Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Trung Quốc tạo vùng đánh cá để thâu tóm Biển Đông'

"Tôi đề nghị lực lương chấp pháp Việt Nam cần mạnh mẽ hơn nữa trên Biển Đông để bảo vệ, hỗ trợ ngư dân", Phó chủ tịch Hội nghề cá Võ Văn Trác trao đổi với Zing.vn.

PGS. TS Võ Văn Trác, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam trả lời Zing.vn về những hành động đánh, phá tài sản, xua đuổi ngư dân Việt Nam trên Biển Đông của phía Trung Quốc.

- Báo chí quốc tế vừa ghi lại những bằng chứng ngư dân Trung Quốc đang tàn phá rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa, tận thu nguồn lợi thủy sản. Ông nghĩ sao về việc này?

- Tôi đã biết qua thông tin, nhưng chúng ta cần điều tra xác minh làm rõ thêm. Nếu sự thật như thế thì Trung Quốc đang xâm phạm chủ quyền biển đảo của chúng ta. Họ đang hủy hoại môi trường biển một cách cực kỳ nghiêm trọng.

- Những năm gần đây, phía Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động ngang ngược đối với ngư dân đánh bắt cá trên Biển Đông hơn. Hội Nghề cá ghi nhận, đánh giá vấn đề này như thế nào?

- Gần đây, Hội Nghề cá nhận được một số thông tin của ngư dân phản ánh như trong năm 2015, Trung Quốc gia tăng các lực lượng tuần tra giám sát nhằm bảo vệ hỗ trợ những hoạt động khai thác kinh tế biển, trong đó có việc truy đuổi, dùng vòi rồng phun nước, đập phá, thu ngư cụ... Thậm chí, lực lượng chấp pháp, ngư dân Trung Quốc còn đánh đập, hòng gây tâm lý hoang mang cho ngư dân Việt Nam không dám ra khơi.

Ông Võ Văn Trác. Ảnh: Hoàng Lực.
Ông Võ Văn Trác. Ảnh: Hoàng Lực.

Hành động trên của Trung Quốc là phi pháp, bạo ngược và vô nhân đạo, xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam. Đáng lẽ, Trung Quốc phải giúp đỡ để ngư dân cùng nhau khai thác an toàn hay bảo vệ ngư dân gặp nạn, đằng này, Trung Quốc lại quấy phá ngư dân Việt Nam đánh bắt trên vùng biển hợp pháp.

Chúng tôi cực lực phản đối những hành động trên của phía Trung Quốc.

- Theo ông hành động của các lực lượng Trung Quốc và ngư dân nước này ảnh hưởng thế nào đến ngư dân Việt Nam?

Mới đây nhất vào giữa tháng 11/2015, tàu cá của ngư dân ở Đà Nẵng bị hàng trăm tàu có chữ Trung Quốc phá lưới trong khi đang đánh bắt trong vùng biển cho phép. Dù lực lượng chấp pháp Việt Nam báo hiệu khu vực đang thả lưới đánh cá nhưng tàu Trung Quốc vẫn bất chấp đi qua làm hư hỏng lưới của ngư dân. Vụ việc gây thiệt hại tới 300 triệu đồng.

Bên cạnh đó, tàu cá của Trung Quốc với sự “bảo kê” của lực lượng chấp pháp nước này đã chủ động xua đuổi, tấn công ngư dân chúng ta khi đang khai thác trên Biển Đông.

Điều này không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến sản lượng khai thác của ngư dân mà còn dẫn đến việc họ bị thua lỗ mỗi khi ra khơi. Nhiều ngư dân còn bị đánh gây thương tích.

Với sự
Với sự "bảo kê" của lực lượng chấp pháp Trung Quốc, tàu cá Trung Quốc ngang nhiên tiến vào biển Đông

- Ý đồ đằng sau các hành động này là gì thưa ông?

Năm nào ngư dân ra khơi cũng đều gặp phải những hành động ngang ngược của Trung Quốc nhưng vài năm gần đây, việc đó tăng lên nhiều hơn.

