Theo Bloomberg, trong những ngày qua, các nhà đầu tư Mỹ và quốc tế rất bối rối với những quyết định trái ngược của Sở giao dịch Chứng khoán New York (NYSE).
Hồi tháng 11, Tổng thống Donald Trump ra lệnh cấm các nhà đầu tư Mỹ giao dịch cổ phiếu của những công ty Trung Quốc "hỗ trợ" quân đội nước này. Khoảng 6 tuần sau, các nhà đầu tư và sàn giao dịch mới nhận được thông tin chi tiết về những cổ phiếu bị ảnh hưởng.
Đến đêm giao thừa, NYSE thông báo sẽ hủy niêm yết cổ phiếu của China Mobile, China Telecom và China Unicom Hong Kong. Đây là những công ty có vốn nhà nước lớn.
Giới đầu tư bối rối với những quyết định của Sở giao dịch Chứng khoán New York. Ảnh: Reuters. |
Áp lực từ cộng đồng doanh nghiệp
Nhưng 4 ngày sau, NYSE bất ngờ hủy bỏ kế hoạch. Sự thay đổi chóng vánh này khiến Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ngay lập tức gọi điện cho Chủ tịch Chủ tịch NYSE Stacey Cunningham để thể hiện sự bất bình. Sàn giao dịch sau đó thay đổi quyết định một lần nữa. Hôm 11/1, tất cả giao dịch đối với cổ phiếu của các công ty trên bị hủy bỏ.
"Thay đổi quyết định 180 độ trong vòng một tuần đã là tệ hại, nhưng thay đổi 360 độ có nghĩa là họ mắc sai lầm nghiêm trọng, hoặc có áp lực rất lớn từ bên ngoài, dẫn đến những quyết định này", nhà phân tích Larry Tabb của Bloomberg Intelligence bình luận.
Đại diện của NYSE và Bộ Tài chính Mỹ từ chối bình luận về vấn đề này.
Bloomberg mô tả những người tham gia thị trường chứng khoán vẫn "vò đầu bứt tai". Theo nguồn tin của Bloomberg, sàn giao dịch đã nhận được những thông điệp không rõ ràng từ chính quyền Washington.
Tổng thống Trump ra lệnh cấm các nhà đầu tư Mỹ giao dịch cổ phiếu của những công ty có liên quan đến quân đội Trung Quốc hồi tháng 11/2020. Ảnh: Reuters. |
Theo một số suy đoán, NYSE lùi bước trước áp lực từ cộng đồng doanh nghiệp và quyết định hủy bỏ kế hoạch loại bỏ những cổ phiếu Trung Quốc. Một số tên tuổi lớn của Phố Wall đang cố tìm cách thu hút các doanh nghiệp Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Dĩ nhiên, họ không hề mong muốn lệnh cấm.
Cuối cùng, NYSE chuyển sang hủy niêm yết, dẫn đến một loạt động thái trong ngành tài chính. Các chỉ số S&P Dow Jones, MSCI và FTSE Russell đều loại bỏ cổ phiếu Trung Quốc bị cấm. Những nhà quản lý quỹ tên tuổi như BlackRock và Vanguard đồng loạt bán cổ phần.
Tương lai khó đoán
Goldman Sachs Group, Morgan Stanley và JPMorgan Chase cho biết sẽ ngừng cung cấp khoảng 500 sản phẩm đầu tư cấu trúc được giao dịch tại Hong Kong. Những sản phẩm này có mức giá trị phụ thuộc vào giá hoặc giá trị tài sản cơ sở tham khảo (chỉ số thị trường, cổ phiếu, lãi suất, hàng hóa, ngoại tệ hoặc kết hợp từ các sản phẩm trên).
Sau lệnh cấm của ông Trump, giá trị vốn hóa thị trường của ba công ty viễn thông Trung Quốc bốc hơi 30 tỷ USD. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio lên tiếng ca ngợi quyết định cuối cùng của NYSE.
Theo nguồn tin của Bloomberg, chính quyền liên bang Mỹ thậm chí cân nhắc đưa hai gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Alibaba Group Holding Ltd. và Tencent Holdings Ltd. vào danh sách đen. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị hủy bỏ.
Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) cũng tạo áp lực lên các công ty Trung Quốc giao dịch trên sàn Mỹ. Họ viện dẫn những lo ngại về rủi ro bảo mật thông tin và kế toán. Cùng với đó là việc Bắc Kinh từ chối cho phép thanh tra bên ngoài kiểm toán các công ty này.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden thừa hưởng một mối quan hệ phức tạp với các doanh nghiệp Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Giới quan sát nhận định Tổng thống tân cử Joe Biden nhiều khả năng sẽ giữ quan điểm cứng rắn với Trung Quốc. "Những diễn biến này sẽ dẫn đến một thực tế đáng buồn cho Trung Quốc, đến nay vẫn là bên yếu thế hơn trong quan hệ tài chính", ông Chang Shu, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của Bloomberg Economics, bình luận.
"Đối với Mỹ, nó cho thấy sự khó khăn trong việc vừa nỗ lực kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, vừa cho phép khu vực tài chính Mỹ tận dụng cơ hội tăng trưởng lớn mà Trung Quốc đem lại", ông nói thêm.