Dù thiếu giáo viên, nhân viên, các cơ sở giáo dục mầm non cho biết vẫn đảm bảo điều kiện chăm sóc trẻ trong thời gian đầu mở cửa. Bởi trong thời gian này, số lượng trẻ đi học lại chưa nhiều. Các cơ sở có thời gian để tuyển bổ sung đội ngũ giáo viên.
Các trường mầm non vệ sinh đồ chơi cho trẻ. Ảnh minh họa: Việt Hùng. |
Gấp rút tuyển dụng từ trước Tết
Bà Lâm Bội Linh, đại diện hệ thống trường mầm non Kid's Club, cho biết việc vệ sinh, khử khuẩn trường đã được nhân viên thực hiện trước Tết. Trong tuần này, các giáo viên, nhân viên của trường đã đi làm lại để trang trí lớp học, chỉnh trang lại khuôn viên của các cơ sở và rà soát, bổ sung những vật dụng, đồ chơi, công trình ngoài trời bị hư hỏng.
Với quy mô 10 cơ sở, gần 1.000 trẻ, hệ thống này đang thiếu khoảng 20-30% giáo viên, bảo mẫu, tạp vụ, nhân viên cấp dưỡng, tức khoảng 300 người. Trong đó, bà Linh cho biết vị trí "nóng" nhất là nhân viên cấp dưỡng, tạp vụ, bảo vệ. Ở bộ phận này, trường gần như phải tuyển mới hoàn toàn.
"Sau gần 10 tháng không có việc làm, giáo viên mầm non cũng chán nản, có người chuyển nghề hoặc chuyển hẳn về quê nhưng cũng chỉ là số lượng nhỏ. Khi trường mở cửa trở lại, đa số các cô đều quay lại với nghề. Nhưng nhân viên tạp vụ, cấp dưỡng, bảo vệ lại khác. Công việc của họ không nhất thiết phải gắn liền với trường mầm non. Sau thời gian dài nghỉ việc, đa số nhân viên các bộ phận này của trường đã đi nơi khác làm", bà Linh giải thích.
Khảo sát của nhà trường, ở thời điểm giữa tháng 2, trung bình ở các cơ sở chỉ khoảng 60-70% phụ huynh đồng ý cho trẻ đến trường. Nếu thời gian đến trường là đầu tháng 3, khoảng hơn 80% phụ huynh đồng ý. Với số lượng trẻ ban đầu như vậy, đội ngũ giáo viên, nhân viên hiện nay của trường vẫn đáp ứng đủ yêu cầu trong tháng 2.
Tuy nhiên, để đủ giáo viên, nhân viên cho khoảng thời gian từ tháng 3 trở đi, nhà trường đã gấp rút đăng tin tuyển dụng từ trước Tết - ngay khi có quyết định mở cửa trường mầm non của TP.HCM.
"Trường phải gấp rút tuyển giáo viên, nhân viên để chăm sóc chu đáo và theo dõi sát những biểu hiện của trẻ trong thời gian đầu đến trường trở lại. Bởi sau 10 tháng ở nhà, khi đi học lại, chắc chắn tâm lý trẻ sẽ có nhiều chuyển biến, dù trẻ đã quen với việc đi học trước đó", đại diện Kid's Club cho hay.
Trong những ngày tới, trường sẽ tổ chức tập huấn cho toàn bộ giáo viên, nhân viên về công tác phòng, chống dịch. Sau đó, giáo viên sẽ tổ chức họp phụ huynh từng lớp để thông báo kế hoạch đưa đón trẻ, các nội dung cần phụ huynh phối hợp với nhà trường. Để phụ huynh yên tâm cho trẻ đến lớp, trường tổ chức một buổi trao đổi trực tiếp với bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 1 bằng hình thức online.
Thuê giáo viên hợp đồng để bổ sung sớm
Ông Lê Cường, chủ một nhóm lớp mầm non ở thành phố Thủ Đức, trường tập trung nhân viên để vệ sinh toàn bộ, thực hiện các kế hoạch phòng dịch, an toàn thực phẩm. Trường kết hợp y tế phường để phun khử khuẩn, tập huấn giáo viên.
Nhóm trẻ của ông được cho phép nhận tối đa 70 trẻ (từ 3 đến dưới 5 tuổi), được phân thành 4 lớp. Kết quả trưng cầu ý kiến phụ huynh, chỉ 15 bé được đồng ý cho đi học lại. Số còn lại còn phân vân, gia đình chuyển về quê, phụ huynh có kế hoạch khác.
Số lượng giáo viên của trường cũng "rơi rụng" mất một nửa, chỉ còn lại bộ phận văn phòng, kế toán là đầy đủ. Sau dịch, các cô chuyển nghề khác khá nhiều vì thấy không có tương lai với nghề. Nhưng trước mắt, nhóm trẻ của ông vẫn đảm bảo mỗi lớp có một giáo viên, một bảo mẫu.
"Trường đã đăng tuyển dụng từ trước Tết, đang phỏng vấn các ứng viên. Khi trẻ đến trường đầy đủ, đội ngũ giáo viên sẽ được bổ sung kịp thời", ông Cường nói.
