Ngày 9/9, ông Nguyễn Quang Chức - Phó giám đốc trung tâm bảo tồn di tích và danh thắng tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị này đang thực hiện trùng tu, chống xuống cấp cho một hệ thống công trình khai thác nước nghìn năm tuổi ở thôn An Nha, xã Gio An (huyện Gio Linh).
Lực lượng công nhân đang tiến hành xếp lại những hòn đá mồ côi ở giếng Đào. Ảnh: Văn Được. |
Các hạng mục được trùng tu gồm đường dẫn xuống giếng, bể lắng, máng dẫn nước, bể chứa và hệ thống mương dẫn nước sản xuất. Tất cả các hạng mục này đều được sắp xếp bằng đá mồ côi nguyên khối, không được ghè đẽo, tác động vào đá.
“Toàn bộ khu vực giếng được đánh số thứ tự, chụp ảnh để so sánh, nhằm giữ nguyên trạng sau khi trùng tu, chống xuống cấp. Trong mùa hè vừa rồi, cả hai máng đều không có nước. Mục đích trùng tu là khôi phục dòng nước chảy qua hai máng này”, ông Chức thông tin.
Hệ thống này được người địa phương gọi là giếng Đào, được xem là giếng tiêu biểu cho loại hình giếng máng (rãnh - PV) do có 2 máng nước bằng đá nguyên khối, được người xưa đẽo gọt để nước chảy thành dòng.
Để thực hiện trùng tu hệ thống giếng Đào, đơn vị thi công phải chuẩn bị 36 m3 đá mồ côi nguyên khối cùng với có một mặt phẳng được người địa phương chuẩn bị trong 2 năm qua. Những hòn đá bị vỡ do bom đạn chiến tranh, hoặc thiên tai sẽ được thay thế.
Máng nước ở giếng Đào do những hòn đá mồ côi được đục khoét thành rãnh dẫn nước. Ảnh: Văn Được. |
Ngoài ra, đơn vị thi công cũng sẽ xây dựng hệ thống đường bê tông, bãi đổ xe và biển chỉ dẫn để phục vụ du lịch sau khi trùng tu xong. Dự kiến, việc trùng tu kéo dài trong một tháng, với tổng vốn khoảng 200 triệu đồng.
Hệ thống giếng cổ Gio An là những công trình khai thác nước cổ gồm 30 giếng nước sử dụng chất liệu đá xếp, có kiến trúc độc đáo, đa chức năng. Do tuổi đời lên đến hàng nghìn năm nên người dân địa phương thường gọi những công trình này là giếng cổ, nguồn nước được sử dụng phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giả thiết về nguồn gốc của hệ thống giếng cổ Gio An, trong đó giả thiết những giếng cổ này được người Chăm xây dựng là gần với thực tế nhất. 14 giếng tiêu biểu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích quốc gia vào năm 2001.