Tháng 8 năm 2018, một trang trại với gần 400 con heo ở ngoại ô Thẩm Dương, Trung Quốc thông báo đã phát hiện bệnh tả heo châu Phi. Đây là lần đầu tiên xảy ra bệnh truyền nhiễm này tại quốc gia cung cấp tới một nửa sản lượng heo trên thế giới này.
Bốn mươi bảy con heo chết khiến nước này phải đưa ra hàng loạt các biện pháp khẩn cấp như phong tỏa và tiêu hủy hàng loạt để ngăn chặn việc vận chuyển gia súc.
Chỉ trong vài ngày, chính phủ tuyên bố dịch bệnh đã được kiểm soát hiệu quả.
Một công nhân đang làm công tác khử trùng tại một trang trại ở tỉnh Chiết Giang tháng 8/2018. Ảnh: Getty Image. |
Tuy nhiên, trên thực tế, vi rút gây bệnh đã phân tán hàng trăm kilomet trên các động vật ốm, thức ăn ô nhiễm, bụi bẩn và quần áo.
Chín tháng sau, bệnh này đã lan rộng ra toàn quốc đồng thời vượt biên giới sang Mông Cổ, Việt Nam, Campuchia, và gây nên những ảnh hưởng không hề nhỏ đến thị trường thịt trên toàn cầu.
Giá thịt nguội không xương chưa đóng hộp ở Mỹ tăng cao do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi ở Trung Quốc. Nguồn: Bộ Nông Nghiệp Mỹ. |
Năm 2019, Trung Quốc đưa ra báo cáo chính thức là 1 triệu con trong đàn heo khoảng 440 triệu con của cả nước đã bị tiêu hủy. Tuy nhiên, dữ liệu giết mổ cho thấy số lượng thực tế có thể gấp 100 lần như vậy.
Bộ Nông Nghiệp Mỹ dự đoán tháng 4 năm 2019, Trung Quốc đã sụt giảm khoảng 134 triệu con heo - tương đương với toàn bộ sản lượng heo Mỹ hàng năm. Đây cũng là sự sụt giảm tồi tệ nhất kể từ giữa những năm 1970 ở nước này.
Dịch bệnh này đã gây nên những tác hại đặc biệt nghiêm trọng đối với ngành công nghiệp thịt heo trị giá 128 tỷ USD của đất nước có mức tiêu thụ bình quân đầu người cao thứ ba thế giới như Trung Quốc.
Theo như Juan R. Luciano, giám đốc điều hành của Archer-Daniels-Midland Co., Trung Quốc có thể giảm tới 30% đàn heo.
Sản lượng heo của Trung Quốc giảm 20% trong năm 2019, bằng sản lượng 17 năm trước đó (Nguồn: USDA – Bloomberg) |
Arlan Suderman, nhà kinh tế trưởng của INTL FCStone Inc., người đã phân tích thị trường hàng hóa trong gần bốn thập kỷ qua, cho biết tình huống này chưa từng xảy ra trước đây và có thể sẽ tác động đến giá lương thực trên toàn cầu.
Trong một cuộc họp trực tuyến ngày 26/4, ông Luc Luciano nói với các nhà phân tích rằng Trung Quốc rõ ràng sẽ phải nhập khẩu một lượng lớn thịt heo và có thể là thịt các loại động vật và gia cầm khác để đáp ứng nhu cầu lương thực của mình. Việc này có thể sẽ thúc đẩy doanh số bán bột đậu nành để làm thức ăn chăn nuôi ở Bắc Mỹ, Brazil và châu Âu.
Theo Interporc, một tập đoàn công nghiệp có trụ sở tại Madrid, giá thịt heo bán buôn ở Trung Quốc đã cao hơn 21% so với một năm trước và cũng tăng ở Mỹ cũng như EU sau khi các nhà chế biến gửi thêm sản phẩm của họ đến Trung Quốc.
Tương tự như vậy, trong tháng 3, giá thịt xông khói ở Tây Ban Nha cũng đã tăng khoảng 20% và giá thịt heo vai ở Đức cũng đã tăng 17%.
Hiện tại, thị trường mọi loại thịt động vật trên thế giới hầu như đều bị ảnh hưởng. Xuất khẩu thịt bò Úc sang Trung Quốc đã tăng 67% trong quý đầu tiên.
Tại Brazil, cổ phiếu của các công ty sản xuất thịt như JBS SA và Minerva SA cũng đã tăng vọt nhờ doanh số bán hàng đẩy mạnh hơn cho Trung Quốc.
Lượng thịt heo tiêu thụ trung bình theo đầu người ở Trung Quốc năm 2017 gần gấp 3 lần bình quân trên thế giới. Nguồn: OECD. |
Angus Gidley-Baird, một nhà phân tích hàng hóa của Rabobank tại Sydney, cho biết điều này ảnh hưởng không chỉ đến thị trường thịt động vật trong năm nay mà có thể sẽ có ảnh hưởng lâu dài trong nhiều năm. Nó sẽ gây nên việc di chuyển thị trường và có thể ảnh hưởng đến địa chính trị.
Theo như Citigroup, giá thịt heo tăng gấp đôi có thể sẽ thúc đẩy lạm phát của Trung Quốc tăng 5,4% trong khi dự báo tỷ lệ lạm phát ở nước này trong năm 2019 có là 2,6%. Liu Ligang, nhà kinh tế trưởng của Trung Quốc tại Citigroup cho biết có thể chính phủ Trung Quốc sẽ coi bất kỳ lạm phát nào liên quan đến thịt heo là một sự kiện bất thường tách biệt với tăng chi phí chung. Dù vậy, nếu giá thịt heo tăng làm lạm phát vượt mức trần 3%, có thể Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ không thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để thúc đẩy nền kinh tế.
Ông này cũng nhận định đây là cú sốc cung chứ không phải cú sốc cầu, và dù hậu quả của nó có thể là nhất thời thì đây có thể là một cú sốc cung kéo dài do mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Lượng thịt nhập khẩu của Trung Quốc so với thế giới năm 2018, 2019. Nguồn: USDA. |
Amanda Glassman, giám đốc điều hành tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu, cũng cho rằng dịch tả heo châu Phi ở Trung Quốc cho thấy các hệ thống giám sát dịch bệnh ở người và động vật chưa thực sự hoạt động tốt. Điều này làm nổi lên nhu cầu cấp bách về đầu tư của chính phủ vào công tác chuẩn bị đối phó với các dịch bệnh bùng phát bởi lẽ tác động đến kinh tế của nó là rất lớn