Người Hà Lan gọi Marco van Basten là “Con thiên nga thành Utrecht”, song với cả thế giới, tiền đạo vĩ đại của AC Milan và Ajax là một trong những nuối tiếc lớn nhất lịch sử.
Với phần lớn cầu thủ, chỉ cần giành được danh hiệu Quả bóng vàng châu Âu một lần trong đời đã đủ mãn nguyện, đủ để biến anh trở thành phần thiểu số 0,01% trong làng ngôi sao bóng đá. Nếu sự nghiệp một cầu thủ có trong tay ba Quả bóng vàng châu Âu, một giải "Cầu thủ hay nhất thế giới" của FIFA, một chức vô địch Euro, ba chức vô địch Seria A và thêm 2 chiếc cúp C1 châu Âu..., người đó có lẽ chẳng có gì phải tiếc nuối.
Nhưng với Marco van Basten và những người yêu mến ông, cảm giác chung khi nghĩ về sự nghiệp tiền đạo huyền thoại người Hà Lan vẫn là tiếc nuối. Bởi bất chấp một bảng thành tích thuộc nhóm 0,00001%, Van Basten vẫn đem lại cảm giác rằng nếu không phải giải nghệ sớm, ông thậm chí vẫn còn có thể vĩ đại hơn nữa.
Sau thời Van Basten, Hà Lan tiếp tục trình làng những cầu thủ tấn công cự phách. Dennis Bergkamp sở hữu những pha chạm bóng tinh tế và cách chơi bóng duy mỹ. Bộ đôi sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm Patrick Kluivert và Ruud Van Nistelrooy: người đầu sở hữu vóc dáng cao to, sự khéo léo và khả năng chơi đầu cừ khôi, kẻ sau thì là thiên tài về dứt điểm trong vòng cấm.
Đó là còn chưa kể Robin van Persie với những cú dứt điểm sấm sét trong những tư thế không tưởng.
Tất cả những cái tên trên đều xuất sắc, nhưng họ vẫn xếp sau Van Basten. Đơn giản bởi ông là tổng hoà của tất cả những điểm mạnh trên. Ông sút tốt bằng cả hai chân, sở hữu sự lạnh lùng và bản năng sát thủ khi đối mặt thủ môn và có thể phá vỡ thế bế tắc bằng một cú sút xa như búa bổ.
Với một cầu thủ sở hữu chiều cao 1m88, Van Basten có tốc độ và sự khéo léo đáng ngạc nhiên và thường xuyên đi bóng như nhảy múa qua những hàng phòng ngự. Chẳng phải ngẫu nhiên mà biệt danh thời còn chơi bóng của ông là "Con thiên nga xứ Utrecht" bởi vẻ đẹp và sự thanh thoát trong lối chơi.
Khi còn chơi bóng tại Hà Lan, Van Basten đạt hiệu suất gần 1 bàn/trận, với 152 bàn sau 172 trận khoác áo Ajax Amsterdam. Ở Milan, ông ghi 125 bàn thắng sau 201 trận ở thời điểm Serie A là giải đấu khốc liệt nhất thế giới. Đồng đội Carlo Ancelotti hồi tưởng: "Tôi thường hỏi Van Basten xem anh ấy muốn nhận bóng như thế nào. Anh ấy trả lời: 'Cậu cứ chuyền bóng và chạy lại chỗ tôi để ăn mừng đi'. Anh ấy luôn tin rằng mình sẽ ghi bàn, và anh ấy gần như luôn đúng!"
Trong một bài phỏng vấn với tờ Daily Telegraph năm 2002, Van Basten cho biết giấc mơ ngày bé của ông là trở thành một vận động viên thể dục dụng cụ: "Tôi nghĩ rằng nền tảng tập luyện thể dục dụng cụ đã giúp ích rất nhiều cho tốc độ của tôi khi tôi bắt đầu theo đuổi bóng đá một cách nghiêm túc". Điều này lý giải những bàn thắng được ghi khi Van Basten bay người nhào lộn trên không trung, với ví dụ kinh điển là cú "xe đạp chổng ngược" khiến thủ thành FC Den Bosch đứng chôn chân tháng 11/1986.
