Từ năm 2012, thời điểm ông Tập Cận Bình tiếp quản vị trí chủ tịch Trung Quốc, Bắc Kinh và Moscow đã tiến hành 10 cuộc tập chung quy mô lớn. Cùng với hàng tỷ USD đầu tư hiện đại hóa, các hoạt động hợp tác và tập huấn chung với Nga đã giúp hải quân Trung Quốc trở thành một trong những lực lượng hiện đại nhất tại châu Á - Thái Bình Dương.
Trung Quốc vượt Nga trên đại dương
Từ một thời đối đầu gay gắt trong Chiến tranh Lạnh, Bắc Kinh và Moscow nay đang trải qua kỷ nguyên mới thắt chặt quan hệ song phương, nhằm cân bằng lại sức ép trong quan hệ ngày càng sóng gió với Washington. Hợp tác quốc phòng, vì lẽ đó, có thêm nhiều dư địa và được ưu tiên chú trọng.
Trong tháng 5, hải quân Nga và Trung Quốc lần đầu cùng tham gia diễn tập phòng không bắn đạn thật trên biển ngoài khơi thành phố Thanh Đảo, với lực lượng tác chiến đến từ cả hai quốc gia. Trước đó, các cuộc tập trận hải quân chung, chủ yếu diễn ra trong các vùng biển gần hai nước này, như biển Nhật Bản, biển Hoa Đông, biển Baltic.
Tàu chiến Trung Quốc tham gia cuộc tập chung với Nga năm 2019. Ảnh: AP. |
"Sự thật là Trung Quốc đã vượt mặt Nga, đặc biệt trong bối cảnh Bắc Kinh đầu tư nhiều công sức để phát triển sức mạnh hàng hải một cách toàn diện và tổng hợp", Collin Koh, chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam thuộc Đại học Nanyang, Singapore, nhận định.
Kết luận trên nhận được sự chia sẻ của các chuyên gia từ Viện nghiên cứu Quốc tế và an ninh đối ngoại, Đức. Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc không chỉ dừng ở việc mua sắm tàu chiến, vũ khí tối tân, mà còn tiến tới xây dựng một nền kinh tế biển, với hàng loạt hải cảng trong và ngoài nước, với khả năng tự chủ đóng những con tàu tải trọng lớn nhất và vận chuyển toàn cầu.
Chuyên gia từ Đại học Nanyang nhận định Nga đang đóng vai trò then chốt để Trung Quốc phát triển năng lực hàng hải của nước này.
"Các cuộc tập trận chung là những sự đào tạo quý như vàng giúp hải quân Trung Quốc thực tập và xây dựng năng lực", ông Koh đánh giá.
Các cuộc tập trận chung giúp Trung Quốc học hỏi cách thức giải quyết những vấn đề ngắn và trung hạn như triển khai các lực lượng giữa các khu vực, tổ chức và điều phối các hạm đội.
"Tuy nhiên, Trung Quốc đang bước vào thời kỳ thách thức mới, nước này muốn đi xa hơn nữa trên biển, để thực thi cái mà Bắc Kinh gọi là bảo vệ các quyền lợi quốc tế", Zhou Chenming, chuyên gia quân sự từ Bắc Kinh, đánh giá.
Điều này, theo ông Zhou, có nghĩa là Trung Quốc cần lực lượng hải quân mạnh mẽ hơn, có khả năng di chuyển tới các vùng biển quốc tế nằm cách xa hậu phương, và có năng lực tác chiến hiện đại hơn. Đây là những khía cạnh Nga không thể giúp ích được cho Trung Quốc.
Binh sĩ Nga - Trung tại cuộc tập trận ở Quảng Đông năm 2016. Ảnh: Xinhua. |
Nga rơi vào thế lưỡng nan
Quan hệ song phương giữa Bắc Kinh và Moscow được nâng tầm sau chuyến thăm 3 ngày của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nga đầu tháng 6. Chuyến thăm diễn ra ngay sau khi Tổng thống Putin tới thăm Trung Quốc hồi tháng 4. Trong cả 2 chuyến thăm, hai nhà lãnh đạo đều có những tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ lẫn nhau, đồng thời thúc đẩy sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc.
Tuy nhiên, trên phương diện quốc phòng, so sánh lực lượng hai bên đang ngày càng không đồng đều, khi Trung Quốc phát triển nhanh chóng nhờ những khoản đầu tư khổng lồ vào vũ khí cũng như nghiên cứu sáng tạo, trong khi Nga đang tụt lại phía sau do khó khăn về ngân sách. Điều này tạo ra tình thế nan giải, ít nhất là với Nga, khi Trung Quốc đang dần chiếm vị thế cường quốc hải quân lớn nhất phương Đông.
Theo tính toán của Ủy ban Đánh giá an ninh và kinh tế Mỹ - Trung, chi tiêu quốc phòng trong giai đoạn 2015-2021 của Trung Quốc tăng 55%, từ 167,9 tỷ USD lên 260,8 tỷ USD.
Trong giai đoạn này, ngân sách dành cho hải quân Trung Quốc tăng tới 82%, từ mức 31,4 tỷ USD lên tới 57,1 tỷ USD.
Những khoản chi tiêu rộng rãi đi cùng với những bước tiến trong công nghệ quốc phòng của Bắc Kinh. Theo báo cáo do Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ đưa ra hồi tháng 1, một số loại vũ khí do Trung Quốc sản xuất hiện đã vượt mặt công nghệ của Mỹ.
Bên cạnh đó, hải quân Trung Quốc hiện có nhiều tàu chiến hơn cả hải quân Mỹ, theo một thống kê của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS). Điều này đồng nghĩa là, nếu không xét tới chất lượng và chủng loại các tàu chiến, Trung Quốc hiện có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua. |
"Hải quân Trung Quốc có 300 tàu chiến, bao gồm hàng không mẫu hạm, khu trục hạm, tuần dương hạm, tàu ngầm, tàu săn ngầm, tàu hộ tống, và tàu đổ bộ, lực lượng lớn nhất trên thế giới", CSIS đánh giá.
Timothy Heath, chuyên gia cấp cao của tập đoàn quốc phòng Rand Corporation, nhận định trong bối cảnh Moscow vật lộn với sự suy giảm năng lực quốc phòng và tầm ảnh hưởng, Nga buộc phải chấp nhận thực tế họ đang trở thành "kẻ chiếu dưới" so với Trung Quốc.
"Moscow đã chậm chân so với Bắc Kinh trong một loạt các vấn đề, như ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Trung Á hay sự lãnh đạo trong các tổ chức quốc tế, như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải". ông Heath nhận xét. Điều này cho thấy đang có sự dịch chuyển trung tâm quyền lực địa chính trị tại lục địa Á-Âu.
Sự phát triển vũ bão của Trung Quốc khiến đối tác phương Bắc đối mặt thế lưỡng nan, bởi việc Bắc Kinh ngày càng mở rộng sức mạnh, vô hình trung, thu hẹp không gian ảnh hưởng của Nga. Về mặt lịch sử, hai quốc gia cũng chưa từng là những láng giềng thân thiện.
"Nga muốn giữ Trung Quốc làm đối tác thân cận để đối phó với phương Tây, đặc biệt là sau khủng hoảng Ukraine 2014, thế nhưng, Moscow cũng nhìn sự lớn mạnh của Bắc Kinh với ánh mắt dò xét thận trọng", ông Heath đánh giá.