Sina đưa tin ngày 6/3, bộ phim Đại thoại tây du: Chí Tôn Bảo ra mắt song chất lượng kém. Đoàn phim sử dụng dàn diễn viên trẻ ít tiếng tăm, không đáp ứng được về ngoại hình và khả năng diễn xuất. Kỹ xảo của phim bị chê giả.
Chỉ trước đó một tháng, Đại thoại tây du của Châu Tinh Trì cũng được làm lại với tên Duyên khởi. Nội dung của phim vướng nhiều lỗi, dàn diễn viên cũng không để lại nhiều ấn tượng ngoại trừ Ngô Mạnh Đạt.
Theo Sina, thời gian gần đây các nhà sản xuất liên tục remake loạt phim kinh điển của Hong Kong những năm 1990, song dự án bị đánh giá kém về chất lượng, sản xuất công nghiệp, thiếu đầu tư.
Loạt phim "rác" khiến khán giả khó chịu
Năm 2021, bộ phim Thiến nữ tiên duyên ra mắt với hai phần phim. Dự án được cải biên từ câu chuyện Thiến nữ u hồn đã quen thuộc với khán giả, song nội dung có nhiều sự thay đổi.
Trong đó, Ninh Thái Thần không phải một thư sinh nho nhã mà trở thành chưởng môn phái Tử Tiêu - Tần Dương Minh (Bành Ngu Khư đóng). Sau khi hội ngộ, Nhiếp Tiểu Thiến quyết định ở lại cõi giao tranh cùng Tần Dương Minh trừ ma diệt quỷ, bảo vệ bình an cho bá tánh.
Không còn mang màu sắc thần thoại ma mị như nguyên tác, Thiến nữ tiên duyên khai thác câu chuyện xuyên không, du hành thời gian - đề tài phổ biến ở thị trường phim Hoa ngữ. Ngoài ra, vai trò của các nhân vật khác như Nhiếp Tiểu Thiến, Yên Xích Hà, Lão Lão cũng bị thay đổi hoàn toàn, chỉ giữ lại cái tên như trong tiểu thuyết gốc.
Tuy nhiên, nội dung chuyển thể mới mẻ này không được khán giả đánh giá cao vì nhồi nhét khiên cưỡng nhiều tình tiết, không ít câu thoại gây cười bị chê phản cảm và rẻ tiền. Bên cạnh vấn đề về nội dung, Thiến nữ tiên duyên còn bị đánh giá thấp do kỹ xảo phim kém cỏi, cách dàn dựng cảnh hành động không đẹp mắt. Đặc biệt, dàn diễn viên có ngoại hình kém đẹp, diễn xuất tệ khiến chất lượng của phim càng giảm sút và không nhận được sự yêu thích của người xem.
Tương tự Thiến nữ tiên duyên, Quan xẩm lốc cốc (2022), Tân Lục Chỉ Cầm Ma (2022) cũng được làm lại. Tuy nhiên, nhìn từ dàn diễn viên và đội ngũ sản xuất, truyền thông Trung Quốc đánh giá đây đều là những bộ phim "rác", được thực hiện với tiêu chuẩn.
Một số dự án như Anh hùng xạ điêu: Cửu âm bạch cốt trảo (2021) hay Anh hùng xạ điêu: Hàng long thập bát chưởng (2021) mời một số diễn viên kỳ cựu tham gia đóng vai phụ, chỉ để nâng đỡ diễn xuất cho dàn diễn viên chính kém tên tuổi. Do có nhiều chỉnh sửa không hợp lý về nội dung, hai bộ phim cũng bị khán giả chỉ trích.
Nội dung của các phim làm lại bị chê cải biên lộn xộn, làm biến chất nhân vật. Dàn diễn viên diễn xuất kém. |
Theo Sina, việc làm lại những bộ phim kinh điển một thời của Hong Kong đang là xu hướng nổi trội thời gian gần đây của các nhà làm phim Đại lục.
Remake phim giúp các dự án được chú ý ngay từ khi bắt đầu sản xuất, bởi việc quảng bá thường dựa vào những bộ phim đã thành danh năm xưa. Tuy nhiên, hiếm có bộ phim làm lại nào đạt được thành công như tác phẩm đi trước.
Sina bình luận không chỉ trong mảng điện ảnh xuất hiện hiện tượng làm lại, hiện tại các nhà sản xuất cũng quay lại nhiều bản phim truyền hình kinh điển như Thiên long bát bộ, Lên nhầm kiều hoa được chồng như ý, Tiên kiếm, Tân tiếu ngạo giang hồ...
Trong năm 2022, Tiên kiếm được lên kế hoạch sản xuất với nhiều phiên bản khác nhau trong đó có Tiên kiếm bản thử nghiệm với thời lượng ngắn, Tân Tiên kiếm kỳ hiệp (làm lại phần 1), Tiên kiếm kỳ hiệp 4 (làm tiếp phần 4 với dàn nhân vật khác).
