng xã hội, và đặc biệt là những đóng góp cho thị trường âm nhạc. Xét trên khía cạnh này, THTT cũng đang thực sự bão hòa.
Giá quảng cáo game show ca nhạc trên kênh VTV. Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
Trong năm nay, THTT âm nhạc đã tìm ra 4 quán quân, lần lượt là Lộn Xộn Band (Sing My Song), Duy Khánh (Gương mặt thân quen), Ngọc Ánh (Giọng hát Việt) và Tùng Dương (The Debut mùa đầu tiên). Trong đó có một nửa gây tranh cãi, nửa còn lại cũng không tạo được chú ý.
Tùng Dương - học trò đội Hương Tràm của The Debut - bị không ít khán giả phản ứng dữ dội. Chiến thắng của nam thí sinh không thuyết phục khán giả vì với nhiều người, chàng trai 9X không có giọng hát thực sự tốt. Chính Hương Tràm sau đó cũng phải lên tiếng để bênh vực học trò trước sự chỉ trích của dư luận.
The Debut ở mùa đầu tiên tổ chức cũng đã đầy nỗ lực trong cuộc chiến rating. Chương trình bị truyền thông và khán giả đánh giá là đầy rẫy chiêu trò, nhưng đã không thể gây bão được như tham vọng (chắc chắn là có) của nhà tổ chức và ông bầu Quang Huy.
Tương tự Tùng Dương - The Debut là trường hợp của Ngọc Ánh tại Giọng hát Việt 2018. Ngọc Ánh là giọng hát không nổi bật của đội Noo Phước Thịnh. Thế nên việc Ngọc Ánh đăng quang không chỉ gây tranh cãi mà còn khép lại một mùa Giọng hát Việt nhạt nhòa dù chương trình đã rất nỗ lực đổi mới.
Ngọc Ánh gây tranh cãi khi đăng quang Giọng hát Việt 2018. Ảnh: Bá Ngọc. |
Thí sinh Giọng hát Việt năm nay bị đánh giá là chất lượng "sàn sàn", không có gương mặt nổi bật. Nói như ca sĩ Thu Phương, "cả quán quân lẫn các thí sinh năm nay đều không có khả năng nổi bật, không có đầy đủ tố chất để trở thành ngôi sao".
Không chỉ The Voice hay Gương mặt thân quen, quán quân của Sing My Song 2018 cũng rơi vào "bi kịch" tương tự. Là một nhóm nhạc thú vị, nhưng Lộn Xộn Band cũng không thể tạo được những hiệu ứng mạnh. Sing My Song mùa thứ 2 cũng đã kết thúc một mùa tương đối ảm đạm dù mùa đầu tiên (2016) gây bão đến từng ca khúc, từng tập phát sóng.
Trong số các chương trình THTT đã lên sóng VTV trong năm, Gương mặt thân quen là một format khác hẳn khi thí sinh là các diễn viên, nghệ sĩ có quen mặt với khán giả. Nhưng năm nay, sức hút chương trình và sự ảnh hưởng của quán quân cũng rất mờ nhạt.
Năm 2014, Gương mặt thân quen từng gây bão màn ảnh nhỏ với những màn hóa thân của Hoài Lâm thành nghệ nhân Hà Thị Cầu, Sơn Tùng M-TP, và đặc biệt là cố nghệ sĩ Thanh Nga - Thanh Sang, tạo "viral" lớn trên mạng xã hội.
Duy Khánh được đánh giá là chiến thắng xứng đáng, nhưng Gương mặt thân quen năm nay bị chê là nhạt nhòa, thiếu sức hút. |
Nhưng, bốn năm sau, Gương mặt thân quen đã không thể có những màn hóa thân cảm xúc và lan tỏa tương tự. Chương trình kết thúc một mùa thiếu sức hút dù đã cố gắng đổi mới bằng việc thay toàn bộ dàn giám khảo. Nhưng đáng tiếc là chính đội ngũ giám khảo lại gây tranh cãi.
Từng góp phần thay đổi "cục diện" truyền hình, đưa nhiều bạn trẻ tài năng "một bước thành sao", và là một trong những yếu tố có ảnh hưởng quyết định đến diện mạo thị trường giải trí, nhưng THTT về âm nhạc của năm 2018 lại đang "chết" dần trên sóng VTV.
Bi kịch này đến từ đâu, Zing.vn sẽ lý giải trong bài viết tiếp theo: Tại sao truyền hình thực tế về âm nhạc chết dần trên sóng VTV?