Tuần này, các khách hàng cũ của sàn giao dịch Mt. Gox, vốn đã đóng cửa 10 năm, bắt đầu nhận được một phần Bitcoin đã mất của họ. Đây là phần kết của vụ hack lịch sử, nhắm vào sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thời điểm đó.
Mt. Gox từng là sàn giao dịch Bitcoin lớn nhất thế giới, được thành lập vào năm 2010. Vào thời kỳ đỉnh cao, sàn này xử lý hơn 70% tổng số giao dịch Bitcoin toàn cầu.
Vụ hack lịch sử
Vào cuối tháng 2/2014, Daniel đang ngồi trước máy tính giao dịch Bitcoin trên Mt. Gox có trụ sở tại Tokyo. Bỗng nhiên, trang web chuyển sang màu trắng và không phản hồi.
Trong cơn hoảng loạn, Daniel tìm kiếm câu trả lời trên diễn đàn Bitcoin Talk, nơi các đồn đoán đã bắt đầu: Mt. Gox đang gặp rắc rối. Daniel khi đó là một sinh viên sống ở châu Âu. Sau khi kiếm được một chút tiền từ việc giao dịch bitcoin trên Mt. Gox, anh đã gửi gần như toàn bộ tài sản của mình vào sàn giao dịch này.
Khi Mt. Gox ngừng hoạt động, Daniel rơi vào "trạng thái khủng hoảng hoàn toàn". Anh cần số tiền đó để trang trải cho phần còn lại của thời gian học tập.
Mark Karpeles, CEO Mt. Gox là người giúp sàn giao dịch này vươn lên vị trí số một vào năm 2013. Ảnh: Bloomberg. |
Vào ngày 28/2/2014, Mt. Gox nộp đơn xin phá sản. Khoảng 850.000 Bitcoin, giá trị hơn 400 triệu USD vào thời điểm đó, nhưng nay khoảng 45 tỷ USD, đã bị đánh cắp trong một vụ trộm tinh vi, công ty cho biết. Họ gần như không còn tiền để xử lý các yêu cầu rút tiền.
"Vài tuần đầu tiên là tồi tệ nhất," Daniel nói. Anh rơi vào trạng thái trầm cảm trong thời gian này và bắt đầu uống rượu. Mặc dù sau đó vay được một khoản để học nốt đại học, Daniel đã phải dùng nhiều biện pháp gian lận thẻ tín dụng trong một thời gian, và còn suýt bị bắt. Cuối cùng, Daniel tìm kiếm một công việc ổn định.
Sau gần 10 năm kiện tụng, khách hàng của Mt. Gox sắp được nhận về một phần lượng Bitcoin đã mất của họ. Hôm 24/6, người được ủy thác chịu trách nhiệm quản lý tài sản, luật sư phá sản kỳ cựu Nobuaki Kobayashi, thông báo rằng việc hoàn trả tiền điện tử sẽ bắt đầu được thực hiện từ tháng 7 trở đi. Tiền bắt đầu được chuyển vào tài khoản hôm 5/7.
"Có lời" sau 10 năm
Điều éo le là những nạn nhân của vụ hack Mt. Gox có thể được lời về số tiền pháp định nếu nhận được bồi thường. Mỗi khách hàng sẽ chỉ được đền khoảng 15% số Bitcoin họ từng để trên sàn giao dịch.
Tuy nhiên, giá trị tăng gấp trăm lần trong hơn 10 năm qua đồng nghĩa với việc giá trị tính theo USD của số Bitcoin này sẽ vượt xa giá trị ban đầu của họ. Tổng cộng, khoảng 9 tỷ USD giá trị Bitcoin sẽ được hoàn trả.
"Tôi đã chứng kiến vũ trụ tiền điện tử trỗi dậy, chết đi và lại trỗi dậy. Tôi đang theo dõi biểu đồ Bitcoin hàng ngày", Daniel nói.
Jed McCaleb sáng lập Mt. Gox năm 2010. McCaleb bán sàn giao dịch này vào năm 2011 cho Mark Karpeles, một nhà phát triển người Pháp trẻ tuổi, và chỉ sau 2 năm Mt.Gox nhanh chóng vươn lên thành sàn giao dịch lớn nhất thế giới. Vào năm 2013, khoảng 75% giao dịch Bitcoin toàn cầu chảy qua Mt. Gox.
Nhưng đến cuối năm 2013, những dấu hiệu bất ổn bắt đầu lộ ra. Tin đồn về các vấn đề ở hậu trường của Mt. Gox lan rộng, theo Eline Ronner, một nhà báo Hà Lan đã theo dõi vụ việc và cũng có tiền bị mắc kẹt trong sàn giao dịch này.
"Tôi đã biết có điều gì đó không ổn. Có nhiều đồn đoán về các vấn đề phần mềm. Việc xử lý giao dịch rất chậm và tôi không thể rút tiền ra được", Ronner cho biết.
Những khách hàng cầm biển đòi tiền Mt. Gox trước cửa trụ sở công ty này ở Tokyo năm 2014. Ảnh: The Verge. |
Vào ngày 7/2/2014, sàn giao dịch tuyên bố tạm ngưng rút Bitcoin để bảo trì nhằm giải quyết các vấn đề rút tiền. Sau đó 2 tuần, nhiều người bắt đầu tụ tập ở trụ sở Mt. Gox tại Tokyo với những tấm bảng: "Mt. Gox, tiền của chúng tôi đâu".
"Nhiều người trong chúng tôi cũng có cùng câu hỏi. Cho đến nay, vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng", Ronner cho biết.
Trong một cuộc họp báo tại Tokyo, Karpeles thông báo công ty đã phá sản.
