Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam

Trong tháng đầu năm, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 9,6 tỷ USD, tăng 72,7% so với cùng kỳ năm trước.

Bộ Công Thương vừa công bố báo cáo về tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại trong tháng 1/2021. Báo cáo ghi nhận hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng đầu năm đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do Samsung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm điện thoại di động phiên bản mới và do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2020 rơi vào tháng 1.

Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2021 ước tính đạt 27,7 tỷ USD, tăng 50,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,6 tỷ USD, tăng 37,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 20,1 tỷ USD, tăng 56,2%. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 1 ước tính xuất siêu 1,3 tỷ USD.

Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng vai trò chính vào tăng trưởng xuất khẩu chung, ước đạt 23,96 tỷ USD, tăng 54,5% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 86,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trung Quoc van la thi truong nhap khau lon nhat cua Viet Nam anh 1

Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2021 đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Quỳnh Danh.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện tiếp tục là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của nước ta trong tháng 1/2021, đạt 5,8 tỷ USD, tăng 25,9% so với tháng 12/2020.

Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 7,5 tỷ USD, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước, tiếp đến là Trung Quốc đạt 5,8 tỷ USD, tăng 111%, thị trường EU đạt 2,8 tỷ USD, tăng 15%, thị trường ASEAN đạt hơn 2 tỷ USD tăng 32%...

Nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản giảm 16,2 % so với tháng trước nhưng tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 7,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, do lo ngại dịch Covid-19 dễ lây lan, Trung Quốc liên tục tăng cường các biện pháp thắt chặt kiểm dịch và an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc... khiến xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm thủy sản sang thị trường này gặp không ít khó khăn.

Về nhập khẩu, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 1/2020 ước tính đạt 26,4 tỷ USD, giảm 5,4% so với tháng 12/2020, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 9,4 tỷ USD, giảm 4,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 17 tỷ USD, giảm 5,8%.

Trong đó điện tử, máy tính và linh kiện đạt 5,5 tỷ USD (chiếm 20,8% tổng kim ngạch nhập khẩu), tăng 29,9% so với cùng kỳ năm trước; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 4,1 tỷ USD, tăng 46,3%...

Đáng chú ý, tháng 1/2021, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 9,6 tỷ USD, tăng 72,7% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là Hàn Quốc đạt 5,1 tỷ USD, tăng 29,3%...

Về hoạt động thương mại và dịch vụ trong nước, tháng 1/2021 là thời điểm Tết Nguyên đán nên hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ tiêu dùng tăng so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01/2021 ước tính đạt 479,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm