Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông
Truyền thông Trung Quốc đưa tin quân đội nước này vừa tập trận trên Biển Đông sau khi Bắc Kinh có nhiều động thái gây căng thẳng.
Quân Trung Quốc đồn trú trái phép ở “thành phố Tam Sa” vừa tập trận bắn đạn thật. |
Tân Hoa Xã dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi kêu gọi các bên liên quan về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông nỗ lực hơn nữa để tăng cường hợp tác và tin tưởng lẫn nhau. Tuy nhiên, những hành động gần đây của Bắc Kinh lại không hề thể hiện thiện chí như lời kêu gọi trên của ông Hồng.
Bằng chứng là cũng trong ngày 10/12, tờ Nhân Dân nhật báo đưa tin một đội xe tăng thuộc Bộ Chỉ huy quân đồn trú, của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), tại cái gọi là “thành phố Tam Sa” vừa diễn tập bắn đạn thật. Tờ báo không nêu rõ thời gian và địa điểm tập trận. Tuy nhiên, “Tam Sa” vốn dĩ được Trung Quốc thành lập để quản lý trái phép 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đồng thời, Bộ Chỉ huy quân đồn trú trên cũng vừa được thành lập trái phép vào tháng 7 với cơ quan đầu não đặt tại đảo Phú Lâm thuộc chủ quyền Việt Nam.
Động thái này của Bắc Kinh gây quan ngại đối với các nước có tranh chấp trên Biển Đông lẫn những quốc gia khác, điển hình là Mỹ. AFP dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell nhấn mạnh: “Việc Trung Quốc nâng quy chế hành chính của thành phố Tam Sa và thiết lập đơn vị quân đồn trú tại đó bao phủ các khu vực tranh chấp ở Biển Đông đi ngược với các nỗ lực ngoại giao phối hợp nhằm giải quyết những bất đồng và tạo nguy cơ đẩy căng thẳng leo thang trong khu vực”.
Suốt từ tháng 9 - 11, truyền thông Trung Quốc liên tục phát đi những hình ảnh về việc quân đội nước này tập trận bắn đạn thật dưới nhiều kịch bản giả định khác nhau: hải chiến, tấn công đổ bộ chiếm đảo... Lần nào cũng mập mờ về địa điểm và thời gian, trong khi lại phát đi những hình ảnh đầy tính đe dọa với đạn pháo ầm ầm. Vì thế, chẳng quá lời khi khẳng định Bắc Kinh liên tục có những động thái gây quan ngại cho khu vực.
Mới đây, PLA ngày 5/12 ngang nhiên tổ chức cuộc thi đấu bắn súng tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Minh họa cho cuộc thi này, tờ Hoàn Cầu thời báo đăng tải một số mô tả như: binh sĩ ngắm bắn, trườn qua lưới thép gai, vượt qua các hàng rào thép gai đang bốc cháy...
Trung Quốc tiếp tục chính sách sai trái ở Hoàng Sa
Chính sách sai trái của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông không dừng lại khi nước này khởi công xây dựng Trạm giám sát tổng hợp khí quyển quốc gia ở quần đảo Hoàng Sa.
Một hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. |
Thông tin trên được mạng Tân Hoa ngày 10/12 đăng tải, với một khẳng định bất chấp dư luận rằng mục đích của trạm này là triển khai công tác bảo vệ môi trường Biển Đông, cung cấp các dịch vụ công cộng về giám sát môi trường phục vụ cái gọi là "nhu cầu thực hiện chủ quyền quốc gia và quản lý các công việc liên quan đến lãnh thổ".
Ngày 4/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, bộ này đã gửi công hàm một ngày trước đó để phản đối Trung Quốc về những hành động sai trái gần đây, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Người phát ngôn Lương Thanh Nghị khẳng định phía Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay những việc làm sai trái đó và không để tái diễn những hành động tương tự.
Ngày 27/11/2012, tỉnh Hải Nam thông qua bản sửa đổi “Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển tỉnh Hải Nam”, trong đó đã đưa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam vào phạm vi áp dụng. Trước đó, ngày 23/11/2012, Trung Quốc cho xuất bản bản đồ "Tam Sa", phạm vi bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Gần đây nhất, sáng sớm ngày 30/11/2012, trong khi tàu Bình Minh 02 của Việt Nam đang tiến hành thăm dò địa chấn bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam (tại tọa độ 17độ26,2’ vĩ tuyến Bắc, 108độ 02’ kinh tuyến Đông, nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa Việt Nam, chỉ cách đảo Cồn Cỏ (Việt Nam) khoảng 43 hải lý) thì bị 2 tàu cá Trung Quốc mang số hiệu 16025 và 16028 cố tình cản trở và gây đứt cáp, bất chấp các lực lượng chức năng của Việt Nam đã phát tín hiệu cảnh báo.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ: “Những hành động nói trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển của Việt Nam; vi phạm Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10/2011; trái với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Tuyên bố cấp cao kỷ niệm 10 năm DOC, làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp".
Theo Thanh Niên, Vietnamplus