Tình trạng thiếu giáo viên cũng diễn ra ở các trường công. Cô Ngô Thị Chí Hiếu, Hiệu trưởng trường Mầm non 2/9 (huyện Hóc Môn), cho hay trường thiếu khoảng 6 giáo viên, chưa kể bộ phận nhân viên cấp dưỡng, nấu ăn. Riêng số lượng giáo viên thiếu, trường đã gửi yêu cầu lên phòng giáo dục để tuyển bổ sung.
"Thời gian đầu, trường chưa nhận giữ trẻ dưới 20 tháng tuổi. Số lượng trẻ đến trường cũng chưa đầy đủ nên với số lượng giáo viên hiện nay, trường vẫn hoạt động tốt, đảm bảo một lớp khoảng 20-25 trẻ có 2 cô giáo. Riêng nhân viên cấp dưỡng, trường phải tìm, hợp đồng thuê lại toàn bộ", cô Hiếu thông tin.
Cô Ngô Thị Chí Hiếu cho biết từ ngày 7/2, giáo viên, nhân viên đã vào trường tổng vệ sinh, trang trí lại lớp học, trồng cây, làm khu vui chơi cho trẻ. Việc tập huấn giáo viên đã thực hiện từ trước Tết. Trong tuần này, nhà trường thông báo các khoản thu ban đầu với phụ huynh, thường xuyên họp chuyên môn để chuẩn bị nội dung giáo dục trẻ trong thời gian đầu tới lớp.
Trường có 17 lớp mẫu giáo (3-6 tuổi) và 3 nhóm trẻ (15-36 tháng tuổi) với hơn 500 trẻ. Hiện, khoảng 470 phụ huynh đồng ý cho trẻ đến trường.
"Thực tế, nhiều phụ huynh chưa cho trẻ đi học ngay những ngày đầu mà dành thời gian quan sát tình hình, sau vài ngày mới đưa con đến lớp. Do đó, trường sẽ xem xét tình hình trong 2 tuần đầu. Nếu trẻ trở lại đầy đủ mà giáo viên chưa tuyển kịp, trường phải hợp đồng tạm thời để có đủ giáo viên chăm sóc trẻ", cô Hiếu chia sẻ.
Bếp ăn, căng tin được lau dọn để đảm bảo vệ sinh. Ảnh: KC. |
Thiếu giáo viên nhưng không ảnh hưởng việc đón trẻ
Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phó trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Bình, cho hay đến nay 100% trường, nhóm lớp mầm non trên địa bàn quận đảm bảo các điều kiện an toàn để đón trẻ trở lại.
Kết quả khảo sát đến ngày 8/2, các trường mầm non, cả công lập và ngoài công lập, đều đảm bảo trẻ đến trường được chăm sóc đầy đủ. Quận chưa ghi nhận thiếu giáo viên, nhân viên.
Bà Xuân giải thích thời gian đầu, các trường, nhóm trẻ chỉ đón trẻ 3-6 tuổi, tương đương với khoảng 60% số lượng trẻ ở bậc mầm non được đi học. Do đó, các trường vẫn đảm bảo đủ số lượng giáo viên, nhân viên để phục vụ. Sau 2 tuần đầu, phòng giáo dục sẽ tiếp tục khảo sát số lượng trẻ đến trường và đội ngũ giáo viên của các trường để có phương án tuyển bổ sung nếu thiếu.
Phó trưởng phòng giáo dục quận Tân Bình thông tin trên địa bàn có 3 nhà trẻ đang có ý định giải thể. Phòng GD&ĐT đã đến kiểm tra và yêu cầu trường thông báo trước cho phụ huynh nếu không thể nhận trẻ. Ngoài ra, các cơ sở này phải lập danh sách thông tin của từng trẻ để địa phương điều tiết, sắp xếp những cơ sở khác tiếp nhận.
"Chúng tôi đã có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với những đơn vị chưa thể nhận trẻ ngày 14/2 hoặc đang trong quá trình giải thể. Trẻ em của những cơ sở này được tạo điều kiện để đăng ký vào những cơ sở lân cận, thuận tiện", bà Xuân nói.
Ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng GD&ĐT quận 8, cho biết việc thiếu giáo viên, nhân viên ở các trường mầm non là có nhưng không đến mức cấp bách. Ở khối công lập, đội ngũ giáo viên, nhân viên được hỗ trợ nên gần như không "rơi rụng" sau dịch như khối ngoài công lập. Dù vậy, các trường ngoài công lập vẫn cân đối đủ người chăm sóc trẻ trong thời gian tới do số trẻ đến trường chưa đầy đủ.
Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết một số trường mầm non, nhóm trẻ ngoài công lập có tình trạng thiếu giáo viên cục bộ do các cô chuyển nghề hoặc chưa trở lại thành phố. Nhưng các cơ sở giáo dục mầm non vẫn đảm bảo lực lượng chăm sóc trẻ theo quy định. Hiện tất cả cơ sở giáo dục mầm non công lập đảm bảo 100% trẻ đến trường được chăm lo.