Những bàn thắng không tưởng của Van Basten được tái hiện sau này bởi hậu bối Zlatan Ibrahimovic. Theo HLV Fabio Capello, Ibra đã được ông yêu cầu xem các video bàn thắng của Van Basten trong giai đoạn hai người làm việc chung tại Juventus từ 2004 tới 2006.
Nhà cầm quân người Italy chia sẻ trên Premium Sport: "Trong những buổi tập đầu tiên tại Juve, tôi nhận ra Ibra không khoẻ và giỏi không chiến như mình nghĩ. Cậu ta thích kiến tạo hơn là ghi bàn, trong khi tôi muốn cậu ấy cải thiện khả năng dứt điểm và trở thành một sát thủ vòng cấm. Cậu ấy có bộ kỹ thuật giống như Van Basten và tôi bắt cậu ấy ngồi xem băng ghi hình Van Basten để cải thiện khả năng dứt điểm và di chuyển trong vòng cấm. Ibra hiểu rất nhanh và tôi nghĩ rằng những con số thống kê sau này đã nói lên tất cả".
Khả năng chơi đầu của Van Basten cũng thuộc dạng vô song, với minh chứng rõ rệt nhất là cú đánh đầu vào lưới Real Madrid trong trận bán kết Cúp C1 năm 1989. Khi Mauro Tassotti tạt bóng, có lẽ cựu cầu thủ Milan cũng chẳng thể tưởng tượng nổi pha bóng sẽ kết thúc bằng một cú đánh đầu thành bàn.
Trái bóng liệng xuống thấp ngang ngực và ở đà cản phá của trung vệ Real Madrid, song Van Basten bay người đánh đầu với lực trái phá tựa một cú sút và khiến cả sân Bernabeu chết lặng.
Trận đấu kết thúc với tỷ số 1-1, trước khi AC Milan hùng mạnh nghiền nát Real Madrid 5-0 ở trận lượt về và thẳng tiến tới chức vô địch sau đó. Trong trận chung kết với Steaua Bucharest, Milan dễ dàng giành chiến thắng 4-0 với một cú đúp của Van Basten, giúp ông có chức vô địch Cúp C1 đầu tiên và danh hiệu Vua phá lưới giải đấu với 10 bàn thắng.
Cuối năm đó, Van Basten có Quả bóng vàng châu Âu thứ hai liên tiếp.
Quả bóng vàng đầu tiên của ông được trao vào năm 1988 và không phải vì thành tích vô địch Serie A lần đầu tiên sau tám năm của AC Milan. Trong mùa giải đầu tiên khoác màu áo Đỏ-Đen, chấn thương khiến Van Basten chỉ chơi 11 trận giải quốc nội và đóng góp 3 bàn thắng.
Danh hiệu của tờ France Football trao cho ông gắn liền với chiến công vô tiền khoán hậu: đưa tuyển Hà Lan tới một chức vô địch. Trước thời Van Basten, một cầu thủ vĩ đại khác của Hà Lan là Johan Cruyff từng tới rất gần chức vô địch World Cup vào năm 1974. Nhưng phải tới thế hệ của những người Hà Lan bay với bộ ba Van Basten-Ruud Gullit-Frank Rijkaard là nòng cốt, Hà Lan mới thực sự chạm tay vào vinh quang.
Tại Euro 1988, Van Basten vốn khởi đầu trên băng ghế dự bị, với lựa chọn chính là Jacobus Bosman và Wim Kieft - những người từng chơi bóng cùng anh tại Ajax. Theo ESPN, cả Van Basten lẫn hai người xếp trên anh trong đội hình của HLV Rinus Michels đều hiểu rằng anh mới là người hay nhất. Khi hỏi người đàn anh Johan Cruyff xem mình nên làm gì, "Thánh Johan" đã đưa lời khuyên: "Hãy rời khỏi đội tuyển!".
