Theo Nikkei Asian Review, Verisk Maplecroft cho biết Trung Quốc là nhà tiêu thụ lớn của các mặt hàng như dầu thô và quặng sắt, tuy nhiên quốc gia này chủ yếu dựa vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Để đa dạng hóa nguồn nhập khẩu, Trung Quốc tìm cách mua cổ phần của các doanh nghiệp nước ngoài. Điều đó làm tăng tỷ lệ tài nguyên do Trung Quốc sở hữu trong tổng nhập khẩu của nước này. Chẳng hạn, số lượng công ty kim loại cơ bản và vàng do Trung Quốc sở hữu ở châu Đại Dương đã tăng từ 0 hồi năm 2000 lên 59 công ty vào năm 2020.
Châu Đại Dương bao gồm Austrailia, Papua New Guinea, New Zealand, Fiji và nhiều quốc đảo. "Trung Quốc đang tìm cách tăng cường kiểm soát chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua những khoản đầu tư ra nước ngoài và quan hệ đối tác với các công ty lớn trên thế giới", báo cáo viết.
Theo của Verisk Maplecroft, Trung Quốc tăng nhập khẩu các mặt hàng quan trọng như dầu thô, khí đốt tự nhiên, than luyện kim và quặng sắt của các đối tác thương mại.
"Bằng cách đảm bảo nguồn cung đa dạng, Trung Quốc sẽ có lợi thế trong việc vũ khí hóa thương mại đối với các đối thủ chính trị, đồng thời gia tăng sự phụ thuộc của những đối tác mới và hiện tại", công ty tư vấn khẳng định.
Các công ty vàng và kim loại cơ bản thuộc sở hữu nước ngoài ở châu Đại Dương. Ảnh: CNBC. |
Năm ngoái, Australia là nhà cung cấp quặng sắt lớn nhất của Trung Quốc. Tuy nhiên, Australia - một đồng minh của Mỹ - gần đây đã bị ảnh hưởng bởi các hạn chế thương mại của Bắc Kinh.
Theo dữ liệu của Refinitiv, Australia vận chuyển trung bình 60,86 triệu tấn quặng sắt đến Trung Quốc mỗi tháng vào năm 2020, chiếm hơn 60% tổng hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc.
Đó là lý do Trung Quốc tăng cường quan hệ thương mại với các nhà sản xuất quặng sắt khác như Brazil và Guinea, theo báo cáo của Verisk Maplecroft. “Mặc dù có đường lối cứng rắn hơn với Bắc Kinh dưới thời Tổng thống Bolsonaro, Brazil vẫn là ưu tiên trong chiến lược đa dạng hóa của Trung Quốc", báo cáo viết.
Theo công ty nghiên cứu Capital Economics, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia về hàng hóa và dịch vụ, chiếm 39,4% xuất khẩu hàng hóa và 17,6% xuất khẩu dịch vụ từ năm 2019 đến năm 2020.
Theo báo cáo của Verisk Maplecroft, Bắc Kinh đang thể hiện rằng nước này sẵn sàng sử dụng thương mại như một vũ khí chính trị.
Các nhà cung cấp tài nguyên quan trọng hàng đầu của Trung Quốc vào năm 2020. Ảnh: CNBC. |
Báo cáo trích dẫn việc Trung Quốc cấm nhập khẩu than của Australia. Quan hệ giữa hai nước trở nên xấu đi sau khi Australia ủng hộ lời kêu gọi điều tra quốc tế về cách Trung Quốc xử lý dịch Covid-19 bùng phát. Thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) là nơi chứng kiến đợt bùng phát đầu tiên của đại dịch.
Than đá chỉ là một trong những mặt hàng xuất khẩu của Australia bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trả đũa của Trung Quốc, từ đòn thuế đến những lệnh cấm và hạn chế.
Hãng Verisk Maplecroft nhận định căng thẳng địa chính trị có thể leo thang khi Trung Quốc tăng tốc nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp tài nguyên “không thân thiện”.
"Cấm nhập khẩu than từ Australia là một ví dụ điển hình. Tuy nhiên, nhiều khả năng khác có thể theo sau với những tác động đáng kể đến thương mại hàng hóa và tình hình địa chính trị toàn cầu”, báo cáo viết.
"Những động thái ngoại giao của Bắc Kinh đang nhắm trực tiếp vào các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Họ sẽ phải có sự chuẩn bị phù hợp", hãng tư vấn cảnh báo.