Chúng ta cũng cần phải hiểu rõ bản chất, mục tiêu của Trung Quốc. Họ vẫn luôn luôn rêu rao rằng, việc họ có những hành động ngăn cản, phá ngư dân Việt Nam để bảo vệ nguồn lợi thủy sản của nước họ.

Nhưng thực tế, lý do sâu xa là họ đang thực hiện âm mưu bành trướng, tiến tới làm bá chủ Biển Đông. Theo tôi, Trung Quốc không chỉ có ý muốn tạo vùng đánh cá mới mà mưu đồ là thâu tóm biển Đông.

Ngư dân Trung Quốc tàn phá các rạn san hô trên Biển Đông Phóng viên Rupert Wingfield-Hayes của BBC tiếp cận một số rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi các ngư dân Trung Quốc ngang nhiên tàn phá đáy biển.

- Vậy Hội Nghề cá đã có những hành động gì để bảo vệ ngư dân?

- Hội nhận được phản ánh của ngư dân, hoặc qua thông tin báo chí, đã ra các văn bản, gửi các cơ quan chức năng phản đối hành động của Trung Quốc. Yêu cầu Trung Quốc phải bồi thường những thiệt hại cho ngư dân.

Ngoài ra, chúng tôi cũng tuyên truyền người dân khi ra khơi đánh cá cần thực hiện đúng theo quy pháp luật trên biển. Cái này rất quan trọng. Ngư dân đi đánh bắt ngoài khơi cần đi theo đội hình, không đi riêng lẻ. Khi có sự cố với tàu Trung Quốc thì tàu chúng ta mới hỗ trợ nhau được.

Tôi cũng đề nghị, lực lương chấp pháp Việt Nam cần mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa trên Biển Đông để bảo vệ, hỗ trợ ngư dân nhiều hơn họ yên tâm ra khơi.

Lực lượng kiểm ngư sẽ hết mình bảo vệ ngư dân

Trao đổi với Zing.vn, ông Hà Lê, Cục phó Cục Kiểm ngư cho hay, theo phản ánh của ngư dân, tàu Trung Quốc tấn công ngư dân bằng nhiều cách như: Xua đuổi, phá lưới, lấy ngư cụ, các trang thiết bị, lấy hết cả dầu chỉ còn để lại một lượng dầu nhất định để ngư dân đủ chạy về mà không thể tiếp tục đánh bắt thủy hải sản.

"Họ làm bằng mọi giá, mọi cách để triệt tiêu động cơ đánh bắt của bà con trên ngư trường truyền thống của Việt Nam. Lực lượng kiểm ngư sẽ cùng với lực lượng khác làm hết mình để đảm bảo an toàn cho ngư dân ở vùng biển của mình", ông nói.

Tàu cá Trung Quốc lấn sâu, cách đảo Lý Sơn chỉ 45 hải lý

Trên báo Tuổi trẻ, đại tá Lê Thanh Vân - Phó tư lệnh tham mưu trưởng Vùng 3 hải quân cho hay, năm 2015 tình hình vùng Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp. Cụ thể, Trung Quốc tăng cường các hoạt động quân sự như huấn luyện, tuần tiễu trinh sát, diễn tập trên biển nhằm phô trương lực lượng, răn đe uy hiếp các nước có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc.

Ngoài ra, hằng năm Trung Quốc ra thông báo vùng cấm đánh bắt cá từ 12 độ vĩ Bắc trở lên, đồng thời thường xuyên tổ chức tàu cá do ngư dân Trung Quốc điều khiển với số lượng lớn lấn chiếm vùng biển của Việt Nam, trong đó có những vùng lấn sâu chỉ cách Lý Sơn (Quảng Ngãi) tầm 45 hải lý với ý đồ là cố tạo ra vùng đánh cá mới của Trung Quốc.

Trung Quốc đang cố tạo vùng đánh cá mới trên biển Đông

Là phát biểu của đại tá Lê Thanh Vân - Phó tư lệnh tham mưu trưởng Vùng 3 hải quân - tại buổi gặp mặt “Quân dân một ý chí” diễn ra chiều 16/12 tại Bộ tư lệnh Vùng 3 (Đà Nẵng).



Thắng Quang thực hiện

Bạn có thể quan tâm