Chiếc nam châm không lớn hơn một đồng xu, với đường kính 33 mm. Phòng thí nghiệm từ trường cao của Học viện Khoa học Trung Quốc cho biết nó có thể tạo ra một từ trường ổn định mạnh tới 45,22 Tesla - mạnh hơn một triệu lần so với từ trường của Trái Đất, theo South China Morning Post.
Các nhà nghiên cứu ở Mỹ từng tạo ra từ trường mạnh 45,5 Tesla vào năm 2019. Tuy nhiên, chiếc nam châm trong thử nghiệm không được sử dụng cho các thí nghiệm khoa học.
Tạo ra một từ trường mạnh như vậy là một thách thức, một phần vì nó đòi hỏi năng lượng rất lớn và lực đủ mạnh để nâng một tàu sân bay.
Giáo sư Kuang Guangli, nhà khoa học dẫn dắt dự án, cho biết nhóm đã đạt được mục tiêu tạo ra nam châm mạnh nhất hành tinh.
Một nhóm tại phòng thí nghiệm từ trường cao ở Trung Quốc đã chế tạo nam châm mạnh nhất thế giới dành cho nghiên cứu khoa học. Ảnh: Handout. |
Nhóm nghiên cứu đã chế tạo một nam châm 40 Tesla vào năm 2016, nhưng “không hài lòng”, báo cáo cho biết. Sau 5 năm nghiên cứu để đưa ra cấu trúc nam châm mới, phát triển vật liệu mới và tối ưu hóa quy trình sản xuất, họ “cuối cùng đã tạo ra một bước đột phá công nghệ lớn”, ông Kuang nói.
Phòng thí nghiệm nam châm có từ trường cao được sử dụng dành cho những nghiên cứu tiên tiến, vốn có thể dẫn đến những khám phá quan trọng.
Chẳng hạn, tại Hợp Phì, nhóm nhà khoa học thực hiện thí nghiệm vào năm 2016 đã quan sát thấy một hiện tượng vật lý mới trong ống nano carbon. Phát hiện này có tiềm năng ứng dụng vào ngành công nghiệp bán dẫn.
Các nghiên cứu tiếp theo và khám phá của họ đã đưa Trung Quốc đi đầu trong cuộc chạy đua quốc tế nhằm thay thế silicon bằng carbon trong chip. Các máy tính siêu nhanh, tiêu thụ ít điện năng, có thể được chế tạo nhờ sự thay đổi này.