Thật may là Van Basten đã kiên nhẫn ở lại và trở thành vua phá lưới của giải đấu, trong đó có bàn thắng loại Tây Đức ở bán kết và cú volley phi thường trong trận chung kết. Tình hình bắt đầu khởi sắc với chân sút xứ Utrecht từ cú hat-trick tuyệt luân tiễn đội tuyển Anh về nước, trong một trận đấu mà Van Basten khiến trung vệ trẻ Tony Adams trở thành khán giả bất đắc dĩ.
Trước giải đấu, Adams được tung hô như truyền nhân của trung vệ huyền thoại Bobby Moore. Sau trận thua 1-3 trước tuyển Hà Lan, Adams bị dư luận Anh trút giận, gọi là "con lừa" và phải mất nhiều năm để lấy lại niềm tin và sự tôn trọng.
Adams không phải chứng nhân duy nhất trên sân cỏ cho sự vĩ đại của Van Basten. Thủ thành Rinat Dasayev của tuyển Liên Xô là người gác đền hay bậc nhất thế giới thời điểm đó cũng phải "làm nền" cho siêu phẩm bất tử của Van Basten trong trận chung kết Euro ngày 25/6/1988.
Trong cuốn sách "Portrait of an Icon" (Chân dung của một huyền thoại), tác giả Daniel Storey ngợi ca: "Van Basten không đơn thuần sút volley đưa Hà Lan vươn lên dẫn 2-0 mà còn sút vàng biên giới của sự kỳ vọng về một cú volley. Đó là cú volley mà tất cả những cú volley sau này đều sẽ bị đem ra so sánh, đánh giá và xếp sau. Bóng đá là một môn thể thao vô hạn, với những khả năng không có giới hạn. Nhưng trong trận chung kết Euro năm 1988, Van Basten đã chạm tới cảnh giới tối đa của một cú volley."
"Hãy xem pha tạt bóng của Arnold Muhren mà xem: tốc độ và điểm rơi của nó khiến việc thử sút bóng cũng là điều ngớ ngẩn. Điều nên làm là giữ bóng và thử cố kiếm phạt góc, chuyền bóng vào cho Ruud Gullit hay thử đảo bóng và dứt điểm bằng chân trái. Một phần sự vĩ đại của bàn thắng này nằm ở sự táo bạo khi dám thử. Phần còn lại thuộc về pha dứt điểm", Storey tiếp tục.
"Từ trước khi trái bóng bay vào lưới Dasayev, Van Basten đã ở trên không trung ba feet dù một giây trước đó anh còn đang chạy ở mặt đất. Đó có lẽ là khoảnh khắc thể hiện kỹ thuật xuất chúng nhất lịch sử bóng đá, khi một cầu thủ vừa kiểm soát tốc độ cú volley lẫn cả sự chính xác của cú dứt điểm".
Suốt nhiều năm sau này, Dasayev không muốn xem lại băng ghi hình bàn thua đó. Mãi tới năm 2014, thủ thành này mới chia sẻ với tạp chí Voetbal International của Hà Lan: "Cả hai chúng tôi đều sẽ được nhớ tới bởi khoảnh khắc đó, nhưng cậu ta là người được tôn vinh. Chẳng ai nghĩ rằng cậu ấy sẽ sút, kể cả tôi. Ở đó còn có một hậu vệ và đáng lẽ anh ấy phải ngăn Van Basten sút. Tôi biết rằng mình không thể chạm vào bóng. Tôi biết rằng mình chẳng có cơ hội nào, dẫu rằng ở vị trí của mình, tôi luôn tin rằng mình có thể cản phá mọi cú sút".
Về phần mình, Van Basten trả lời một cách khiêm tốn: "Những chuyện như thế đôi lúc vẫn xảy ra. Có cho tôi sút lại 10 lần chắc cũng chẳng vào nổi". Nhưng hơn ba thập niên đã trôi qua, chưa có bàn thắng nào trong các trận chung kết Euro hay World Cup có thể sánh ngang siêu phẩm của Van Basten.
Phút thứ 54 của trận chung kết đơn giản là một khoảnh khắc lịch sử, khi tài năng hoàn hảo có một pha dứt điểm hoàn hảo trên sân khấu lớn nhất của bóng đá châu lục. Năm ấy, Marco Van Basten mới chỉ 23 tuổi.
