Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung ương lấy phiếu tín nhiệm 21 Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư

Bộ Chính trị chủ trì việc lấy phiếu tín nhiệm và kết quả kiểm phiếu sẽ được báo cáo Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào sáng 26/12.

Ngay trong sáng khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 25/12, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng trình bày tờ trình của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư. Trong chiều nay, Trung ương lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh này.

Hiện, tổng số Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư có 24 người. Tuy nhiên, Hội nghị lần này chỉ lấy phiếu tín nhiệm với 16 Ủy viên Bộ Chính trị và 5 thành viên Ban Bí thư.

Ba trường hợp không đủ điều kiện lấy phiếu gồm Ủy viên Bộ Chính trị Đinh Thế Huynh do đang nghỉ chữa bệnh dài ngày và hai thành viên Ban Bí thư gồm ông Trần Cẩm Tú - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hai ông mới được bầu bổ sung vào Ban Bí thư ngày 9/5, chưa đủ thời gian công tác theo quy định.

Hoi nghi Ban Chap hanh Trung uong lan thu 9 anh 1
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đọc tờ trình về lấy phiếu tín nhiệm sáng 25/12.

Đánh giá dựa trên phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực

Theo Quy định 262 của Ban Chấp hành Trung ương thì việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành định kỳ vào năm thứ 3 (năm giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp).

Nội dung lấy phiếu tín nhiệm tập trung vào phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực thực tiễn.

Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống gồm có: Lập trường, quan điểm, tư tưởng chính trị trong thực hiện đường lối, nghị quyết của Đảng; việc chấp hành nguyên tắc, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Tinh thần trách nhiệm trong công việc; thái độ phục vụ nhân dân; chấp hành sự phân công của tổ chức; Việc chống tham nhũng, trục lợi cá nhân; sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con về đạo đức, lối sống và chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; Uy tín trong cán bộ, đảng viên và nhân dân…

Còn năng lực thực tiễn thể hiện qua kết quả lãnh đạo cụ thể hóa đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào lĩnh vực được phân công; Tính năng động, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong lãnh đạo, điều hành; năng lực dự báo, xử lý tình huống khó, phức tạp trong phạm vi phụ trách.

Kết quả, chất lượng tham mưu, đề xuất về lĩnh vực được phân công phụ trách cũng cần phải thể hiện rõ bên cạnh khối lượng, chất lượng, hiệu quả công việc theo chức trách, nhiệm vụ được giao; mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trực thuộc trong phạm vi phụ trách.

Đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư thì Ban Tổ chức Trung ương chuẩn bị phiếu tín nhiệm. Phiếu tín nhiệm có danh sách Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư; tiêu chí lấy tín nhiệm và có đóng dấu treo của Ban Chấp hành Trung ương; đề xuất thành phần nhân sự Ban Kiểm phiếu.

Trên phiếu tín nhiệm ghi rõ họ tên, chức vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm kèm theo các ô tương ứng với các mức độ: "tín nhiệm cao", "tín nhiệm", "tín nhiệm thấp".

Bộ Chính trị chủ trì việc lấy phiếu tín nhiệm; các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương ghi phiếu, bỏ phiếu. Ban Kiểm phiếu tiến hành kiểm phiếu và báo cáo kết quả với Ban Chấp hành Trung ương. Theo chương trình làm việc của Hội nghị Trung ương 9, kết quả kiểm phiếu được báo cáo vào sáng 26/12.

Bộ Chính trị có thêm thông tin để đánh giá, bố trí cán bộ

Điều 11 về sử dụng kết quả phiếu tín nhiệm của Quyết định 262 nêu rõ, kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để tham khảo trong đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.

Những người có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp cần được xem xét đưa ra khỏi danh sách quy hoạch các chức vụ cao hơn khi rà soát, bổ sung quy hoạch và xem xét bố trí, sắp xếp công tác phù hợp.

Còn những người có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên cần kịp thời xem xét, nếu xét thấy không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì cho từ chức hoặc cho thôi giữ chức vụ để bố trí công tác khác, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.

Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 9, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, việc lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư là nhằm thăm dò tín nhiệm, qua đó giúp các đồng chí được lấy phiếu tự nhìn nhận lại mình, để điều chỉnh, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, không ngừng nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Việc lấy phiếu tín nhiệm đồng thời giúp Bộ Chính trị có thêm thông tin để đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Dành tỷ lệ lớn cho cán bộ có thể làm đủ 2 nhiệm kỳ

"Quy hoạch được làm nhiều vòng, nhiều cấp. Hội nghị Trung ương 9 bàn khung quan trọng nhất, định vị chất lượng để tiếp tục sàng lọc nhân sự", ông Nhị Lê chia sẻ với Zing.vn.


https://vov.vn/chinh-tri/dang/trung-uong-lay-phieu-tin-nhiem-21-uy-vien-bo-chinh-tri-ban-bi-thu-855965.vov

Theo N.T/VOV

Bạn có thể quan tâm