"Chúng tôi có những điểm yếu trong hệ thống, và Bitcoin của chúng tôi đã biến mất", ông cho biết.
Trong 3 năm sau khi sụp đổ, Mt. Gox theo đuổi một quy trình phá sản truyền thống, theo đó yêu cầu bồi thường của khách hàng được định giá bằng yên Nhật dựa trên giá Bitcoin năm 2014. Để cho phép khách hàng được hưởng lợi từ việc tăng giá Bitcoin, vụ phá sản đã được chuyển đổi vào năm 2018 thành một quy trình phục hồi dân sự, một khuôn khổ theo luật Nhật Bản cho phép linh hoạt hơn, nhưng yêu cầu phải nộp lại đơn yêu cầu bồi thường.
Thời hạn nộp đơn được gia hạn nhiều lần, trước khi người được ủy thác có thể bắt đầu quá trình phân loại các yêu cầu hợp lệ và không hợp lệ, một quá trình tốn nhiều công sức và thời gian.
Mark Karpeles cúi đầu xin lỗi trong buổi họp báo công bố Mt. Gox phá sản. Ảnh: Reuters. |
Nhiều khách hàng cho biết các bản cập nhật tiến độ vụ việc được gửi đến không thường xuyên và bằng thứ tiếng Anh khó hiểu, càng khiến việc nắm bắt tình hình trở nên khó khăn. Trong khi đó, khách hàng của Mt. Gox cho biết họ liên tục trở thành mục tiêu của những kẻ lừa đảo và tin tặc giả danh đại diện cho công ty.
Hi vọng le lói khi Mt. Gox thu hồi được 200.000 Bitcoin từ một ví "bị quên lãng". Trước đây sàn giao dịch này cho rằng ví đó trống rỗng, nhưng thực tế nó đã không bị tin tặc rút cạn.
Tuy nhiên, việc hoàn trả tiếp tục bị trì hoãn do một cuộc tranh chấp pháp lý với CoinLab, một công ty đã kiện Mt. Gox trước khi phá sản để đòi bồi thường tài chính vì cáo buộc vi phạm hợp đồng.
Hai bên đạt được thỏa thuận vào năm 2021, cho phép khách hàng lựa chọn thanh toán sớm trong khi các vấn đề pháp lý vẫn còn đang tiếp diễn, một phần bằng tiền mặt và một phần bằng tiền điện tử, ngay cả khi làm vậy đồng nghĩa với việc từ bỏ các khoản lợi nhuận tiềm năng trong tương lai.
Nhận thanh toán sớm là "một quyết định dễ dàng", Michael, một khách hàng tại Mỹ cho biết. "Tôi sẽ không sống mãi. Tôi thà nhận được một số tiền khi còn sống", anh nói thêm.
Kế hoạch cuối cùng được tòa án Tokyo phê duyệt vào tháng 6/2023. Sau vài lần trì hoãn tiếp theo, 31/10/2024 được chọn là thời điểm cuối cùng để thanh toán cho những khách hàng đã chọn phương án thanh toán sớm.
Triển vọng sắp nhận lại Bitcoin khiến nhiều khách hàng vui mừng, nhưng cũng không ít người hoài nghi sau khoảng thời gian dài lo âu.
Kế hoạch tiêu tiền
Hôm 5/7, trong một kênh Telegram dành cho khách hàng Mt. Gox, thông tin về những khoản Bitcoin trả về đầu tiên được lan truyền. Người được ủy thác xác nhận rằng những đợt Bitcoin đầu tiên đã được chuyển đến một số sàn giao dịch chịu trách nhiệm phân phối tiền cho khách hàng của Mt. Gox, phần còn lại sẽ được chuyển sau. Các cuộc ăn mừng bắt đầu.
Trong sự phấn khích, nhiều người đang lên kế hoạch sử dụng số tiền mới nhận được. Có những người cho rằng đây là một sự may mắn khó tin, bởi số Bitcoin của họ đã mắc kẹt 10 năm. Với một số người khác, khoản hoàn trả này giúp họ vượt qua khó khăn ngắn hạn.
Bị "giam" tiền trong suốt 10 năm qua, nhiều khách hàng cho rằng họ vẫn may mắn vì số Bitcoin được hoàn trả hiện có giá trị rất cao. Ảnh: Crypto Briefing. |
Một khách hàng từ Thụy Điển, khi đó mới 17 tuổi và bị kẹt lượng Bitcoin giá chỉ vài nghìn USD, cho biết mình sắp nhận được khoản tiền tương đương bất ngờ 70.000 USD.
"Tôi mừng vì thằng bé ngày đó đủ ngốc để sử dụng Mt. Gox. Tôi biết thừa mình đã tiêu hết số coin từ lâu rồi nếu không bị trói buộc suốt thời gian qua", khách hàng này cho biết.
Tuy nhiên, khi số tiền chưa được hoàn trả hết, những khách hàng của Mt. Gox vẫn còn nghi ngại.
"Quá trình đòi tiền là cả một cuộc marathon, và vẫn chưa kết thúc. Tôi có thái độ chờ đợi và quan sát. Chẳng có gì kết thúc cho đến khi vở kịch hạ màn", Ronner chia sẻ.
Để blockchain không bị hiểu nhầm
Blockchain vẫn là lĩnh vực rất mới mẻ, dù mang đến tiềm năng thay đổi nhiều ngành công nghiệp. Phần lớn người quan sát nghĩ rằng blockchain gắn với tiền mã hóa cùng hàng loạt bê bối trong thị trường này, nhưng thực chất công nghệ chuỗi khối rộng hơn nhiều.
Mục Công nghệ giới thiệu những bài viết, cuốn sách hay nhất về blockchain để độc giả tìm hiểu thêm về công nghệ được đánh giá cao hiện nay.