Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Truy tìm nguồn gốc virus giống SARS

Các chuyên gia y tế Anh xác định loại virus mới giống bệnh SARS có thể có nguồn gốc từ dơi và một số loài vật khác. Một số trường hợp nhiễm bệnh mới có thể đã xuất hiện.

Truy tìm nguồn gốc virus giống SARS

Các chuyên gia y tế Anh xác định loại virus mới giống bệnh SARS có thể có nguồn gốc từ dơi và một số loài vật khác. Một số trường hợp nhiễm bệnh mới có thể đã xuất hiện.

 

Theo Hãng tin Reuters, ngày 28/9 Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố loại virus mới giống bệnh SARS có thể không dễ lây truyền từ người sang người như SARS. Nguyên nhân là kể từ khi Anh thông báo cho WHO về vụ nhiễm bệnh của người đàn ông Qatar 49 tuổi tuần trước, chưa có thêm trường hợp nghi nhiễm nào khác xuất hiện. Dù vậy, WHO cho biết hãy còn quá sớm để xác định virút này có nguy cơ như thế nào và liệu nó có phát triển thành một dòng virus nguy hiểm hơn hay không.

Mới đây các chuyên gia y tế thuộc Cơ quan Bảo vệ sức khỏe Anh và Trung tâm Y tế Rotterdam Eramus (Hà Lan) xác định loại virus mới giống virus gây bệnh SARS khoảng 99,5%. Người đàn ông Saudi Arabia đã thiệt mạng và bệnh nhân Qatar bị nhiễm virút này đều bị suy thận nặng, cũng như các triệu chứng như sốt cao, ho, khó thở... Nhóm nghiên cứu cho rằng dù giống SARS, virút này hoạt động một cách khác biệt.

Các trường hợp nghi nhiễm

Trên thực tế, đã có một số trường hợp nghi nhiễm mới. Theo trang Arab News, mới đây Bộ Y tế Saudi Arabia cho biết ở nước này có hai người thiệt mạng vì virus giống SARS chứ không phải là một. Hãng AFP đưa tin trong tuần qua, một gia đình bốn thành viên và một người khác bị cách ly tại Bệnh viện ĐH Odense ở miền nam Đan Mạch. Gia đình trên mới trở về từ Saudi Arabia và người còn lại mới đến Qatar.

Họ chủ động liên hệ với cơ quan y tế sau khi chính quyền Đan Mạch công bố cảnh báo của WHO hồi đầu tuần. “Chúng tôi đã gửi mẫu bệnh của họ đi xét nghiệm. Tất cả đều bị sốt cao, ho và có các triệu chứng cúm khác - AFP dẫn lời bác sĩ Svend Stenvang Petersen thuộc Bệnh viện ĐH Odense - Chúng tôi phải cách ly họ vì không biết virus lan truyền như thế nào. Hiện chúng tôi không có thuốc để chống lại virút này”.

Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và ngăn chặn bệnh dịch châu Âu cho biết hồi tháng 4/2012 Bộ Y tế Jordan, quốc gia láng giềng với Saudi Arabia, phát hiện một ổ dịch tại một bệnh viện ở Zarqa. Có 11 người bị nhiễm bệnh, trong đó có bảy y tá và một bác sĩ. Đến nay một y tá đã thiệt mạng. Bộ Y tế Jordan xác nhận tất cả các nạn nhân đều bị sốt cao và có các triệu chứng cúm. Nguyên nhân lây bệnh có thể do virus. Hiện vẫn chưa có kết quả xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây bệnh.

Hôm 28/9, WHO đã phát thông báo đến 194 nước thành viên, yêu cầu báo cáo ngay các trường hợp có triệu chứng hô hấp cấp tính, đặc biệt với những người từng đến Trung Đông. WHO chưa khuyến nghị hạn chế đi lại đến Saudi Arabia hay Qatar, nhưng cho biết đang hợp tác chặt chẽ với chính quyền Saudi Arabia để ngăn chặn nguy cơ dịch bùng phát trong tháng 10. Đó là thời điểm khoảng 2 triệu người Hồi giáo hành hương về thánh địa Mecca.

Nguồn gốc từ loài vật

Theo Hãng tin CBS, mới đây Cơ quan Bảo vệ sức khỏe Anh và Trung tâm Y tế Rotterdam Eramus công bố nghiên cứu sơ bộ về loại virus mới, cho thấy nó có thể có nguồn gốc từ loài dơi. Nó thuộc loại coronavirus, gia đình virus gây bệnh cảm cúm cũng như bệnh SARS. Các chuyên gia y tế cho rằng hai nạn nhân người Saudi Arabia và Qatar có thể bị lây bệnh trực tiếp từ dơi.

CBS dẫn lời chuyên gia virus Ralph Baric thuộc ĐH North Carolina (Mỹ) nhận định đây là một khả năng hợp lý bởi hai vụ lây nhiễm xảy ra cách nhau nhiều tháng. “Nếu có sự lây truyền từ nhiều loài vật khác thì có thể đã có nhiều người mắc bệnh hơn” - giáo sư Baric khẳng định. Hiện các chuyên gia sinh học WHO đang đến Saudi Arabia và Qatar để lấy mẫu xét nghiệm từ cả lạc đà và dê. “Điều quan trọng là phải xác định virus này lây lan ở loài vật mức độ nào và sự tiếp xúc nào gây nguy hiểm cho con người” - giáo sư Baric cho biết.

WHO đang hợp tác với các chuyên gia Trung Đông để xác định hai nạn nhân người Saudi Arabia và Qatar nhiễm bệnh như thế nào. WHO chỉ công bố thông tin khi hoàn thành điều tra. Ngược lại, AP dẫn lời chuyên gia bệnh truyền nhiễm Michael Osterholm cho rằng dơi có thể chỉ truyền virus cho loài vật khác và một chuỗi lây truyền phức tạp xảy ra, cuối cùng lây cho con người. virus sinh sản khi lây lan sang động vật và con người, qua đó trở nên độc hại hơn.

“Điều quan trọng là tìm ra nguồn gốc của virus . Điều đó sẽ giúp chúng ta tìm ra cách ngăn chặn nó - chuyên gia Osterholm giải thích - Khi đó chúng ta có thể ngăn chặn đám cháy trước khi nó bùng phát, thay vì chạy đến với xe cứu hỏa và vòi rồng”.

Sát thủ SARS

Đại dịch SARS xuất hiện ở Trung Quốc từ tháng 11/2002, chỉ trong vòng vài tuần đã lan ra tới 8.422 người ở 37 quốc gia, trong số đó có 916 người thiệt mạng (tỉ lệ chết 10,9%). Virus SARS có thể giết chết 50% bệnh nhân trên 65 tuổi. WHO cho rằng hiện virus SARS vẫn đang lẩn khuất trong môi trường.

 

Theo Tuổi trẻ

Theo Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm