Cuộc đào thoát của bà Yingluck được xem là dấu chấm hết cho hành trình chính trị của gia tộc Shinawatra, song không có nghĩa những bất ổn trong xã hội Thái Lan đã được giải quyết.
Cuối cùng, bà Yingluck Shinawatra đã không xuất hiện trong phiên tòa ngày 25/8 để đối diện án tù có thể lên tới 10 năm vì chương trình trợ giá gạo gây tranh cãi. Bà đã trốn bằng đường biển qua Campuchia trước khi sang Singapore để rồi bay tới Dubai, đoàn tụ với người anh trai Thaksin, một thủ tướng bị lật đổ khác của gia tộc Shinawatra cách đây hơn 10 năm. Tòa án Tối cao Thái Lan đã phát lệnh truy nã nữ cựu thủ tướng.
Các nguồn tin thân cận giới tinh hoa tại Bangkok cho hay một số quan chức chính phủ đã "bật đèn xanh" để bà Yingluck ra đi vì bà không thể vượt qua nhiều lớp an ninh như vậy nếu không có sự "thông đồng".
Sự ra đi của bà Yingluck được xem là dấu chấm hết cho hành trình chính trị kéo dài suốt 16 năm của gia tộc quyền lực Shinawatra. Di sản của anh em Thaksin vẫn còn lưu lại rất nhiều trên đất Thái, nổi bật nhất là phong trào "Áo Đỏ", song việc tìm ra một người từ dòng họ đủ sức tiếp tục ván bài chính trị lúc này gần như là không thể.
Xuất thân từ một gia đình gốc Hoa ở Chiang Mai, miền Bắc Thái Lan, ông Thaksin là doanh nhân thành đạt trước khi gia nhập chính trường vào năm 1994 và trở thành thủ tướng Thái Lan năm 2001. Ông nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ người dân ở các vùng nông thôn nghèo phía bắc cũng như tầng lớp lao động tại thủ đô Bangkok ở miền Nam.
Họ là những người luôn cảm thấy bị bỏ rơi bởi tầng lớp tinh hoa Bangkok khi khoảng cách giàu nghèo tại Thái Lan ngày càng lớn. Trong bối cảnh đó, ông Thaksin đưa ra nhiều chính sách như bảo hiểm sức khỏe toàn diện, giải tỏa nợ, các khoản vay cho các công ty khởi nghiệp và đặc biệt là trợ giá lúa gạo cho nông dân.
Ban đầu, vị tỷ phú viễn thông cũng nhận được sự ủng hộ từ giới tinh hoa ở Bangkok, tuy nhiên sau đó ông dần trở thành cái gai trong mắt thế lực này. Cuộc đối đầu giữa một bên là gia tộc tài phiệt đại diện cho phong trào dân túy và một bên là nền tảng chính trị bảo thủ tại Bangkok với trung tâm là quân đội và hoàng gia dần hình thành và ngày càng quyết liệt.
Phe tướng lĩnh lo ngại ảnh hưởng của ông Thaksin sẽ có thể lấn át quyền lực của hoàng gia, cũng chính là quyền lực của quân đội, nhất là sau khi ông trở thành thủ tướng đầu tiên hoàn thành nhiệm kỳ 4 năm và tái đắc cử với chiến thắng áp đảo.
Trước tình thế này, tướng Prem Tinsulanonda, chủ tịch Hội đồng Cơ mật và là cố vấn thân cận nhất của cố quốc vương Bhumibol, đã gật đầu để quân đội thực hiện cuộc đảo chính lật đổ ông Thaksin vào tháng 9/2006. Sau đảo chính, Hội đồng An ninh Quốc gia do quân đội lập nên đã thiết quân luật và ngăn cản các nỗ lực về nước của ông Thaksin. Họ lo ngại lực lượng ủng hộ ông vốn rất đông có thể gây ra rắc rối.
Gần 8 năm sau, bà Yingluck cũng phải rời bỏ chiếc ghế thủ tướng trong cuộc đảo chính của quân đội. Kể cả cựu thủ tướng Somchai Wongsawat, một người thuộc giới tinh hoa và là em rể của ông Thaksin, cũng bị cách chức sau chưa đầy 3 tháng nắm quyền. Chính quyền quân sự cáo buộc gia đình Shinawatra tham nhũng, chỉ biết làm giàu cho bản thân và vây cánh, mua lá phiếu bằng những chính sách dân túy tốn kém.
