Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Truy tìm nguyên nhân sư tử chết hàng loạt ở Ấn Độ

Hàng trăm con sư tử quý hiếm Asiatic tại Ấn Độ bỏ mạng trong những năm gần đây khiến chúng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.

Loài sư tử quý Asiatic đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Ảnh: AFP

Khu bảo tồn động vật Gir, bang Gujarat là lãnh địa của sư tử Asiatic - một loài quý hiếm của thế giới. Tuy nhiên, số lượng loài này đang giảm mạnh, khoảng 256 cá thể đã bỏ mạng trong 5 năm qua. Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do nạn săn bắn và hạn hán.

“Khoảng 20 con sư tử chết do xe tải và tàu hỏa cán trong lúc chạy qua đường. Những chiếc giếng không đậy nắp tại các trang trại vô tình trở thành cái bẫy tử thần cho loài mãnh thú họ mèo. Hiện nay, khoảng 40% cá thể sư tử sống tại bìa rừng, ngoài khu vực bảo tồn, khiến chúng dễ dàng rơi vào tay nhưng tên săn trộm động vật hoang dã”, nhà môi trường học Takhubhai Sansur, cho biết.

Một bệnh dịch bùng phát tại công viên quốc gia Serengeti, Tanzania năm 1994 khiến hơn 1000 con sư tử chết chỉ trong vài ngày. Do vậy, nhiều người cho rằng, số cá thể sư tử ở Ấn Độ giảm mạnh cũng không loại trừ nguyên nhân này.

Ngoài ra, chúng thường xâm nhập vào các trang trại của các hộ dân tấn công vật nuôi và ăn thịt. Trong hai năm qua, sư tử đã khiến 14 người thiệt mạng, 114 người khác bị thương. Cảnh sát bắt giữ hai người đàn ông vì tội giết sư tử khi chúng vào trang trại của họ.

Những chiếc giếng không đậy nắp tại các trang trại trở thành cái bẫy tử thần cho loài sư tử. Ảnh: BBC

Năm 2000, Liên minh Quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN) đã đưa sư tử Asiatic vào danh sách những loài động vật cực kỳ nguy cấp. Tuy nhiên, IUCN đã gỡ bỏ loài này khỏi danh sách nguy cấp năm 2005 khi số lượng của chúng tại đây tăng hơn 250 cá thể. Theo cuộc điều tra của chính phủ bang Gujarat năm 2010, khoảng 411 con sư tử đang sinh sống trong khu bảo tồn.

Chính phủ Ấn Độ đang nỗ lực tạo môi trường khác tại Saurashtra cho sư tử sinh sống. Đồng thời, giới chức nước này yêu cầu các tàu hỏa, xe tải đi qua khu vực giảm tốc độ để tránh xảy ra va chạm khi các loài thú hoang dã bất ngờ băng qua đường. Mỗi năm, bang Gujarat dành khoảng 8,3 triệu USD để phục vụ công tác bảo tồn đồng vật hoang dã, một nửa trong số đó dùng cho việc duy trì và phát triển số lượng sư tử.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng chi phí này là quá ít, thấp hơn con số chi cho các dịch vụ quảng bá du lịch khoảng 5%. Ngoài ra, họ cáo buộc chính phủ không trung thực khi thông báo nguyên nhân gây ra cái chết của sư tử.

"Chính phủ luôn giấu kín nguyên nhân cái chết của loài vật này sau mỗi cuộc khám nghiệm tử thi. Số lượng cá thể sư tử giảm lên mức đang báo động khiến loài này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng", nhà bảo tồn động vật hoang dã Harish Joshi nói.

Ấn Độ đang triển khai kế hoạch di tản loài động vật này ra khỏi bang Gujarat tới khu vực mới ở  Kuno Palpur Sanctuary, bang Madhya Pradesh, miền trung Ấn Độ. Tuy nhiên, công tác này vẫn chưa thực hiện do vấp phải một số ý kiến phản đối từ chính quyền bang Gujarat.

Cá sấu, sư tử đại chiến vì tranh mồi

Bầy sư tử cùng lao vào tấn công một con cá sấu lớn để bảo vệ con mồi là xác voi bên đầm nước ở Khu dự trữ quốc gia Samburu, Kenya.

Tống Hoa

Bạn có thể quan tâm