Vận động viên Phạm Phước Hưng là một trong rất nhiều vận động viên xuất sắc được đào tạo tại trường. |
"Dấn thân vào thể thao là dấn thân vào một lĩnh vực không ít vất vả, nhưng vì đam mê nên chúng tôi quyết tâm khổ luyện. Sống xa gia đình, chúng tôi phải rèn luyện cho mình cách sống tự lập, bản lĩnh trước mọi cám dỗ của cuộc sống. Quên sao được những giờ lên lớp học, cả lớp như một gia đình lớn luôn được các thầy cô chăm sóc tận tình…".
Đó là tâm sự của Nguyễn Phúc Anh - Bí thư Đoàn Thanh niên Sở VH&TT Hà Nội, cựu học sinh lớp 12D khóa 1996-1999 Trường Phổ thông Năng khiếu TDTT Hà Nội (tiền thân là Trường Văn hóa - Thể thao Hà Nội) - tại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập trường (1966-2016), diễn ra sáng 25-3. "Tôi vốn là VĐV điền kinh, phải dành tối đa thời gian ban ngày để tập chuyên môn, việc học văn hóa chủ yếu diễn ra vào buổi tối. Ngày ấy, cơ sở vật chất của trường còn lạc hậu lắm, phòng học xen lẫn phòng tập luyện, nhưng thầy cô luôn lạc quan, thương yêu học sinh, rạng ngời niềm tự hào và hy vọng khi các trò đạt thành tích cao trong thi đấu" - Nguyễn Phúc Anh chia sẻ.
Trưởng thành từ bộ môn Điền kinh, được phong kiện tướng quốc gia rồi làm HLV, hiện nay, Nguyễn Phúc Anh là Phó Trưởng phòng TDTT quần chúng Hà Nội. Trước Phúc Anh, biết bao thế hệ VĐV tiêu biểu đã được đào tạo văn hóa ở ngôi trường này, trở thành các VĐV, HLV và cả những nhà quản lý thể thao chủ chốt trong ngành, như Bùi Kim Phượng - Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội; Nguyễn Kim Xuân - Phó Hiệu trưởng ĐH TDTT Bắc Ninh; Nguyễn Kim Lan - Phó Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, Trưởng bộ môn Thể dục; Nguyễn Thị Nhung - Trưởng bộ môn Bắn súng, Bắn cung; Dương Đức Thủy - Trưởng bộ môn Điền kinh thuộc Tổng cục TDTT…
Trong hàng chục nghìn học sinh - VĐV bao thế hệ của nhà trường, có rất nhiều gương mặt tiêu biểu. Như Nguyễn Thúy Hiền - "cô gái vàng" của Thể thao Việt Nam (TTVN) từng giành được 7 HCV thế giới, 2 HCV Châu Á, 2 HCV Đông Nam Á, là VĐV wushu giành nhiều HCV nhất tại các kỳ SEA Games với 8 lần bước lên bục cao nhất. Đó là Nguyễn Thị Thanh Huyền - "nữ hoàng xe đạp Đông Nam Á" với 4 lần vô địch SEA Games vào các năm 1999, 2001, 2003, 2007. Đó là Phạm Phước Hưng - chàng "hot boy" của Thể dục dụng cụ Việt Nam, người sở hữu bảng vàng thành tích dày dặn ở cả tầm thế giới, châu lục và Đông Nam Á… Đó còn là những tên tuổi nhiều năm được vinh danh trên bảng vàng của TTVN, như Vũ Bích Hường, Nguyễn Thị Tĩnh (Điền kinh); Đỗ Thị Ngân Thương (Thể dục dụng cụ)…
Trường Văn hóa - Thể thao Hà Nội chính thức được thành lập năm 1966, nay là Trường Phổ thông Năng khiếu TDTT Hà Nội, có nhiệm vụ giảng dạy văn hóa cho các em học sinh - VĐV có năng khiếu TDTT (cả bậc tiểu học, THCS, THPT). Là lực lượng nòng cốt tham gia các giải đấu của Thủ đô và cả nước, học sinh thường xuyên phải đi tập huấn, thi đấu dài ngày nên các thầy cô giáo phải bố trí thời gian giảng dạy văn hóa linh hoạt nhằm hỗ trợ tài năng thể thao theo đúng tính chất của một trường chuyên biệt. Phần lớn thầy cô chủ nhiệm phải duy trì mối liên lạc với gia đình học sinh thông qua các trưởng bộ môn và HLV vì đa số gia đình các em ở xa trường từ vài chục tới vài trăm cây số. Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn trường Nguyễn Thị Ngọc nói: "Do lịch học văn hóa mỗi tuần có từ 2-3 buổi học tối, nhà lại ở xa trường nên một số giáo viên nhiều khi trở về nhà lúc… gần nửa đêm. Nhưng chúng tôi luôn cảm thông sâu sắc với các học sinh - VĐV, tự nhủ phải vượt lên chính mình, khắc phục mọi khó khăn, đồng hành cùng các em trên chặng đường đầy cam go và thách thức".
Năm học 2015-2016, trường có 42 lớp với 1.556 học sinh - VĐV từ cấp tiểu học đến cấp THPT. Được đặt tại Trung tâm Đào tạo VĐV cấp cao Mỹ Đình - Hà Nội với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, trường đã và đang tiếp tục là mắt xích vô cùng quan trọng, bảo đảm quy trình đào tạo đồng bộ, khép kín từ tập luyện - ăn - ở - sinh hoạt - học tập văn hóa cho các VĐV Thủ đô theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại - đúng như định hướng mà Thành ủy và UBND TP Hà Nội đề ra.