Đương kim thủ tướng Thái Lan, Prayuth Chan-o-cha, người lãnh đạo cuộc đảo chính lật đổ chính phủ Yingluck năm 2014, cũng không ngại thể hiện công khai sự chống đối với gia tộc quyền lực đã thắng tất cả các cuộc bầu cử dân chủ tại Thái Lan kể từ năm 2001. Năm 2010, ông Prayuth đã ủng hộ sử dụng biện pháp cứng rắn nhằm đàn áp phe "Áo Đỏ" trung thành với nhà Shinawatra. Cuộc đàn áp của quân đội khiến hơn 90 người thiệt mạng.
Thế nhưng, dường như mọi nỗ lực của chính quyền quân sự nhằm loại bỏ ảnh hưởng của anh em Thaksin đều không mang lại hiệu quả như mong đợi. Trong những lần xét xử bà Yingluck, hàng trăm người ủng hộ luôn có mặt trước tòa án với những bông hồng đỏ dành tặng "người đàn bà đẹp" mà họ gọi bằng cái tên "Pu yêu quý" (Pu, trong tiếng Thái có nghĩa là "con cua", là tên ở nhà của bà Yingluck).
Chính quyền quân sự dễ dàng nhận ra điều này. Nếu bà Yingluck bị kết tội và đi tù, nguy cơ bạo loạn xã hội là rất rõ ràng khi nền chính trị Thái Lan đang chứng kiến sự chia rẽ sâu sắc. Và đó có thể là lý do là mà họ sắp xếp cho bà Yingluck một cuộc đào tẩu, như nhiều nguồn thạo tin cho hay.
Là con út trong gia đình Shinawatra, bà Yingluck trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan khi đảng Pheu Thai (Vì Người Thái) do bà lãnh đạo giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tháng 7/2011. Trước cuộc bầu cử, bà Yingluck chưa từng tranh cử hay giữ bất cứ vị trí nào trong chính phủ dù bà có 2 tấm bằng liên quan đến chính trị.
Những người chỉ trích nhanh chóng nhắm vào kinh nghiệm chính trường là số không tròn trĩnh của bà Yingluck. Thậm chí giới quan sát cũng cho rằng bà chỉ là con rối trong tay người anh trai đã bị lật đổ, cho rằng chính ông Thaksin là người "buông rèm nhiếp chính", điều khiển mọi thứ từ hậu trường. Do vậy, kể cả những người ủng hộ nhà Shinawatra cũng không đặt nhiều kỳ vọng vào vị nữ thủ tướng có vẻ ngoài của một minh tinh.
Bà Yingluck trong chiến dịch tranh cử thủ tướng Thái Lan năm 2011. |
Trên thực tế, bà đã không tạo được ấn tượng trong những ngày đầu giữ chức thủ tướng. Trong một cuộc gặp gỡ báo chí nước ngoài sau khi nhậm chức, bà tỏ ra "nhợt nhạt, luống cuống và mơ hồ", theo Daily Beast. Đối với các câu hỏi của phóng viên, bà chỉ biết trả lời "sẽ dành thời gian xem xét vấn đề" bằng thứ tiếng Anh không lưu loát.
Chỉ 3 tuần sau đó, bà đã phải đối mặt với thách thức đầu tiên khi Thái Lan trải qua trận lụt lịch sử và 1/5 diện tích thủ đô Bangkok chìm trong nước. Chính phủ của Yingluck bị cáo buộc thiếu sự chuẩn bị trước thiên tai.
Song nữ thủ tướng 44 tuổi đã từng bước thay đổi hình ảnh. Sau khi chỉ định những cái tên được trọng vọng cho nội các, bà thành lập một đội ngũ chuyên gia tư vấn về kinh tế. Trong thời gian nắm quyền, bà lôi kéo được những cố vấn và thân tín nhiều kinh nghiệm.
"Điểm mạnh của bà ấy là sự bình tĩnh, khiêm tốn và cách bà tiếp cận vấn đề hòa giải dân tộc", Sean Boonpracong, cựu cố vấn an ninh quốc gia của bà Yingluck, nói với Daily Beast. "Bà đã điều hành đất nước với ít sự can thiệp từ ông Thaksin hơn là mọi người nghĩ".
Một nguồn tin từ đảng Pheu Thai tiết lộ rằng ông Thaksin, người sống chủ yếu ở Dubai, đã sớm đề nghị các quan chức của đảng này tham vấn bà Yingluck về các quyết định chính sách hơn là xin ý kiến của ông. Thaksin xem người em gái là một "chỉ huy thực địa đáng tin cậy", theo vị quan chức.
