Nhân vật Tamar (giữa) trong phim chuyển thể. Ảnh: IUBornsJSP. |
Tiểu thuyết Ai đó chạy cùng ta của David Grossman khám phá chuyện tình đầu chớm nở nơi đường phố Jerusalem. Assaf và Tamar là hai thiếu niên lạc lối giữa một xã hội nhiều cạm bẫy, đồng hành trong một chuyến phiêu lưu mang màu sắc trinh thám và khám phá cuộc đời, học những bài học khiến họ nhận ra thứ có thể nâng đỡ họ chính là tình yêu.
Tại buổi giao lưu giới thiệu cuốn sách chiều 23/11, nhà văn Hiền Trang, biên tập viên Trần Linh và biên tập viên Đức Anh đã phân tích câu chuyện trưởng thành của những thiếu niên "tuột xích" này, cho thấy điểm hấp dẫn khiến cuốn sách trở thành sách bán chạy tại Israel trong nhiều năm.
Trưởng thành ở Jerusalem
Hành trình trưởng thành của Assaf và Tamar là một câu chuyện kỳ lạ của những con người bình dị. Điều này gợi được sự đồng cảm lớn từ phía độc giả. Ở đó, có một Assaf hiền lành, nhút nhát và một Tamar quyết liệt, liều lĩnh. Họ tìm thấy nhau và nhận ra họ nảy sinh tình cảm cho nhau. Gạt bỏ những mơ mộng viển vông, họ chấp nhận những khác biệt và đặt niềm tin vào thứ tình cảm ngây thơ kết nối họ.
Chia sẻ về trải nghiệm đọc Ai đó chạy cùng ta, biên tập viên Đức Anh nói: "Cuốn sách làm tôi nhận ra rằng khi còn trẻ, ta thường muốn tìm những người giống mình, cùng suy nghĩ, cùng sở thích, cùng thói quen hoặc là cùng đam mê, trong khi thực tế, ta chỉ cần một người để chia sẻ và có thể chịu đựng được mình". Biên tập viên Đức Anh cho rằng đây là một điều mà nhân vật Tamar đã thấm thía trong hành trình trưởng thành.
Từ trái qua phải: Nhà văn Hiền Trang, BTV Trần Linh, BTV Đức Anh. Ảnh: NN. |
Nhà văn Hiền Trang ngợi khen cách tác giả khắc họa nội tâm nhân vật, tạo điều kiện cho độc giả đắm chìm trong câu chuyện, theo chân nhân vật khám phá thế giới. Ở những nhân vật này, ta bắt gặp sự nổi loạn, bồng bột, nỗi chán chường quen thuộc mà hẳn là thiếu niên nào cũng từng trải qua.
Trên hành trình trưởng thành ấy, không chỉ học cách chấp nhận tình yêu, Assaf và Tamar còn phải học cách để buông bỏ. Có những khi là từ bỏ một tình bạn, khi là từ bỏ một ngã tuổi thơ, từ bỏ một kỳ vọng viển vông. Đó không phải là một hành trình dễ dàng, nhưng khi học được cách từ bỏ, ta sẽ sẵn sàng tiến bước trên một con đường mới.
"Bởi vì tớ phải học cách từ bỏ, cậu có hiểu không? Tớ phải từ bỏ sự tự vấn, toàn bộ sự phê bình tào lao ấy. Tớ vẫn không thật sự biết được phải làm như nào và cứ mỗi lần tớ dừng lại suy nghĩ về nốt nhạc vừa hát, thế là tiêu; có nghĩa là, tớ co rúm người lại, đờ đẫn và tớ mất hết tinh thần", trích lời nhân vật Tamar.
Nhận xét về tác phẩm, tờ New York Times đã viết: "Nồng nhiệt và chân thành... một câu chuyện vừa phổ quát vừa riêng biệt, một ngụ ngôn tình yêu lãng mạn của một Israel đương đại".
Một hình ảnh Israel khác
Từng được giới thiệu với độc giả Việt Nam qua tác phẩm Con ngựa bước vào quán bar, David Grossman tái xuất bạn đọc với một tác phẩm lãng mạn và mơ mộng, một bước ngoặt khác hoàn toàn tác phẩm trước. Ai đó chạy cùng ta thực chất là cuốn tiểu thuyết được viết từ năm 2000, theo nhà văn Hiền Trang, đây là khoảng thời gian ông vẫn còn sống nặng lý tưởng.
Năm 2006, cái chết của con trai Grossman đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời ông. Và mặc dù luôn khẳng định nỗi đau mất mát không làm thay đổi lập trường, các tác phẩm Grossman viết sau cái chết của con trai cho thấy một sự thay đổi trong cách nhìn, và mang nặng một nỗi khắc khoải, cay đắng hơn. Vì lẽ này, việc Ai đó chạy cùng ta mang lại sắc thái khác so với Con ngựa bước vào quán bar là một chuyện dễ hiểu.
Tiểu thuyết Ai đó chạy cùng ta của David Grossman. Ảnh: NN. |
Nhưng điều đó không có nghĩa là Ai đó chạy cùng ta chỉ có lý tưởng thuần khiết mà không phản ánh thực tế. Tác phẩm cho thấy một bộ mặt Israel khác với những khuôn mẫu xã hội vẫn luôn có về quốc gia này.
Israel trong Ai đó chạy cùng ta không phải một Israel chìm đắm trong xung đột, trong căng thẳng chính trị, xã hội. David Grossman cho độc giả thấy đất nước của ông cũng như bao đất nước khác, có một cuộc sống bình thường, những vấn đề bình thường và muôn vàn muôn vẻ kiểu người chứ không chỉ toàn những người Do Thái thông minh, tinh nhuệ.
Theo biên tập viên Trần Linh, Grossman mang đến một hình ảnh Israel rất khác so với những gì ta vẫn tưởng tưởng và nghe về đất nước này. Không nhiều tác phẩm cho thấy mặt này của Israel, một mặt thật hơn và sống động hơn.
Và dù vậy, Israel trong Ai đó chạy cùng ta không hoàn hảo, bên cạnh những khía cạnh lãng mạn và lý tưởng, con người trong tác phẩm hiện lên với nhiều sắc thái, có những người ích kỷ, những người sa ngã, những đứa trẻ ngây thơ đang lần tìm lối đi.
Ai đó chạy cùng ta là tác phẩm của một David Grossman rất khác, nhưng không kém phần sắc sảo. Cuốn sách này sẽ dễ tiếp cận với độc giả đại chúng hơn, là một tác phẩm "dễ đọc và đáng đọc".