Van Basten dường như được định mệnh sắp đặt để làm những điều lớn lao, khi lần đầu vào sân thi đấu chuyên nghiệp của ông là vào thay huyền thoại Cruyff.
Ông hồi tưởng trên tờ FourFourTwo: "Tôi luôn nhớ mãi trận đấu với NEC Nijmegen vào ngày 3/4/1982. Đó là ngày mà tôi trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp và càng đặc biệt hơn khi được khoác áo Ajax - đội bóng mà tôi luôn mơ được chơi bóng. Tôi vào thay Johan Cruyff sau 45 phút và ghi bàn ở giữa hiệp hai. Đó là một cảm giác tuyệt vời, nhất là khi bạn chưa đủ 18 tuổi. Tôi vẫn còn đi học nhưng bỗng trở nên nổi tiếng khắp cả nước. Tất cả mọi thứ đã thay đổi sau trận đấu đó".
Sau hai mùa giải đầu còn được sử dụng một cách hạn chế, Van Basten bắt đầu trở thành chân sút chủ lực của Ajax Amsterdam sau khi Wim Kieft chuyển tới Serie A khoác áo Pisa. Trong bốn mùa giải từ 1983 tới 1987, Van Basten ghi tới 118 bàn thắng trong 112 trận và dành bốn danh hiệu Vua phá lưới giải Hà Lan, bao gồm cả một danh hiệu Chiếc giày vàng châu Âu mùa giải 1986-86.
Trong màu áo AC Milan, Van Basten tiếp tục thăng hoa. Trở về từ Euro 1988, ông ghi 32 bàn trên mọi mặt trận để giúp Milan trở thành tân vương của châu Âu. Mùa giải sau đó, ông lần đầu giành chức Capocannoniere (Vua phá lưới Serie A) với 19 bàn và cùng Milan bảo vệ thành công chức vô địch châu Âu với chiến thắng trước Benfica trong trận chung kết.
Danh hiệu Capocannoniere càng ý nghĩa hơn nếu biết những cái tên xếp dưới Van Basten là ai: Diego Maradona, Rudi Voller, Careca và Jurgen Klinsmann. Đó đều là những huyền thoại của bóng đá thế giới trong một thời kỳ Serie A là tập hợp của những hàng phòng ngự thép.
Mùa giải 1990-91 chứng kiến mối bất hoà giữa Van Basten và Arrigo Sacchi bùng nổ, dẫn tới việc chủ tịch Berlusconi sa thải người đưa Milan hai lần liên tiếp lên đỉnh châu Âu. Khi Fabio Capello lên nắm quyền, Van Basten lại toả sáng rực rỡ với 25 bàn thắng ở giải quốc nội và danh hiệu Capocannoniere lần thứ hai trong sự nghiệp.
AC Milan trải qua mùa giải bất bại và giành Scudetto, trong khi tiền đạo chủ lực của họ nhận cú đúp danh hiệu cá nhân "Cầu thủ hay nhất thế giới" của FIFA và Quả bóng vàng châu Âu lần thứ ba. Van Basten là người thứ ba kể từ Johan Cruyff và Michel Platini được France Football ba lần trao giải và phải hai thập niên sau, Lionel Messi mới lặp lại kỳ tích kể trên.
Với những người từng xem Van Basten chơi bóng, việc ông trở thành người đầu tiên trong lịch sử giành bốn Quả bóng vàng có lẽ chỉ là vấn đề thời gian. Nhưng đó là lúc bi kịch xảy ra, khi những chấn thương cổ chân Van Basten gặp phải không chịu buông tha ông. Mùa giải 1992-93, Van Basten phải ngồi ngoài sáu tháng và chỉ kịp trở lại trong những trận đấu cuối mùa giải. Trong trận chung kết Champions League mà Milan thúc thủ 1-0 trước Marseille, Van Basten không thể hiện được nhiều trước khi bị thay ở phút 86 sau một cú tắc bóng thô bạo từ Basile Boli.
