Một trong những vấn đề được Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh nhấn mạnh, là việc tỷ lệ chậm, hủy chuyến đang có dấu hiệu gia tăng trở lại.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2016, các hãng hàng không Việt Nam thực hiện hơn 128 nghìn chuyến bay với hơn 20,2 nghìn chuyến bay chậm, chiếm 15,8%, tăng 0,8 điểm so với 6 tháng đầu năm 2015. Số chuyến bay huỷ là 772 chuyến, chiếm 0,6%, tăng nhẹ do với cùng kỳ.
Trong số này, Vietnam Airlines có tỷ lệ chậm chuyến thấp nhất (15,3%), kế đó là Vietjet (16,4%). Đứng đầu danh sách ở chiều ngược lại là Jetstar Pacific với 20,7%.
Jetstar Pacific
có tỷ lệ chuyến bay chậm cao nhất hiện nay. |
“Năm ngoái tỷ lệ chậm, huỷ chuyến 6 tháng đầu năm là 15% - ở mức khá của thế giới”, ông Thanh nói và cho biết thêm: Trong ngành Hàng không, tỷ lệ chậm, huỷ chuyến được cho là thấp rơi vào khoảng 8 - 10%.
Phân tích thêm về sự gia tăng không mong muốn này, ông Thanh cho biết, 6 tháng đầu năm nay, sản lượng vận chuyển của các Hãng hàng không Việt Nam đạt gần 19 triệu khách, tăng 28,9%. Trong số này, khách quốc tế là 4,89 triệu, khách nội địa tăng bất ngờ tới 14,07 triệu, tăng 33% so với 6 tháng đầu năm 2015.
“Tăng trưởng ở mức cao đến 30%, số lượng chuyến bay thực hiện tăng mạnh nên khi tỷ lệ chuyến bay chậm tăng chỉ một chút, số chuyến bay chậm, huỷ cũng rất nhiều”, ông Thanh nói.
Liên quan đến nguyên nhân gây chậm, huỷ chuyến, người đứng đầu Cục Hàng không Việt Nam cho biết, hành khách không kêu nhiều về lý do thời tiết mà chỉ bức xúc về việc dồn chuyến do thương mại, đặc biệt là với các chuyến tối muộn, gây ra một tâm lý hết sức bức xúc.
“Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu cảng vụ hàng không các khu vực tập trung kiểm tra, kiểm soát nghiêm tình trạng này”, ông Thanh cho biết thêm.
Cũng về vấn đề chậm huỷ chuyến, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) Trịnh Ngọc Thành thừa nhận, tỷ lệ chậm, huỷ chuyến của Vietnam Airlines tăng so với cùng kỳ, và cũng vượt hơn 2% so với mục tiêu đặt ra của hãng.
“Nguyên nhân xảy ra chậm, huỷ chuyến không mới, vẫn là do thời tiết, kỹ thuật, nguyên nhân do khai thác của bản thân hãng, ách tắc của cơ sở hạ tầng, tắc nghẽn không lưu… Tuy nhiên, tỷ trọng giữa các nguyên nhân lại thay đổi, ông Thành nói và cho biết thêm, tỷ lệ chuyến bay đúng giờ của Vietnam Airlines từ Trung Quốc về chỉ đạt 40%, quá thấp mà nguyên nhân chủ yếu do điều hành bay phía Trung Quốc.
Cuối cùng, ông Thành cho biết, Vietnam Airlines sẽ nỗ lực tối đa khắc phục các nguyên nhân chủ quan để đưa tỷ lệ chậm, huỷ chuyến cuối năm giảm xuống còn 12%.
Phía Vietjet, ông Nguyễn Đức Tâm, Phó tổng giám đốc cũng thừa nhận, chậm, huỷ chuyến là vấn đề nóng thời gian vừa qua. Vietjet cũng sẽ cố gắng khắc phục các nguyên nhân xuất phát từ nội tại và đặt mục tiêu tỷ lệ chuyến bay đúng giờ đạt 90%.
Chỉ đạo vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật khẳng định, việc chậm, huỷ chuyến là nguyên nhân gây bức xúc nhiều nhất cho hành khách. Trong bối cảnh hàng không tăng trưởng nóng, hạ tầng còn chưa đáp ứng được yêu cầu, bản thân các hãng hàng không phải nỗ lực trước.
“Rõ ràng cùng một điều kiện hạ tầng, vẫn có hãng tỷ lệ chậm, huỷ chuyến cao vọt như Jetstar. Điều này có nghĩa là nguyên nhân do nội tại hãng hàng không là đáng kể. Do đó, đầu tiên các hãng hàng không phải mổ xẻ nguyên nhân, nhận diện những điểm yếu của mình để tự khắc phục”, Thứ trưởng Nhật nhấn mạnh.