Tính từ ngày 14/2 đến nay, TP.HCM đã ghi nhận 163 học sinh mắc Covid-19. Các quy định, hướng dẫn của ngành giáo dục và y tế TP.HCM về xử lý trường hợp học sinh F0, F1 có độ vênh với cách xác định F1 của Bộ Y tế và thực tế khiến các trường học băn khoăn khi thực hiện.
Học sinh lớp 3/9, trường Tiểu học Bông Sao, được phụ huynh đón về giữa trưa khi trong lớp có một học sinh F0. Ảnh: M.N. |
Đến lớp 3 ngày đã quay lại học online
Sáng 17/2, chị Hoàng Vân có con học lớp 1 ở thành phố Thủ Đức, phải đến trường nhận lại sách vở cho con. Lớp của con chị phải chuyển sang học online do một học sinh là F0.
Chị Vân chia sẻ tối 16/2, chị nhận được thông báo của nhà trường cho hay lớp con chị có một học sinh là F0. Nhà trường yêu cầu phụ huynh tự test nhanh cho con trước và báo kết quả cho giáo viên chủ nhiệm. Đồng thời, lớp sẽ chuyển sang học online trong 14 ngày tới.
"Con mình mới tới trường 3 ngày, rất háo hức. Sáng nay mình nói con phải ở nhà học online thêm hai tuần, cháu hụt hẫng, hỏi sao không được đi học mà phải ở nhà", chị Vân kể.
Tình trạng này cũng diễn ra tại trường Tiểu học Bông Sao (quận 8). Thầy Lê Thành Sơn, Hiệu trưởng trường Tiểu học Bông Sao, cho biết trong tuần đầu đón học sinh quay lại, nhà trường đã ghi nhận 2 học sinh F0 (phát hiện tại nhà). Một trường hợp là học sinh lớp 1, ghi nhận ngay sau ngày học đầu tiên và một trường hợp lớp 3 vừa phát hiện sáng 17/2.
Hiệu trưởng kể sáng 17/2, khi thấy học sinh vắng, giáo viên chủ nhiệm liên hệ gia đình mới biết em này mắc Covid-19. Ngay lập tức, nhà trường liên hệ y tế địa phương đến test nhanh cho toàn bộ học sinh trong lớp với hình thức mẫu gộp 3. Trong lúc đó, các giáo viên liên hệ, thông báo đến từng phụ huynh tình hình của lớp và yêu cầu đón con về, tự theo dõi sức khỏe cho con tại nhà.
Tất cả học sinh trong lớp đều có kết quả âm tính. Sau khi học sinh test xong, các em được di chuyển ra khu vực chờ phụ huynh đến đón. Thầy Sơn cho biết theo quy định, hướng dẫn của y tế địa phương, do chưa tiêm vaccine, các em phải theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày, được xét nghiệm lại vào ngày thứ 7, 13. Nếu kết quả âm tính, những học sinh này sẽ được quay lại lớp.
Điều này đồng nghĩa các em chỉ vừa đến trường chưa được một tuần lại phải chuyển sang học trực tuyến trong 2 tuần tiếp theo. Theo thầy Sơn, đây là điều rất bất lợi cho học sinh.
"Tôi nghĩ thời gian cách ly học sinh F1, dù đã tiêm vaccine hay chưa, nên rút ngắn lại còn 7 ngày sẽ hợp lý hơn. Hiện nay, chúng ta đã mở cửa trường, thích ứng linh hoạt với tình hình mới. Nếu trong lớp xuất hiện một trường hợp F0 mà cả lớp phải ngưng đến trường 14 ngày, việc học sẽ bị gián đoạn, ảnh hưởng rất lớn", hiệu trưởng ý kiến.
Đứng ở vai trò quản lý, thầy Sơn cho biết trong tuần đầu mở cửa trường tiểu học, các giáo viên rất vất vả, căng mình để hướng dẫn, quan sát, chỉnh sửa việc đeo khẩu trang, vui chơi, tiếp xúc của học sinh. Dù vậy, thầy cô vẫn vui mừng khi được dạy trực tiếp.
