Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trường hợp không được dùng Tamiflu để điều trị cúm A

Người dân phải tuân thủ khuyến cáo của bác sĩ điều trị để hạn chế nguy cơ kháng thuốc, chỉ dùng thuốc trong thời gian phù hợp để tránh tác dụng và các phản ứng có hại.

Dịch cúm A đang bùng phát mạnh tại nhiều địa phương khiến nhu cầu sử dụng thuốc Tamiflu tăng cao. Đáng chú ý, giá loại thuốc này đã bị đẩy lên cao gấp nhiều lần nhưng một số nơi vẫn trong trạng thái “cháy hàng”.

Trước thực trạng đó, Bộ Y tế đã liên tục khuyến cáo người dân không nên tự ý sử dụng Tamiflu để điều trị cúm, tránh “tiền mất tật mang”.

Nguy cơ kháng thuốc

TS.BS Vũ Quốc Đạt, Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới và Can thiệp giảm hại, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết chúng ta có rất nhiều thuốc kháng virus cúm. Tuy nhiên, theo thời gian, một số thuốc hiện nay đã bị kháng hoàn toàn và không còn sử dụng nữa.

Trước đây, chúng ta từng sử dụng các loại thuốc điều trị cúm khác như a-măng-ta-đin, ri-măng-ta-đin. Nhưng trong vòng hơn 20 năm qua, các thuốc này đã bị kháng hoàn toàn, chúng ta còn rất ít lựa chọn.

"Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo vẫn sử dụng thuốc Osetamivir hay có tên gọi khác là Tamiflu. Ngoài ra, chúng ta còn có Zanamivir cũng có tác dụng điều trị cúm. Ở Mỹ, một số thuốc khác được phê duyệt để điều trị cúm nhưng xét thực trạng tại Việt Nam chỉ có duy nhất thuốc Osetamivir hay biệt dược là Tamiflu", TS Vũ Quốc Đại cho hay.

Theo bác sĩ Đại, trong mùa dịch cúm, việc chúng ta điều trị Osetamivir hay Tamiflu một cách quá mức làm gia tăng nhu cầu trong xã hội, dẫn đến tình trạng tăng giá thuốc tăng mất kiểm soát. Những bài học tương tự đã gặp trong dịch Covid-19 khi người dân tự ý sử dụng các thuốc điều trị như Molnupiravir, khiến giá thuốc tăng lên gấp 10-20 lần.

Khi đã kiểm soát dịch tốt, giá thuốc quay trở lại đúng với giá trị thực của nó. Điều tương tự có thể xảy ra với Tamiflu, khi nhu cầu gia tăng "giả" sẽ dẫn tới giá thuốc trên thị trường bị ảnh hưởng.

Ai khong duoc dung Tamiflu de dieu tri cum A anh 1

Bệnh nhi điều trị cúm A tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội). Ảnh: Thạch Thảo.

Tamiflu chỉ được sử dụng cho một số trường hợp

Tất cả thuốc điều trị bệnh do vi sinh vật (kháng sinh, thuốc cúm, thuốc điều trị nấm) hay các loại vi khuẩn và ký sinh trùng khác đều bắt buộc phải kê đơn. Đối với Osetamivir, Tổ chức Y tế Thế giới và Bộ Y tế khuyến cáo chỉ nên sử dụng cho những trường hợp bệnh nhân là đối tượng có nguy cơ tiến triển cúm nặng.

"Đó là những người già trên 65 tuổi, trẻ dưới 2 tuổi, mắc bệnh lý gan thận mạn tính, tiểu đường, bệnh nhân đang điều trị hóa chất, ung thư. Ngoài ra, thuốc điều trị cúm được chỉ định cho các trường hợp có tổn thương viêm phổi nặng, cần phải điều trị nhập viện. Những trường hợp mắc triệu chứng cúm nhẹ hoặc trên cơ địa hoàn toàn khỏe mạnh, thanh niên, không có các nguy cơ tiến triển cúm nặng, việc điều trị Osetamivir không cần thiết", Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới và Can thiệp giảm hại nói.

Vị chuyên gia nhấn mạnh người dân phải tuân thủ khuyến cáo của bác sĩ điều trị để hạn chế nguy cơ kháng thuốc, chỉ dùng thuốc trong một thời gian phù hợp để tránh tác dụng không mong muốn và các phản ứng có hại.

Với Tamiflu, chúng ta có một số chống chỉ định cho các bệnh nhân có nguy cơ xuất hiện tác dụng phụ của thuốc. Thứ nhất là không nên sử dụng thuốc Osetamivir cho những bệnh nhân không có chỉ định cần phải sử dụng thuốc; bệnh nhân có các bệnh lý về tâm thần, vì thuốc có các tác dụng phụ.

Bên cạnh tác dụng phụ thường gặp như rối loạn tiêu hóa, mệt nhiều, buồn nôn, bệnh nhân có thể xuất hiện rối loạn về mặt tâm thần, từ đó có thể dẫn đến nguy cơ hoặc hành vi tự sát.

Vấn đề thứ hai là khi sử dụng Osetamivir phải đảm bảo bệnh nhân có chức năng thận bình thường để hiệu chỉnh thuốc đúng tình trạng.

Ai khong duoc dung Tamiflu de dieu tri cum A anh 2

Người dân phải tuân thủ khuyến cáo của bác sĩ điều trị để hạn chế nguy cơ kháng thuốc. Ảnh: Med.oboz.

Hai vấn đề cần lưu ý khi điều trị cúm tại nhà

Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, khoa Bệnh Nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), cho biết có 2 vấn đề khi bệnh nhân cúm điều trị tại nhà.

Vấn đề đầu tiên là thuốc. Theo bác sĩ Hưng, các bệnh nhân được theo dõi tại nhà thường ở thể nhẹ, không có yếu tố nguy cơ và sẽ điều trị theo đơn của bác sĩ. Lúc này, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn dùng thuốc hạ sốt tùy tình trạng sốt.

“Thuốc hạ sốt được kê thường là paracetamol. Bệnh nhân sẽ uống và theo dõi sức khỏe tùy tình trạng. Thông thường, nếu không sốt trên 38,5 độ C, bệnh nhân sẽ không cần dùng đến thuốc hạ sốt”, vị chuyên gia nói.

Vấn đề thứ 2 là bù nước và điện giải. Những bệnh nhân có bệnh lý nền liên quan tiểu đường, tim mạch, buộc phải hạn chế các loại đường, có thể bù nước, điện giải bằng oresol. Trong khi đó, với những trường hợp khỏe mạnh, không có bệnh nền, người bệnh có thể sử dụng thêm nước hoa quả.

Bác sĩ Hưng lưu ý: “Tất cả bệnh nhân cúm A sẽ được theo dõi liên tục khi điều trị tại nhà. Nếu sốt cao liên tục, không cắt được sốt, mệt mỏi, không ăn được hay xuất hiện các triệu chứng như ho, đờm nhiều, rối loạn ý thức, tiêu chảy kèm các biến chứng khác, bệnh nhân sẽ cần nhập viện điều trị”.

Bác sĩ kê đơn trị cúm A dù bệnh nhi test âm tính

Bệnh nhi được bác sĩ ở phòng khám kết luận mắc cúm A và kê đơn điều trị bao gồm thuốc Tamiflu. Song khi mẹ bệnh nhi cho con đến viện, kết quả hoàn toàn trái ngược.

Phương Anh

Bạn có thể quan tâm