Trung Quốc chỉ trích việc Washington và Seoul phối hợp đưa Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đến Hàn Quốc nhằm bảo vệ nước này khỏi những cuộc tấn công của Triều Tiên.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo Mỹ và Hàn Quốc sẽ phải chịu trách nhiệm cho bất kỳ hậu quả nào xảy ra liên quan đến việc triển khai THAAD. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng kêu gọi các nước liên quan ngăn chặn việc triển khai và “đừng đi xa hơn trên con đường sai lầm”.
Tuy nhiên, ngoài việc lên tiếng phản đối mạnh mẽ, Trung Quốc thực sự không thể can thiệp trực tiếp vào việc lắp đặt THAAD tại Hàn Quốc.
Người Trung Quốc kêu gọi tẩy chay hàng hóa Hàn Quốc sau khi Mỹ triển khai lắp đặt THAAD lãnh thổ của Hàn. Ảnh: Jean Chung. |
Phương thức trả đũa không tiếng súng
Các sản phẩm của Hàn Quốc từ phim truyền hình đến gà rán vô cùng phổ biến với giới trẻ Trung Quốc. Đây cũng là những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của xứ kim chi, mang lại doanh thu 5,3 tỷ USD trong năm 2014. Trung Quốc đang tìm cách đánh vào ưu thế này để gây ảnh hưởng xấu đến kinh tế Hàn Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng “trút giận” lên ngành công nghiệp nhạc pop nổi tiếng của nước này.
Các chương trình truyền hình và các video âm nhạc của Hàn Quốc bị chặn phát sóng ở Trung Quốc, một trong những thị trường lớn và mang lại nhiều lợi nhuận nhất. Cư dân mạng Trung Quốc đăng tải những thông tin kêu gọi tẩy chay mỹ phẩm Hàn. Nhiều nghệ sĩ Hàn Quốc cũng hủy tour diễn đến Trung Quốc.
Động thái “trả đũa” này của Trung Quốc không có tiếng súng cũng không phải cuộc tấn công quân sự nhưng có sức ảnh hưởng đáng kể. Nó giống như một cú hích ngược trở lại với những nước khác đồng thời củng cố vị thế của Bắc Kinh trong khu vực.
Lotte trở thành một trong những nạn nhân lớn nhất sau khi Seoul hoàn tất thỏa thuận với Washington về triển khai hệ thống THAAD hồi cuối tháng trước khiến Bắc Kinh tức giận.
Người đàn ông đứng nhìn cửa hàng Lotte Mart đóng cửa tại Trung Quốc sáng ngày 7/3. Ảnh: Getty. |
Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap dẫn lời tập đoàn bán lẻ Lotte cho hay tính đến chiều 6/3, 23 trên 99 cửa hàng Lotte Mart tại Trung Quốc đã bị buộc đóng cửa trong ít nhất một tháng do "vi phạm quy định phòng cháy".
Trang web bằng tiếng Trung của Lotte (www.lotte.cn) cũng tê liệt từ hôm 28/2, nghi ngờ do bị tin tặc tấn công. Theo thỏa thuận ký giữa chính phủ Hàn Quốc với Lotte, tập đoàn này giao khu đất sân golf có tổng diện tích 1.480.000 m2 ở Seongju, trị giá ước tính 7,9 triệu USD, để Seoul dùng làm nơi lắp đặt hệ thống THAAD.
Mặc dù Mỹ từng nhấn mạnh THAAD chỉ tập trung đối phó với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, Trung Quốc vẫn lo ngại thiết bị này có thể được sử dụng để chống lại họ.
Tẩy chay nghệ sĩ không phải chuyện hiếm
Đây không phải lần đầu tiên Bắc Kinh nhắm vào nền văn hóa nhạc pop của Hàn Quốc vì mục tiêu chính trị. Ngay sau khi Hàn Quốc chính thức cho phép lắp đặt THAAD tại lãnh thổ nước này vào tháng 7/2016, một số người nổi tiếng và ban nhạc Hàn Quốc đã hủy các sự kiện của họ ở Trung Quốc.
EXO, nhóm nhạc nam Hàn Quốc nổi danh ở Trung Quốc, đã hủy hai chương trình biểu diễn của nhóm dự kiến diễn ra vào tháng 8 ở Thượng Hải. Hai diễn viên nổi tiếng Hàn Quốc là Kim Woo Bin và Suzy Bae cũng hủy cuộc họp báo diễn ra ở Bắc Kinh trong tháng 8.
Nhóm nhạc nam nổi tiếng của Hàn Quốc EXO. Ảnh: Getty. |
Sau đó, nhiều công ty giải trí lớn của Hàn Quốc cũng hạn chế tổ chức các sự kiện ở Trung Quốc và tập trung quảng bá ở những nước khác.
Văn hóa ngoại nhập có sức hút nhưng không đủ
Văn hóa Hàn thực sự có ảnh hưởng lớn đến những người trẻ Trung Quốc, từ thời trang, mỹ phẩm, âm nhạc, thực phẩm, các chương trình truyền hình cho đến cả ngôn ngữ. Người ta có thể dễ dàng bắt gặp các nhà hàng thịt nướng bật nhạc Hàn, treo ảnh người nổi tiếng của xứ kim chi ở nhiều thành phố Trung Quốc.
Theo Yonhap, trong năm 2016, bộ phim lãng mạn “Uncontrollably Fond” (Yêu không kiểm soát) thu hút hơn 4,1 tỷ lượt xem trên kênh Youku, được coi là kênh Youtube của Trung Quốc.
Bộ Công an Trung Quốc từng cảnh báo công dân nước này về việc "nghiện" bộ phim truyền hình Hàn Quốc “Hậu duệ Mặt Trời”. “Xem phim Hàn Quốc có thể gây nguy hiểm, thậm chí dẫn đến những rắc rối về mặt pháp lý”, bộ Công an Trung Quốc nhấn mạnh.
Dù yêu thích văn hóa Hàn Quốc nhưng người Trung Quốc vẫn luôn ủng hộ lập trường cứng rắn của chính phủ với kinh tế và văn hóa Hàn Quốc.
Theo Xinhua, trong tháng 8/2016, 80% người Trung Quốc ủng hộ lệnh cấm các sao Hàn xuất hiện trên các chương trình truyền hình của nước này. “Điều này cho thấy người Trung Quốc đặt tình yêu đất nước lên trên những ngôi sao giải trí nổi tiếng”, tờ Xinhua cho hay.
Vài ngày trước, nhiều người Trung Quốc cũng kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của Hàn Quốc trên Internet, đặc biệt là trên Weibo, mạng xã hội tương tự như Twitter. “Hành động ngay bây giờ, ngừng xem phim Hàn và tẩy chay hàng hóa của họ”, một người dùng Weibo viết.