Ngày 18/10, Nhân Dân nhật báo đưa tin hot girl DY La đã qua đời. Cô ra đi sau khi uống thuốc trừ sâu tự sát trên sóng livestream vào tối 15/10. Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) gửi lời chia buồn đến gia đình DY La, tiến hành khóa tài khoản và gỡ tất cả video về vụ việc để bảo vệ hình ảnh của người quá cố.
Cơ quan này cũng nhắc nhở người nổi tiếng trên Internet không nên có hành vi gây nguy hiểm cho tính mạng của bản thân và người khác, đăng tải nội dung chứa thông điệp nhạy cảm, trái thuần phong mỹ tục và xúi giục hành vi phạm tội.
Dẹp trò lố, nội dung bẩn
Theo Nhân Dân nhật báo, CAC đang vào cuộc điều tra vụ tự tử của DY La. Nền tảng quản lý tài khoản livestream của hot girl trẻ hiện bị cáo buộc chậm trễ trong việc phát hiện, ngăn chặn hành vi tiêu cực của chủ tài khoản, để nội dung vi phạm trật tự công cộng và thuần phong mỹ tục.
Theo luật sư Đinh Kim Khôn, đơn vị này đối mặt với nguy cơ bị xử lý hình sự. Cơ quan chức năng cho biết người xem đã liên tục gửi báo cáo sai phạm khi nhận thấy buổi livestream của DY La có nội dung không phù hợp.
Vụ việc của DY La nhận được sự chú ý từ dư luận. Ảnh: Sina. |
Trên Tân Hoa Xã, nhiều chuyên gia lo ngại vụ việc của DY La có thể để lại hậu quả nghiêm trọng. Trước khi qua đời, cô có hơn 678.000 người theo dõi trên mạng xã hội.
"Chúng tôi coi đây là vấn đề nghiêm trọng. Dưới áp lực của cuộc sống hiện nay, nhiều người có xu hướng trầm cảm, nảy sinh ý nghĩ tiêu cực. Vụ việc của DY La có thể thúc đẩy mọi người giải thoát cảm xúc bằng cách cực đoan, gây ảnh hưởng đến nhận thức của giới trẻ. Chúng tôi sẽ cải thiện những khía cạnh cần thiết, triệt để ngăn chặn sự cố tương tự tái diễn và xử lý nghiêm những cá nhân, đơn vị sai phạm", đại diện Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc nói.
Chia sẻ với Nhân Dân nhật báo, bạn thân của DY La cho biết cô gái trẻ đã hối hận về hành động dại dột sau khi uống chất độc, tự báo cảnh sát để cứu chính mình. Đáng tiếc, DY La không qua khỏi. Vì vậy, gia đình hy vọng hình ảnh và video về vụ việc không xuất hiện trên mạng.
Giữa tháng 9, Hiệp hội Biểu diễn Trung Quốc ban hành các hướng dẫn để điều chỉnh hoạt động trên Internet. Nhân Dân nhật báo cho biết 40 công ty hoạt động trong lĩnh vực livestream và video ngắn đã ký cam kết với giới quản lý.
Trong những tuần qua, cơ quan này mạnh tay xóa bỏ các hành vi bị cho là xấu xí, văn hóa thấp như phô trương sự giàu có, lan truyền nội dung dung tục, phản cảm của những người nổi tiếng hoặc sao mạng. Cá nhân vi phạm sẽ bị tẩy chay, khóa tài khoản có thời hạn tùy theo mức độ vi phạm.
Ngày 17/10, hai ca sĩ người Malaysia Trần Phương Ngữ và Hoàng Minh Chí bị chặn hoạt động vĩnh viễn tất cả tài khoản mạng xã hội ở Trung Quốc Đại lục. Cục Quản lý Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc ra văn bản yêu cầu cấm phát hành sản phẩm âm nhạc của họ trên thị trường sau khi cả hai có những phát ngôn nhạy cảm.
Các sao mạng có hành vi xấu sẽ bị cấm hoạt động. Ảnh: Sohu. |
Trước đó, theo Sina, Khang Nhã Nhã - người nổi tiếng với video giả gái hoặc "biến hình" từ nam thành nữ và có hơn 2,7 triệu người theo dõi - bị khóa tài khoản sau lệnh cấm sao nam ẻo lả của giới quản lý văn hóa.