"Trong bối cảnh hiện nay, học sinh được đến trường là điều rất cần thiết và cần được duy trì ổn định. Việc đến trường không ổn định sẽ ảnh hưởng đến thời lượng, chất lượng dạy học, dẫn đến nguy cơ học sinh thiếu hụt kiến thức, mất gốc. Nếu không điều chỉnh quy định cách ly học sinh F1, tình trạng lớp học phải chuyển 'on-off' sẽ diễn ra liên tục, khó chấm dứt", thầy Sơn chia sẻ.
Quy định xử lý học sinh F1 chưa tiêm vaccine gây gián đoạn học tập. Ảnh: Phương Lâm. |
Băn khoăn xử lý F1 chưa tiêm vaccine
Ông Trịnh Văn Thanh, Phó trưởng phòng GD&ĐT Gò Vấp, cho biết sau khi mở cửa trở lại, các trường tiểu học, mầm non đang rất băn khoăn khi xử lý trường hợp học sinh F1.
Quy định của ngành y tế, học sinh F1 chưa tiêm vaccine, dù có kết quả test nhanh âm tính vẫn phải ở nhà 14 ngày. Điều này rất khó, gây ảnh hưởng đến việc học tập của trẻ và tạo tâm lý bất an cho phụ huynh.
“Chúng ta đã vận động cho học sinh đến trường nhưng khi lớp có F0, các em phải cách ly 14 ngày, gián đoạn học tập. Chúng tôi rất trăn trở nên đã trao đổi với y tế và quận. Sau khi trao đổi, chúng tôi tạm thời thực hiện theo theo phương án nếu phát hiện lớp có F0, tất cả các em F1 đều được test nhanh. Nếu âm tính các em tiếp tục học bình thường, nếu 2 vạch thì xử lý như trường hợp F0", ông Thanh nói.
Trường hợp F0 được phát hiện ở nhà, buổi học sau nhà trường cho test nhanh những học sinh trong lớp ngay khi các em vừa tới cổng trường. Nếu kết quả âm tính, các em vào học bình thường, 2 vạch nhà trường sẽ báo phụ huynh đến đón.
"Tôi rất mong chúng ta sớm có hướng dẫn rõ ràng, thống nhất, nếu không mỗi nơi mỗi khác. Chúng ta đã mất thời gian, công sức để vận động phụ huynh đưa con đến trường, phải giữ việc học ổn định để phụ huynh yên tâm", đại diện Phòng GD&ĐT Gò Vấp chia sẻ.
Sở GD&ĐT TP.HCM nhận định trong những tuần đầu sau Tết Nguyên đán, tình hình dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục có thể diễn biến phức tạp. Số ca mắc Covid-19 tại các trường có thể tăng.
Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT TP.HCM, thừa nhận đối với những học sinh chưa được tiêm vaccine, khi lớp có F0, các em phải cách ly 14 ngày sẽ ảnh hưởng đến tiến độ học tập. Nhiều trường đang lúng túng khi xử lý tình huống này.
Ông cho biết sở giáo dục và sở Y tế đang bàn bạc để điều chỉnh các quy định, hướng dẫn xác định, xử lý F0, F1 trong trường học, trong đó có thời gian cách ly tại nhà với học sinh F1 chưa tiêm vaccine, cho phù hợp với tình hình thực tế của TP.HCM.
Tinh thần chung, các quy định sẽ được điều chỉnh để ít gây xáo trộn đến việc học của các em. Trong thời gian chờ hướng dẫn mới, các cơ sở giáo dục vẫn xử lý tình huống F0, F1 như các quy định, hướng dẫn lâu nay.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT cũng đã kiến nghị Bộ Y tế có hướng dẫn chuyên môn về công tác phòng dịch, tổ chức ăn bán trú, học hai buổi cho những trẻ đến trường nhưng chưa được tiêm vaccine.
Trước thực trạng trường học phải "on-off" liên tục do phát sinh F0 học sinh, nhiều địa phương đã kiến nghị Bộ Y tế xem xét, điều chỉnh rút gọn thời gian cách ly y tế và số lần xét nghiệm đối với trường hợp F1 là giáo viên, trẻ mầm non, học sinh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mở cửa trường học.
Bộ GD&ĐT cũng đề nghị Bộ Y tế ban hành hướng dẫn và thống nhất về việc test sàng lọc học sinh khi tới lớp; test thường xuyên/định kỳ, cụ thể đối tượng nào cần test.