Nằm ở phía Tây Thái Bình Dương, là một phần của quần đảo Caroline, đảo Yap là trung tâm liên lạc hải quân lớn của Đức vào đầu thế kỷ XX cho đến Thế chiến I. Đây cũng là trung tâm điện báo quốc tế quan trọng sử dụng công nghệ cáp biển.
Từ thế kỷ XVII đến năm 1899, đảo Yap thuộc vương quốc Phillippines là thuộc địa của Tây Ban Nha. Sau thất bại trước Mỹ năm 1899, Tây Ban Nha mất Philippines và bán những hòn đảo này cũng như những tài sản nhỏ khác ở Thái Bình Dương cho Đức.
Tàu CS Stephan ra khơi tại bờ biển New Guinea, đặt cáp Đông Ấn Hà Lan - Yap - đảo Guam. Ảnh: Atlanticcable. |
Vào đầu thế kỷ XX, Công ty Điện báo Đức Niederlandische Telegraphen-gesellschaft (Công ty Điện báo Đức - Hà Lan) được thành lập, vận chuyển tin từ các thuộc địa Thái Bình Dương vào các mạng điện báo ngầm dưới biển của Đức.
Năm 1906, công ty đã đặt dây cáp điện báo từ Menado, thuộc vùng Đông Ấn Hà Lan đến đảo Yap và tới đảo Guam. Tại đảo Yap, một đường cáp khác lại rẽ vào Thượng Hải.
Đảo Yap trở thành một phần của tuyến cáp ngầm dưới biển Menado -Yap - Guam - Thượng Hải. Tuyến đường này giúp người Đức không còn phụ thuộc vào những tuyến cáp điện báo do Anh kiểm soát (được gọi là All Red) ở Thái Bình Dương.
Từ năm 1906 đến 1914, Yap trở thành trung tâm liên lạc hải quân lớn của Đức, đồng thời là trung tâm điện báo cáp quốc tế quan trọng khi cung cấp một trong hai tuyến đường thay thế chính cho tuyến cáp thương mại Thái Bình Dương do Mỹ kiểm soát.
Văn phòng Công ty Điện báo và Trạm Cáp Ngầm của Đức - Hà Lan tại Yap. Tàu CS Stephan ở trung tâm bên phải. Ngày 2/7/1908, bức ảnh này được gửi đến một nhân viên của Trạm cáp thuộc Công ty Điện báo Đại Tây Dương của Đức tại Vigo, Tây Ban Nha. Ảnh: Atlanticcable. |
Đảo Yap đã hình thành một nút quan trọng trong đường dây cáp điện báo của Đức, bao gồm đảo Guam, Thượng Hải, Đông Ấn Hà Lan và Philippines. Một số tin nhắn điện báo gửi đến vùng biển phía Nam nước Đức đã được gửi từ Yap bằng tàu. Sau khi xây dựng một trạm điện báo không dây vào khoảng năm 1910, các điện tín từ Yap được gửi bằng sóng radio.
Khoảng năm 1910, Công ty Phát thanh biển Nam Đức (công ty con của Công ty Điện báo Đức - Hà Lan) đã thành lập trạm không dây trên đảo Yap để cung cấp liên lạc không dây đến Rabaul ở New Guinea và đến Nauru, quốc gia ở châu Đại Dương. Đây là những nơi chi phí cáp điện báo rất tốn kém và khó đặt. Các trạm này có tầm hoạt động 500-800 km và được vận hành thương mại.
Khi chiến tranh bùng nổ vào đầu tháng 8/1914, đảo Yap cũng như trạm điện báo của nó nằm dưới sự ủy nhiệm của Nhật Bản. Trạm không dây lúc này bị phá hủy bởi các tàu tuần dương của hải quân Anh ngay sau khi chiến tranh nổ ra vào ngày 12/8/1914.
Nhật Bản sau đó đóng cửa trạm điện báo trong suốt thời gian xảy ra xung đột. Nhiệm vụ của Nhật Bản được tiếp tục trong một thời gian ngắn sau khi kết thúc chiến tranh. Điều này được Hiệp ước Versailles xác nhận vào năm 1919.
Cầu tàu và các tòa nhà trên quần đảo Yap, có lẽ có niên đại từ thời thuộc địa Đức. |
Hòn đảo nhỏ ở giữa Thái Bình Dương trở thành nơi có tầm quan trọng chiến lược trong mạng lưới cáp điện báo toàn cầu, đồng thời là một trong hai tuyến thay thế cho tuyến cáp thương mại Thái Bình Dương do Mỹ kiểm soát từ Manila đến San Francisco, vì tuyến cáp này đi qua Nhật Bản.
Mỹ quan tâm sâu sắc đến việc kiểm soát Thái Bình Dương và cạnh tranh với Nhật Bản, cả về đường hàng hải cũng như mạng cáp điện báo. Do đó, nước này phản đối sự kiểm soát của Nhật Bản đối với hòn đảo.
Điều này cuối cùng đã được cải chính bằng một thỏa thuận được ký vào tháng 12/1921 và bắt đầu có hiệu lực vào năm 1922, trong đó công nhận sự ủy thác của Nhật Bản đối với đảo Yap nhưng cho phép Mỹ tiếp cận đảo và chia sẻ quyền kiểm soát, quản lý và điều hành với người Nhật trạm điện báo và cáp từ Yap đến đảo Guam.
Người Nhật củng cố hòn đảo và tiếp tục kiểm soát cho đến khi bị Mỹ chiếm đóng vào cuối Thế chiến II.