Pháp và Uruguay, lẽ dĩ nhiên là giới mộ điệu bóng đá thích được đọc những gì về đoàn quân áo lam. Họ đang sở hữu một đội hình trong mơ. Kylian Mbappe rực sáng trên sân khấu World Cup ở tuổi 19, điều mà cả Cristiano Ronaldo lẫn Lionel Messi hay thậm chí Diego Maradona cũng chẳng làm được.
Tuy nhiên, có bao giờ độc giả tự hỏi: Đặc sản của World Cup là gì? Có phải là những bàn thắng đẹp, những màn ăn mừng đầy cảm xúc, sự cuồng nhiệt của cổ động viên (CĐV), những ngôi sao bước từ bóng tối ra ánh sáng?
Không hẳn. Bất kỳ ở giải đấu nào, Premier League, Champions League hay thậm chí Europa League, chúng ta cũng có thể tìm thấy những mảng màu như thế.
Luis Suarez luôn thi đấu máu lửa và chiến đấu vì đội tuyển quốc gia. Ảnh: Reuters. |
Vậy đặc sản của World Cup là gì? Câu trả lời là tinh thần dân tộc, là sự va chạm của những bản sắc văn hóa, là khi những ngôi sao lớn nén cái tôi của mình xuống để tiếng gọi tổ quốc được cất lên. World Cup là giải đấu duy nhất chúng ta được chứng kiến các cầu thủ chiến đấu vì tự tôn dân tộc thay vì giá trị của vinh quang.
Tình yêu với người Uruguay là định mệnh. Bởi nếu chúng ta nhìn hình dạng đất nước Uruguay trên bản đồ thế giới, trông nó giống hệt như… trái tim. Đó quả là một phép ẩn dụ tuyệt vời về cách sống, văn hóa và tình yêu của người Uruguay.
Dân số Uruguay chỉ là 3 triệu người. Nói như huấn luyện viên trưởng Oscar Tabarez thì “trong khi Brazil có thể chọn ra một cầu thủ giỏi từ 50 cầu thủ, Argentina cứ 20 cầu thủ lại chọn được 1 ngôi sao, thì Uruguay buộc phải đào tạo một cầu thủ thành một chiến binh. Tỷ lệ quá thấp buộc chúng tôi phải trân trọng từng người”.
Trung vệ Godin sẽ là tấm lá chắn đáng tin cậy trong hàng phòng ngự Uruguay. Đồ họa: Minh Phúc. |
Vậy tại sao một quốc gia mang áp lực cứ mỗi cầu thủ đều phải làm một chiến binh lại có thể 2 lần vô địch World Cup và hiện có mặt ở vòng tứ kết World Cup? Câu trả lời là tình yêu, là lòng tự hào dân tộc. Nói về tự hào dân tộc thì khó đội tuyển nào trên thế giới có thể sánh bằng Uruguay.
“Nhiều cầu thủ lớn lên với những câu chuyện được kể từ đời này qua đời khác về tinh thần dân tộc, về Garra Charrua, về Maracanazo. Niềm tự hào đó ngấm sâu vào mỗi cầu thủ Uruguay, nhắc nhở họ phải chiến đấu hết mình vì màu cờ sắc áo”, Lumi Caumont - thạc sĩ ngành Sư phạm quốc tế tại Đại học Columbia - nói với báo chí.
Không nhiều người để ý, trước khi Uruguay bước vào trận mở màn World Cup 2018, cả đội tuyển ngồi chăm chú trong đại bản doanh để xem một đoạn video được gửi từ bộ quốc phòng nước này.
Đoạn video được quay từ Colombia cho đến Pakistan, Libang, Trung Phi, Congo và Nam Cực, ghi lại hình ảnh các binh lính Uruguay thể hiện tình yêu với đội tuyển. Trong điều kiện thiếu thốn, nhiều binh lính thậm chí còn phải làm những trái bóng giả, nhưng họ vẫn mang tình yêu nồng nàn với đội tuyển.
Đội hình dự kiến của Uruguay và ĐT Pháp. Đồ họa: Minh Phúc. |
Tất cả những người Uruguay đều thấm đẫm tinh thần Garra Charrua - một khái niệm mà chỉ người Uruguay có thể cảm nhận được. Đại loại nó được mô tả là thứ tinh thần chiến đấu vĩ đại được truyền nhiều đời nay. Garra Charrúa chính là vũ khí số một của Uruguay. Nó nhắc nhở tất cả các tuyển thủ Uruguay dù có đổ máu, cũng phải chiến đấu hết mình cho tổ quốc.
Nhờ tinh thần đó mà huấn luyện viên Oscar Tabarez, dù đã 71 tuổi và phải chống nạng vì căn bệnh Guillain-Barre vô cùng hiếm gặp, vẫn không bỏ cuộc. Nhờ tinh thần Garra Charrua mà toàn bộ các tuyển thủ Uruguay đều chấp nhận hy sinh lòng tự tôn của mình cho đội tuyển.
Luis Suarez chấp nhận dùng tay đẩy bóng trong vòng cấm địa để Uruguay chiến thắng trước Ghana ở World Cup 2010. Cả thế giới chỉ trích Suarez, nhưng người Uruguay vẫn đón Suarez về như một anh hùng.
Hôm nay, tuyển Pháp sẽ phải đối đầu với một đại gia đình.
Lịch thi đấu và kết quả vòng knock-out World Cup 2018. Đồ họa: Minh Phúc. |