Ý kiến trên là nhận định của nhật báo uy tín The New York Times (Mỹ). Tờ báo cho rằng khi nền kinh tế lớn thứ 2 toàn cầu chịu biến động thì cả thế giới sẽ chịu ảnh hưởng, trong đó có Mỹ.
Những biến động của kinh tế Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến toàn cầu. Ảnh: Getty Images |
Gã khổng lồ lắm bệnh
Từ khủng hoảng tài chính 2008 đến nay, The New York Times cho rằng có 4 yếu tố quyết định sức khỏe nền kinh tế của một quốc gia. Cả 4 yếu tố này đều không mấy sáng sủa với Trung Quốc.
Yếu tố đầu tiên là các khoản nợ. Nhiều quốc gia đang phát triển phải đối mặt với tình trạng nợ nần tăng nhanh đến mức báo động. Trung Quốc là một trường hợp đặc biệt đáng chú ý.
Thứ hai là nhu cầu thương mại thế giới suy giảm, tác động tiêu cực đến các quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới, nhất là Trung Quốc.
Yếu tố tiếp theo là sau cuộc khủng hoảng năm 2008, nhiều nước đã quay lại chính sách can thiệp mạnh mẽ vào nền kinh tế nhằm ứng phó với đà suy giảm của kinh tế toàn cầu. Có những chính sách gây thiệt hại cho chính quốc gia đó và không nước nào vượt hơn Trung Quốc ở khoản này, theo The New York Times.
Yếu tố cuối cùng không hề liên quan gì đến khủng hoảng năm 2008, đó là vấn đề dân số Trung Quốc. Tốc độ tăng trưởng dân số trong độ tuổi lao động của thế giới đang chậm lại. Tình trạng này đang xảy ra và ảnh hưởng tiêu cực, làm suy giảm lực lượng lao động Trung Quốc.
Kinh tế Trung Quốc sẽ rơi vào khủng hoảng?
Để cỗ máy Trung Quốc có thể vận hành ổn định, tăng trưởng GDP hàng năm phải đạt 6% trở lên. The New York Times cho rằng điều này trong bối cảnh hiện tại dường như là bất khả thi với Trung Quốc.
Để đạt được mục tiêu trên, Bắc Kinh đang đổ tiền vào nhiều dự án đầu tư nhằm kích thích tăng trưởng. Tuy nhiên, nhiều dự án lãng phí, không hiệu quả. Các khoản nợ đó sẽ cái bẫy sau này cho chính Trung Quốc.
Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang tăng trưởng chậm lại và sẽ giảm tốc hơn nữa khi Trung Quốc buộc phải trả nợ. Dù biết gánh nặng nợ nần sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng nhưng Trung Quốc sẽ phải chấp nhận trả nợ.
Kịch bản tiếp theo có thể sẽ là sự suy giảm kinh tế sâu hơn nữa. Thậm chí, sau thời gian 7 năm tăng đầu tư để kích thích kinh tế, Trung Quốc có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính. Tất nhiên, bất kỳ biến động nào của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cũng đều ảnh hưởng đến toàn cầu.
Ô nhiễm không khí đang là vấn đề nghiêm trọng ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Người dân ngày càng mất lòng tin
Tại thủ đô Bắc Kinh, người dân Trung Quốc có thể thường xuyên nhận thấy những khó khăn kinh tế đang tiến đến gần. Thậm chí, họ có thể biết trước cả khi các nhà đầu tư quốc tế, những kẻ sẽ tháo chạy đầu tiên khi có khủng hoảng, kịp nhận thấy.
Trong năm 2015, khoảng 675 tỷ USD đã rời khỏi Trung Quốc. Đây được ghi nhận là con số kỷ lục suốt mấy năm nay. Một phần số vốn khổng lồ này chảy vào thị trường bất động sản ở nước ngoài.
Trong chính sách tỷ giá, Trung Quốc đang vật lộn để giữ nhân dân tệ không mất giá hơn nữa. Nếu nội tệ tiếp tục suy yếu thì sẽ làm xói mòn lòng tin của người dân và đẩy cả nền kinh tế gần hơn đến khủng hoảng.
Mặt khác, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc ngày càng can thiệp nhiều hơn vào thị trường tài chính. Cuối năm 2014, để hỗ trợ vốn cho các công ty đang gặp khó khăn, chính phủ nước này đã thúc đẩy người dân mua cổ phiếu khi ca ngợi việc mua cổ phiếu là yêu nước.
Hàng triệu người dân Trung Quốc đã tin tưởng và đổ tiền vào chứng khoán. Thậm chí, nhiều người đã đi vay tiền để đầu tư cổ phiếu khi thấy giá tăng.
Khi thị trường lao dốc vào tháng 6/2015, chính phủ Trung Quốc đã không để nó sụp đổ. Sau khi khuyến khích người dân mua, nay chính phủ lại tìm cách ngăn không cho người dân bán khi giá sụt giảm.