Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng, Bắc Kinh "thực hiện nghiêm ngặt" các biện pháp trừng phạt nhằm ngăn chặn việc theo đuổi công nghệ hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Dữ liệu hải quan cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc sang Triều Tiên tăng 31,4% trong tháng 8 so với năm trước, trong khi nhập khẩu giảm 9,5%. Bắc Kinh nhấn mạnh rằng các biện pháp trừng phạt không cấm kinh doanh thực phẩm và lập luận chống lại các biện pháp có thể gây tổn hại cho người dân Triều Tiên.
"Hội đồng Bảo An đã chỉ ra rằng các nghị quyết liên quan không nên gây ra những tác động tiêu cực đến nhu cầu sinh kế và nhân đạo của Triều Tiên", AP dẫn lời ông Cảnh tại buổi họp báo thường kỳ.
Hải quan Trung Quốc kiểm tra các xe tải chở hàng hóa qua lại với Triều Tiên ở Đan Đông, đông bắc tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, ngày 11/9. Ảnh: AP. |
Ngày 5/8, Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc đã cấm các nước thành viên mua than và hải sản của Triều Tiên. Ngày 11/9, sau vụ thử hạt nhân thứ 6, lần thử nghiệm mạnh nhất của Bình Nhưỡng, các hình phạt đã được mở rộng với lệnh cấm cung cấp khí đốt tự nhiên cho Triều Tiên và mua hàng dệt may của nước này.
Trung Quốc, đồng minh lâu năm của Triều Tiên, đã đồng thuận với các biện pháp trừng phạt sau sự thất vọng ngày càng tăng đối với chính quyền ông Kim Jong Un.
Bắc Kinh cũng đã cắt giảm nguồn thu ngoại tệ của Bình Nhưỡng bằng cách yêu cầu các nhà hàng và các cơ sở kinh doanh khác của Triều Tiên làm ăn với đối tác Trung Quốc đóng cửa.
Là 1 trong 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc có quyền phủ quyết, Trung Quốc không muốn dồn ép Triều Tiên quá mức vì lo sợ chính quyền Bình Nhưỡng sụp đổ.