Nếu muốn trở thành ông lớn trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng cá nhân, Trung Quốc là đích ngắm của mọi nhà sản xuất. Đất nước này là thị trường smartphone lớn nhất thế giới. Mức độ giàu có và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của thị trường nội địa tăng mạnh trong vài năm qua.
Thương hiệu Trung Quốc Lenovo sở hữu 2 tên tuổi đình đám nhất nước Mỹ (thậm chí cả thế giới): ThinkPad và Motorola. Giống như những người láng giềng Đài Loan và Hàn Quốc, các hãng công nghệ Trung Quốc đang chuyển mình từ vị thế sản xuất thuê sang làm chủ và tự bán thiết bị dưới thương hiệu riêng.
Apple là một trong những thương hiệu di động quốc tế hiếm hoi thành công tại Trung Quốc. Ảnh: Ibtimes. |
Khác biệt nằm ở chỗ, Trung Quốc có thể vừa sản xuất, vừa tiêu thụ. Thành công tại thị trường nhỏ như Hàn Quốc có thể không tạo ra tiếng nói nhưng tại Trung Quốc, mọi chuyện sẽ khác. Smartphone mang thương hiệu Xiaomi, Huawei, Lenovo chủ yếu bán tốt ở bản địa. Ba công ty này chiếm 3 vị trí phía sau Apple, Samsung trong bản đồ các hãng smartphone lớn nhất thế giới.
“Thành công tại Trung Quốc đảm bảo một vị trí trong top 10, xét về doanh số”, nhà phân tích Ben Wood của CCS Insight chia sẻ. “Tất nhiên, để gây dựng một thương hiệu toàn cầu, điều này chưa đủ”. Ben Wood lấy Huawei làm dẫn chứng. Hãng này tung những khoản đầu tư khổng lồ bên ngoài biên giới Trung Quốc nhưng vẫn thất bại trong việc xây dựng thương hiệu toàn cầu. Tuy nhiên, điều này không phải vấn đề quá lớn. HTC, LG là những thương hiệu toàn cầu nhưng doanh số thua xa Xiaomi.
Bốn năm trước, Nokia tin chìa khoá để sống khoẻ trong ngành công nghiệp di động là ghi dấu ấn tại thị trường Mỹ. Để trở thành cây đại thụ ngành công nghệ, các công ty phải thiết lập được dấu ấn tại thị trường quan trọng nhất, nhưng đó có còn là Mỹ? Ngày nay, người ta chứng kiến những công ty thành công vang dội nhưng hoàn toàn không hiện diện tại Hoa Kỳ. Xiaomi là một ví dụ. Doanh số smartphone của hãng vẫn đứng trên cả Apple, Samsung tại Trung Quốc.
Xiaomi thành công tại Trung Quốc nhờ chính sách giá và yếu tố địa phương. |
Tầm quan trọng của Trung Quốc là điều không phải bàn cãi. HTC vừa giới thiệu 2 smartphone đầu bảng, trong đó chiếc One M9+ dành riêng cho thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu phải tìm ra hãng sản xuất có khả năng chiều lòng người Trung Quốc nhất – đó phải là Apple.
iPhone chính thức có mặt tại Trung Quốc từ năm 2009. Quý vừa qua, hãng bán iPhone ở Trung Quốc nhiều hơn tại Mỹ. “Trung Quốc có khoảng 100 triệu người đủ khả năng mua đồ dùng xa xỉ và họ luôn muốn những đồ tốt nhất”, Ben Evan từ Andreessen Horowitz cho hay.
Theo nghiên cứu mới đây từ các triệu phú Trung Quốc, sản phẩm Apple là thứ quà tặng được yêu thích nhất, hơn cả Louis Vuitton, Gucci hay Cartier.
“Đó là lý do vì sao iPhone 5C thất bại tại Trung Quốc ngay cả khi nó có doanh số tốt tại Mỹ”, Evans cho biết thêm. Tại đất nước tỷ dân, sản phẩm Apple là biểu tượng của đẳng cấp.
iPhone 6 Plus chưa chắc ra đời nếu người dùng Trung Quốc không có sở thích đặc biệt với smartphone màn hình lớn. Apple không có ý định ra mắt một chiếc iPhone chống nước cho người Nhật nhưng phản ứng rất mau lẹ trước sở thích của người Trung Quốc.
Nhà phân tích thị trường di động Avi Greengart tóm tắt nhu cầu của người dùng Trung Quốc: “Họ đề cao tính biểu tượng, giá trị sử dụng và các nội dung mang tính địa phương”. Apple có tính biểu tượng. Họ bán những chiếc smartphone với giá cao đến mức các nhà sản xuất khác không dám mơ. Giá trị sử dụng của những chiếc iPhone cũng thuộc nhóm hàng đầu. Điểm yếu duy nhất của sản phẩm Apple là yếu tố địa phương. Cũng nhờ yếu tố này, các hãng sản xuất nội địa Trung Quốc dễ dàng đánh bật các đối thủ ngoại còn lại.
Sự phân hoá giàu nghèo tại xã hội Trung Quốc tạo ra 2 thị trường di động riêng biệt: một chạy đua về đẳng cấp, một chạy đua về giá.
Ngành công nghiệp smartphone hiện tại chia làm 2 thái cực: Một bên là Apple, Samsung – những nhà sản xuất hàng đầu với doanh số cao, lợi nhuận khủng và các nhà sản xuất nhỏ, cạnh tranh về giá bán. Chẳng hạn, trong 3 quý liên tiếp vừa qua, lợi nhuận của HTC dao động từ 0,4, 0,3 đến 0,5%. Các nhà sản xuất như HTC bị kẹp giữa các ông lớn như Apple, Samsung và các nhà sản xuất Trung Quốc với lợi thế về giá thành sản xuất.
Trung Quốc hiện chưa phải là ông vua trong ngành công nghiệp di động, nhưng tầm ảnh hưởng của thị trường này không thể phủ nhận. Những thương hiệu toàn cầu như HTC, LG, Sony hay Microsoft Mobile sẽ phải tìm chỗ đứng nhất định tại Trung Quốc nếu muốn sống khoẻ.