Lần thứ ba trong sự nghiệp, Van Basten phải lên bàn mổ để phẫu thuật cổ chân. Chỉ khác là lần này, ông vĩnh viễn không bao giờ chơi bóng chuyên nghiệp được nữa. Thất bại trong trận chung kết trước đội bóng Pháp cũng là lần cuối cùng Van Basten khoác áo "Il Grande" Milan. Sau hai năm vật lộn để trở lại, Van Basten chính thức tuyên bố treo giày vào ngày 17/8/1995.
Ngày hôm sau đó, trận giao hữu tranh cúp Trofeo Berlusconi cũng là thời điểm Van Basten bước ra sân San Siro để tạm biệt khán giả. Không còn mặc chiếc áo Đỏ-Đen quen thuộc, Van Basten xuất hiện với chiếc quần jeans, khoác chiếc áo jacket bên ngoài áo sơ-mi hồng. Ông đi vòng quanh bốn góc khán đài để tạm biệt những cổ động viên AC Milan với gương mặt buồn nhưng không nhỏ một giọt nước mắt. Với Van Basten, những gì gian nan và tuyệt vọng nhất ông đều đã trải qua trong hai năm liền không được chơi bóng trước đó.
Về sau này, Van Basten hồi tưởng: "Sự nghiệp của tôi trong ba năm cuối bị bao trùm bởi những cơn đau. Tôi xem mình như một ví dụ về việc một sự nghiệp tuyệt vời có thể bị chấm dứt sớm đến thế nào. Điều bức xúc nhất với tôi không phải cách tôi gặp chấn thương cổ chân, mà bởi tôi được chữa trị bởi một số bác sĩ. Kẻ thực sự làm tổn thương cổ chân tôi không phải một cầu thủ mà là bác sĩ phẫu thuật".
Ngày Van Basten tuyên bố giải nghệ, phó chủ tịch Adriano Galliani của Milan đã mỉm cười khi nghe một phóng viên ví Roberto Baggio với danh hoạ Raffaello: "Nếu thế thì Van Basten phải là Leonardo da Vinci. Cậu ấy vừa là kỹ sư, lại vừa là một nghệ sĩ. Van Basten là tất cả".
Khi huyền thoại người Hà Lan bước lên thảm cỏ San Siro để từ biệt những Rossoneri, một người nổi tiếng sắt đá như Fabio Capello cũng không thể không rơi lệ.
Để hiểu sự kiện ấy đau đớn đến nhường nào, hãy thử tưởng tượng kịch bản Lionel Messi và Cristiano Ronaldo dừng chơi bóng ở tuổi 28 như Van Basten.
Messi sẽ chơi trận đấu cuối cùng năm 2015 và mất đi Quả bóng vàng 2015 cũng như ba Chiếc giày vàng châu Âu mà anh sẽ có được sau này. Ronaldo sẽ ghi bàn cuối của sự nghiệp năm 2013, chỉ có một thay vì năm Quả bóng vàng châu Âu, bỏ lỡ bốn chiếc cúp Champions League và vĩnh viễn trắng tay cùng đội tuyển Bồ Đào Nha.
Cả hai trường hợp kể trên đều là những bi kịch với hai siêu sao của bóng đá đương đại cũng như thế giới túc cầu. Đó là nỗi đau của Van Basten, khi "Con thiên nga xứ Utrecht" không bao giờ còn có những vũ khúc mê đắm lòng người nữa. Van Basten thời là cầu thủ xuất chúng, nhưng đáng lẽ còn có thể vĩ đại hơn.
Năm 2010, Capello nhìn lại những học trò mình từng dẫn dắt và khẳng định: "Marco là cầu thủ vĩ đại nhất mà tôi từng huấn luyện. Việc phải giải nghệ sớm là một sự mất mát to lớn với cậu ấy, với bóng đá và với cả Milan". Đó là lời nói của một huấn luyện viên từng làm việc cùng Wayne Rooney, Raul Gonzalez, Alessandro del Piero, Francesco Totti, Zlatan Ibrahimovic, David Trezeguet, Ruud Van Nistelrooy, Gabriel Batistuta và Ronaldo Nazario.