Trong giai đoạn diễn ra các cuộc biểu tình dẫn đến việc bà Yingluck phải rời khỏi Tòa nhà Chính phủ hồi đầu năm 2014, những người chống đối đã gọi bà bằng những từ ngữ miệt thị nhất, bao gồm "con điếm". Khi đó, bà thỉnh thoảng xuất hiện trước công chúng với đôi mắt ngấn lệ, nhưng sau tất cả bà đã vượt qua. "Tôi thực sự ngưỡng mộ sự tỉnh táo, sự kiên định của bà ấy", ông Boonpracong nói.
Với tư cách là chủ tịch ủy ban lúa gạo, bà Yingluck đã khởi động chương trình trợ giá cho nông dân, thực hiện cam kết của bà khi tranh cử và cũng là chính mà ông Thaksin đề ra. Chính phủ tiến hành mua gạo của người dân với giá cao hơn giá thị trường sau đó sẽ tạm trữ lại trong kho. Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới khi đó, việc “găm hàng” nhằm mục đích khiến giá gạo thế giới tăng mạnh vì nguồn cung giảm đi.
Đây là chính sách quan trọng nhằm tranh thủ sự ủng hộ của tầng lớp nông dân Thái Lan đối với bà Yingluck cũng như đảng Pheu Thái. Thế nhưng, chương trình này đã khiến chính phủ Thái Lan phải chi tới 10 tỷ USD/năm trong khi việc xuất khẩu gạo bị đình trệ ảnh hưởng lớn tới cân bằng ngân sách quốc gia. Chính phủ của bà Yingluck bị cáo buộc tham nhũng.
Bà Yingluck trong một sự kiện bán gạo năm 2016 sau khi bị phế truất. |
Tuy nhiên, theo BBC, chính một dự luật về ân xá chính trị mới là điều khiến bà Yingluck "sa cơ" khi phe đối lập cho rằng dự luật này nếu được thông qua sẽ cho phép ông Thaksin quay về Thái Lan mà không phải ngồi tù. Anh trai bà Yingluck bị xét xử vắng mặt và kết án 2 năm tù vào năm 2008.
Năm 2013, chính phủ Yingluck đã đệ trình dự luật qua đó ân xá những người bị kết tội khuấy động bạo loạn chính trị sau cuộc đảo chính lật đổ ông Thaksin. Số này bao gồm những người được cho là đứng sau các cuộc biểu tình làm tê liệt Bangkok vào năm 2010.
Kể cả những người vốn ủng hộ bà Yingluck cũng không tán thành dự luật vì cho rằng nó sẽ giúp những người gây ra cái chết của hàng chục dân thường biểu tình được tha bổng. Các cuộc tuần hành phản đối bà Yingluck nổ ra khiến nữ thủ tướng quyết định không trình dự luật lên Thượng viện dù Hạ viện đã thông qua.
Trước sức ép từ chức từ những người biểu tình, bà Yingluck kêu gọi tổng tuyển cử bất thường nhưng bị phe đối lập tẩy chay vì đảng cầm quyền của nữ thủ tướng được dự đoán chắc chắn giành chiến thắng. Trong bối cảnh đó, quân đội tiến hành cuộc đảo chính lần thứ 12 trong lịch sử nền quân chủ lập hiến Thái Lan hình thành từ năm 1932.
Tháng 1/2015, chính quyền quân sự Thái Lan ra lệnh cấm bà Yingluck tham gia các hoạt động chính trị trong 5 năm đồng thời truy tố cựu nữ thủ tướng các tội danh hình sự liên quan đến chương trình trợ giá gạo được cho là đã gây thất thoát ngân sách 600 tỷ baht (khoảng 20 tỷ USD). Bà Yingluck trở thành thủ tướng đầu tiên của Thái Lan bị luận tội.
Các nhà phân tích cho rằng lệnh cấm bà Yingluck tham gia chính trị của chính quyền quân sự không nhằm mục đích nào khác ngoài việc ngăn cản bà cũng như ông Thaksin quay trở lại các cuộc bầu cử dân chủ. Những người ủng hộ nhà Shinawatra cáo buộc quân đội sử dụng cách này để để củng cố vị thế của các tướng lĩnh trong chính trường Thái Lan.
Trong một cuộc phỏng vấn với Bangkok Post, nữ cựu thủ tướng đã mạnh mẽ tố cáo chính quyền quân sự. Bà mô tả việc bị phế truất giống như "đột nhiên có ai đó chĩa súng vào đầu tôi và bắt tôi ra khỏi xe trong khi tôi đang lái chiếc xe này chở mọi người tiến về phía trước".