Cơ quan chức năng cũng vào cuộc dọn dẹp trào lưu sống ảo nơi cửa chùa, hay còn gọi là Phật viên. Những cô gái trẻ đã lợi dụng tôn giáo để làm trò phản cảm, quảng cáo bán hàng. Theo Sohu, có hàng chục tài khoản bị xử lý dân sự, cấm hoạt động vĩnh viễn, và hàng trăm video bị xóa bỏ trên nhiều nền tảng.
Xóa điểm mù thuế quan
Tân Hoa Xã cho biết vào ngày 18/10, Cục thuế Trịnh Châu thông báo mức phạt 6 triệu NDT (tương đương 932.000 USD) với tội danh trốn thuế dành cho một sao mạng. Danh tính người này chưa được tiết lộ. Theo hãng thông tấn, trước khi chấp nhận án phạt, ngôi sao mạng này nhiều lần từ chối đóng thuế, thậm chí bỏ trốn.
Cùng ngày, Tổng cục Thuế Trung Quốc cho biết họ đang xem xét truy tố hình sự hai ngôi sao mạng cố ý chuyển thuế thu nhập cá nhân thành thuế thu nhập doanh nghiệp, kê khai khống hợp đồng kinh tế trong nhiều năm. Số tiền trốn thuế lên đến hàng tỷ NDT. Theo Tân Hoa Xã, còn hàng chục trường hợp khác đang thuộc diện điều tra.
Vi Á, Lý Giai Kỳ, Lý Tử Thất và các sao mạng khác có mức thu nhập triệu USD mỗi năm. Ảnh: Sohu, iFeng. |
Giữa tháng 9, cơ quan quản lý nghệ thuật của Trung Quốc thông báo quyết tâm loại bỏ điểm mù kinh tế, tình trạng nhận cát-xê quá cao, vượt mức quy định. Đặc biệt, giới chức cũng ngăn chặn hành vi trốn thuế trong ngành giải trí.
Tổng cục Thuế Trung Quốc cũng thông báo sẽ tiến hành điều tra việc nộp thuế của người làm nghệ thuật, bao gồm cả nhân vật hoạt động trên Internet theo định kỳ. Trong đó, họ yêu cầu các công ty quản lý minh bạch thu nhập của các ngôi sao mạng để phục vụ công tác thanh tra, sau đó công khai kết quả với toàn xã hội.
Theo Sina, vài năm trở lại đây, nền tảng video trực tuyến và ngành thương mại điện tử nở rộ ở Trung Quốc tạo cơ hội kiếm tiền cho influencer, streamer hay blogger. Thu nhập của họ ở lĩnh vực này lên đến hàng triệu USD/năm.
Như Vi Á, sau khi lấy được danh hiệu "nữ hoàng livestream" vào năm 2017, người đẹp giàu lên nhanh chóng. Cô hiện sở hữu khối tài sản 9 tỷ NDT (1,4 tỷ USD), vào top 500 người giàu nhất Trung Quốc, theo New Fortune. Hay Lý Tử Thất có thu nhập hơn 248 triệu USD trong năm 2020. MC Lý Giai Kỳ kiếm hơn 29 triệu USD trong năm 2019.
Theo Sina, sao mạng bị đánh thuế giống với nghệ sĩ trong showbiz, là 45% trên tổng thu nhập. Tuy nhiên, công tác truy thu với nhóm người nổi tiếng này không dễ dàng.
Dòng thu nhập của họ bị đánh giá không ổn định, có hiện tượng chia hoa hồng chồng chéo giữa nhiều phía. Không ít người còn làm kinh doanh dưới danh nghĩa cá nhân hoặc bán thương hiệu cho bên thứ 3. Sự nhập nhằng này gây khó khăn trong việc thu thuế hàng năm khi cơ quan chức năng khó thống kê đầy đủ thu nhập của các sao, dẫn đến tình trạng lợi dụng kẽ hở để phạm pháp, gây thất thoát ngân sách.