Thế nhưng, sau khi ra mắt, Tiên kiếm bản ngắn bị đánh giá là có dàn diễn viên diễn xuất non nớt, thiếu kinh nghiệm, ngoại hình kém nổi bật, không thể so sánh với Lưu Diệc Phi, Hồ Ca. Dự án nhanh chóng chìm vào lãng quên. Bên cạnh đó, hai phần phim còn lại cũng không được kỳ vọng do dàn diễn viên bị nhận định kém tài năng.
Thực tế, nhiều bộ phim như Lộc đỉnh ký, Hoa nở trăng tròn (làm lại của Lên nhầm kiệu hoa được chồng như ý), Thiên long bát bộ (2021)... khi mới quay đều được công chúng chú ý. Nhưng, khi phát sóng, các phim này có những chỉnh sửa không hợp lý về nội dung, dàn diễn viên thiếu khí chất, kỹ xảo kém chỉn chu khiến những bản làm lại này thất bại.
Những dự án này đều nhận điểm chất lượng trên Douban dưới trung bình. Trong đó, nhiều bộ phim được giới thiệu là phim kiếm hiệp, nhưng kịch bản không đặt trọng tâm vào nội dung kiếm hiệp, võ lâm mà tập trung khai thác câu chuyện ngôn tình dẫn đến hiện tượng cải biên quá đà, phản cảm. Đồng thời, đội ngũ làm phim cũng không còn tâm huyết như xưa khi lạm dụng kỹ xảo phông nền, diễn viên đóng thế.
Vấn đề kịch bản nan giải của phim Trung Quốc
Theo Sina, tình trạng nhiều phim kinh điển được làm lại cho thấy sự thiếu sáng tạo của đội ngũ biên kịch. Họ chỉ có thể cải biên dựa trên nền tảng tiểu thuyết có sẵn. Việc phụ thuộc vào những tiểu thuyết như Tây du ký, Liêu trai chí dị, truyện kiếm hiệp của Kim Dung, Cổ Long khiến kịch bản phim có sự trùng lặp. Những tiểu thuyết này đã được khai thác ở nhiều góc độ khác nhau, khó tạo nên sản phẩm mới mẻ, có sự cuốn hút riêng.
Thực tế, nhìn từ những bộ phim điện ảnh được ra mắt vào các dịp lễ lớn, có thể thấy kịch bản của phim chủ yếu về đề tài gia đình, chiến tranh hoặc phim hài. Ba thể loại phim này đang được ưa chuộng tại Trung Quốc với những dự án đem lại doanh thu hàng tỷ NDT như Chiến lang 2, Hồ Trường Tân, Thám tử phố Tàu...
Tuy nhiên, thị trường phim ảnh Trung Quốc bị đánh giá là thiếu tính đa dạng nếu so với Hàn Quốc và Nhật Bản. Theo Sina, đây là lý do quan trọng khiến nhiều khán giả không mặn mà với việc ra rạp xem phim, dẫn tới doanh thu của năm 2022 giảm sút. Nhiều người xem bày tỏ họ không biết lựa chọn gì khi Trung Quốc thiếu các phim bom tấn khoa học viễn tưởng, cũng không nhiều những phim tình cảm lãng mạn hay.
Theo Sina, nguyên nhân khiến các nhà sản xuất vẫn lựa chọn làm lại nhiều tác phẩm kinh điển là để nâng đỡ dàn diễn viên trẻ.
Vương Tinh làm lại hai phần phim Ỷ Thiên Đồ Long ký: Cửu Dương Thần Công (2022) và Ỷ Thiên Đồ Long ký: Thánh Hỏa Hùng Phong (2022) với mong muốn khán giả ghi nhớ tên tuổi của dàn mỹ nhân mới như Vân Thiên Thiên và Khâu Ý Nùng. Trước đó, có Từ Đông Đông là người đẹp siêu vòng một được Vương Tinh ưu ái giao vai trong nhiều dự án.
Tuy nhiên, cả ba ngôi sao đều bị đánh giá là có diễn xuất không nổi trội, ngoại hình thiếu sức hấp dẫn riêng. Trong đó, khán giả khó phân biệt Vân Thiên Thiên và Khâu Ý Nùng vì gương mặt có nhiều nét chỉnh sửa.
Đạo diễn Vương Tinh làm lại loạt phim kinh điển để nâng đỡ các người đẹp như Khâu Ý Nùng, Vân Thiên Thiên. |
Tương tự, Bành Ngu Khư bị chê diễn xuất nhưng đảm nhận vai chính trong hai dự án điện ảnh Quan xẩm lốc cốc và Thiến nữ tiên duyên.
Trước đó, nhà sản xuất cũng lựa chọn Nguyễn Cự, một diễn viên trẻ ít đóng vai Mai Siêu Phong nặng ký trong Anh hùng xạ điêu: Cửu âm bạch cốt trảo (2021).
Theo Sina, remake phim kinh điển là con đường tắt để nổi tiếng. Nếu phim thành công, giúp các diễn viên trẻ được đứng ngang với các đàn anh đàn chị thành danh lâu năm. Tuy nhiên, kịch bản bị cải biên quá mức, cộng thêm dàn diễn viên chưa đủ sức để gồng gánh vai chính khiến các dự án làm lại liên tiếp thất bại.