Suốt hơn 2 năm qua, bà Yingluck bị quản thúc tại gia và đến tòa án để điều trần khi có lệnh triệu tập. Bà tuyên bố mình không làm gì sai trái và chương trình trợ giá gạo đã giúp thúc đẩy nền kinh tế và mang đến cho người dân cơ hội có cuộc sống tốt hơn.
"Tôi là nạn nhân của ván cờ chính trị nham hiểm... Tôi không dính líu đến bất kỳ hoạt động tham nhũng nào và cũng không đồng tình với hành vi tham nhũng. Tôi không làm gì sai trái", AFP dẫn lời bà Yingluck khi bà đọc lời bào chữa dài 17 trang hôm 1/8.
Sinh năm 1967, là con út trong gia đình tài phiệt, bà Yingluck là người làm kinh doanh trước khi bước vào chính trường. Bà là giám đốc điều hành của Advanced Info Service, công ty dịch vụ viễn thông hàng đầu Thái Lan do anh trai bà sáng lập, đồng thời điều hành SC Asset, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản của gia đình Shinawatra.
Những người ủng hộ bà Yingluck đã luôn xuất hiện cùng những đóa hồng đỏ mỗi lần bà đến Tòa án Tối cao. "Người đàn bà đẹp" đôi lần rơi nước mắt mà có lẽ chỉ có bà mới hiểu rõ là vì "gạo đắng" hay vì "tình thâm".
Dù thế nào, sự ra đi của bà Yingluck có thể xem là một chiến thắng của phe quân đội trong cuộc đối đầu 16 năm kể từ khi ông Thaksin lần đầu đắc cử. Chưa đầy một ngày sau khi thông tin gây sốc lan truyền, Bangkok Post đăng bài viết với tiêu đề "Sự kết thúc của thời kỳ Shinawatra".
Tờ báo dẫn lời các nhà phân tích nói bà Yingluck có thể phải sống cả quãng đời còn lại trong cảnh lưu vong trừ khi có lệnh ân xá từ hoàng gia. Sở dĩ như vậy là vì hiến pháp mới của Thái Lan, được thông qua hôm 6/4, không đặt ra bất cứ giới hạn nào trong việc xét xử nữ cựu thủ tướng.
"Sự ra đi của bà ấy đã được xem là dấu hiệu cho thấy hành trình chính trị của gia tộc Shinawatra đã đi đến hồi kết", bài viết nhận định.
Nhiều người ủng hộ anh em Thaksin đã bày tỏ tự thất vọng trước tin bà Yingluck bỏ trốn. Họ nói họ cảm thấy như "bị lừa" vì từng tin rằng bà Yingluck sẽ "đấu tranh đến cùng".
Trong khi đó, AFP nói diễn biến trên là một "chiến thắng rõ ràng" của chính quyền quân sự Thái Lan vì bà Yingluck "sẽ tạo ra ít nguy cơ hơn nhiều" nếu sống lưu vong.
AFP cho hay ông Thaksin "từ lâu đã chuẩn bị kế hoạch đào thoát cho em gái" và ông "sẽ không để em gái mình phải ngồi tù dù chỉ một ngày". Theo các nguồn tin, bà Yingluck có thể sẽ không sống tại Dubai như nhiều người nói mà sẽ xin tị nạn chính trị tại London.
Tuy nhiên, "chiến thắng" này không có nghĩa là bất ổn chính trị tại Thái Lan đã được giải quyết. "Những ai chống đối chính sách của ông Thaksin sẽ hài lòng khi thấy bà Yingluck ra đi lúc này", Thitinan Pongsudhirak, giám đốc Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc tế thuộc Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, cho biết.
Tuy nhiên, sự chia rẽ trong lòng xã hội Thái Lan vẫn hiện hữu và cách giải quyết phụ thuộc vào việc chính quyền quân sự cũng như phe cánh của họ "liệu có rút ra bài học đúng đắn rằng di sản của ông Thaksin về việc thức tỉnh những thành phần bị bỏ rơi trong xã hội Thái phải được kết hợp và tiếp thu".
Hiện tại, quyền lực của chính quyền quân sự khó có thể bị thách thức và phe đối lập không có nhiều sự lựa chọn. Tuy nhiên, nếu chính quyền vẫn không thể xoa dịu những thành phần chống đối, "người thắng cuộc hôm nay vẫn có thể thua cuộc về lâu dài khi nỗi bất bình tích tụ và bùng lên thành ngọn lửa trên đường phố", theo chuyên gia Thitinan.