Tỉnh Vân Nam, nằm ở phía tây nam Trung Quốc, vừa ban hành lệnh cấm dùng điện vào mục đích khai thác Bitcoin. Thông tin này được đăng tải trên báo địa phương ngày 12/6, theo Reuters.
Cùng với việc ngăn chặn tiêu tốn lượng điện khổng lồ, chính quyền Trung Quốc còn bày tỏ lo ngại trước tình trạng đầu cơ tiền mã hóa sau khi giá Bitcoin và các tài sản kỹ thuật số khác dao động dữ dội.
Vân Nam là địa phương tiếp theo tại Trung Quốc cấm đào Bitcoin. Ảnh: Reuters. |
Trung Quốc là quốc gia tạo ra hơn một nửa sản lượng Bitcoin toàn cầu. Tuy nhiên, điều đó sẽ sớm thay đổi. Ngay sau khi chính quyền nước này tuyên bố siết chặt hoạt động khai thác và giao dịch tiền mã hóa, một số công ty quản lý “mỏ đào” đã nhanh chóng tìm cách chuyển sang nơi khác.
Hôm 11/6, Cơ quan Quản lý Năng lượng Vân Nam thông báo sẽ điều tra và xử phạt hành vi sử dụng điện trái phép của những thợ đào Bitcoin, nguồn tin địa phương cho biết. Các cơ sở khai thái tiền mã hóa phải chấm dứt hoạt động ngay trong tháng 6.
Theo Reuters, Vân Nam hiện là trung tâm khai thác Bitcoin lớn thứ 4 tại Trung Quốc. Trước địa phương này, Nội Mông và Tân Cương đã ban hành lệnh cấm tương tự. Trong khi đó, tỉnh Tứ Xuyên cũng đang giám sát chặt chẽ hoạt động của các mỏ đào.
“Ngày càng nhiều thợ đào cân nhắc việc chuyển hoạt động ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc”, Lei Tong, lãnh đạo cấp cao của Babel Finance - một công ty quản lý và cho vay tiền mã hóa có trụ sở tại Hong Kong, cho biết.
Trên thực tế, ngay sau tuyên bố siết chặt hoạt động khai thác và giao dịch tiền mã hóa vào cuối tháng 5 của chính quyền Trung Quốc, đã xuất hiện làn sóng mỏ đào di chuyển khỏi nước này.
Theo Robert Van Kirk, Giám đốc điều hành Kaboomracks, sàn giao dịch thiết bị khai thác tiền mã hóa có trụ sở tại Mỹ, các “thợ mỏ” Trung Quốc đang điên cuồng bán tháo máy móc của họ, kể cả khi thông báo của chính quyền chưa hiệu lực tức thì.
“Những người khai thác nhận ra rằng hoạt động ở Trung Quốc có thể rủi ro hơn so với dự tính. Vì vậy, họ quyết tâm rời đi", Van Kirk cho biết.
Tuy nhiên, việc di chuyển khối lượng máy móc khổng lồ và xây dựng cơ sở mới trong thời gian ngắn không hề dễ dàng.